Nghiên cứu mới đây, công bố trên tạp chí chuyên ngành Sciene, vừa cung cấp bằng chứng, củng cố nhận định sự suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với con người.
Theo nghiên cứu, quần thể dơi ở Bắc Mỹ giảm sút đã dẫn đến việc nông dân gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng, khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng.
Trong nghiên cứu, tác giả Eyal Frank, thuộc Đại học Chicago (Mỹ), đã tận dụng một "thí nghiệm tự nhiên" - sự xuất hiện đột ngột của căn bệnh khiến dơi chết, để xác định những lợi ích mà loài dơi ăn mang lại trong kiểm soát côn trùng gây hại.
Hội chứng mũi trắng (WNS) - do một loại nấm xâm lấn gây ra, bắt đầu lan rộng trên khắp nước Mỹ, bắt đầu từ New York, vào năm 2006, khiến nhiều đàn dơi bị chết. Hội chứng này đã đánh thức dơi trong thời gian ngủ Đông, trong khi chúng không có côn trùng để ăn và không thể chống chọi trước cái lạnh. Việc hàng triệu con dơi bị chết do nhiễm nấm đã gây sốc cho hệ sinh thái.
Chuyên gia Frank đã theo dõi sự lây lan của WNS ở miền Đông nước Mỹ và so sánh việc sử dụng thuốc trừ sâu ở các khu vực bị ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng. Theo đó, tại những nơi quần thể dơi bị suy giảm, việc sử dụng thuốc trừ sâu tăng đáng kinh ngạc, tới 31%.
Sau đó, ông Frank tiếp tục đánh giá mối liên quan giữa việc tăng sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sơ sinh. Kết quả cho thấy khi thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều hơn, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng gần 8%, tương đương với việc có thêm 1.334 trẻ sơ sinh tử vong, do nước và không khí bị ô nhiễm - những con đường để các hóa chất độc hại xâm nhập vào con người.
Chuyên gia Frank nhấn mạnh sự lây lan theo từng đợt của dịch bệnh đối với động vật hoang dã ủng hộ lập luận rằng việc hàng loạt con dơi bị chết đã khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng đột biến. Điều đáng nói, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Công trình nghiên cứu trên bổ sung bằng chứng cho thấy tác động dây chuyền của tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái. Ông Frank nhấn mạnh: "Các nhà sinh thái học đã cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đang mất đi nhiều loài và tỷ lệ tuyệt chủng cao hơn nhiều lần so với những gì họ nghĩ và điều này có thể gây ra những tác động thảm khốc đối với nhân loại". Trên thực tế, sự suy giảm của loài lưỡng cư và rắn ở Trung Mỹ cũng đã kéo theo sự gia tăng các ca mắc bệnh sốt rét ở người./.
Theo TTXVN