Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... - những sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hoá và đặc trưng của mỗi vùng miền.
* Giải pháp xây dựng, phát triển nông thôn mới hiệu quả
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Số: 490/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Chương trình được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.
Theo đó, phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm, bao gồm: thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống; thảo dược; vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi); lưu niệm-nội thất-trang trí và các sản phẩm dịch vụ (phục vụ du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu).
Chu trình OCOP được thực hiện theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương) làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ triển khai tập huấn cho cán bộ từ trung ương đến địa phương trực tiếp tham gia thực hiện chương trình...
Đến nay, cả nước đã có 58/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Đã có 274 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 8 sản phẩm 5 sao, 134 sản phẩm 4 sao, 132 sản phẩm 3 sao (sản phẩm từ 1-3 sao: phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4-5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu).
Trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh đã thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả tích cực. Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP như: Gà Tiên Yên (Quảng Ninh), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)…
Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP năm 2013, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 322 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt "3-5 sao"; trên 90% sản phẩm được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc. Tổng doanh số bán hàng Chương trình OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất Chương trình OCOP năm 2018 đạt 311 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP đã góp phần làm chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ tự phát; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam.
* Đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu
Tuy đạt một số kết quả tích cực, song theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay còn một số tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP.
Mục tiêu của Chương trình OCOP đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp trung ương, tỉnh, huyện) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai nhằm thực hiện đồng bộ hóa Chương trình OCOP trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai cũng cần nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm, để đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững. Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm Chương trình OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa... làm tiền đề trong quy hoạch, chiến lược phát triển trên cơ sở lợi thế, thế mạnh vùng, miền...
Bên cạnh đó, cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cho các hộ sản xuất và cho người tiêu dùng để hiểu, biết quan tâm chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, vận dụng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích để ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ. Huy động nguồn lực, và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu, soạn thảo và chuẩn bị ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiếp thu vận dụng 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và kinh nghiệm từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương để sớm hoàn chỉnh trình Chính phủ trong thời gian tới… ./.
Theo TTXVN