Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

ASEAN hậu COVID-19: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Ngày phát hành: 08/09/2020 Lượt xem 1112

 

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “ASEAN hậu COVID-19: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” nhằm xem xét những diễn biến của khu vực trong thời kỳ COVID-19, đánh giá những tác động do COVID-19 gây ra đối với Đông Nam Á; nghiên cứu những giải pháp ứng phó của các nước thành viên ASEAN trên nhiều phương diện; đồng thời đưa ra những dự báo tình hình khu vực thời kỳ hậu COVID-19.

Hội thảo có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là đại diện một số Đại sứ quán các nước Đông Nam Á tại Hà Nội. Đồng thời, có sự tham gia trực tuyến của một số nhà khoa học từ các nước ASEAN như: Campuchia, Philippines, Singapore và Ấn Độ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: Đông Nam Á được cho là khu vực có những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới sau Trung Quốc. Kể từ đó, dịch bệnh đã để lại những hệ lụy nặng nề đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN. Hàng chục nghìn gia đình có người thân ra đi do dịch bệnh, hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị đình trệ, hàng triệu lao động mất đi nguồn sống, nhất là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á ngày 18/6/2020, kinh tế Đông Nam Á năm 2020 sẽ suy giảm mạnh ở mức âm 3%, du lịch và dịch vụ trong khu vực bị suy giảm nghiêm trọng, xuất nhập khẩu bị tác động mạnh do độ mở của các nền kinh tế khu vực cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung vào các vấn đề như: diễn biến và thực trạng của Đại dịch tại Đông Nam Á; tác động của nó và ứng phó của các quốc gia và ASEAN; những thay đổi trong cục diện chính trị an ninh khu vực và dự báo tình hình khu vực thời kỳ hậu COVID-19.

Bàn về Đông Nam Á với COVID-19, tác động và chính sách ứng phó, Tiến sỹ Võ Xuân Vinh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết: Đứng trước những thách thức do COVID-19 gây nên, ngay từ đầu các quốc gia thành viên của Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu đại dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Các thành viên Cộng đồng ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một ASEAN đoàn kết và gắn bó, trách nhiệm để cùng nhau vượt qua đại dịch. Việt Nam được thế giới thừa nhận là hình mẫu thành công trong chống dịch COVID-19 và ASEAN cũng được cho là cơ bản đã kiểm soát được tình hình khi đạt tỉ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm, tỉ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh. Các nền kinh tế ASEAN về cơ bản vẫn giữ được ổn định với mức suy giảm kinh tế thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới và có triển vọng phục hồi sau đại dịch.

Theo đó, nhiều giải pháp tài khóa, tiền tệ và tài chính vĩ mô đã được thực thi. Một điểm đáng chú ý là các lệnh cách ly xã hội được ban hành cùng tâm lý do ngại nhiễm bệnh đã khiến tình hình an ninh - chính trị các nước khu vực khá ổn định. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tình hình kinh tế - xã hội khu vực kỳ vọng sẽ được cải thiện vào năm 2021 với mức tăng trưởng GDP dao động từ mức 3% (Brunei) đến 6,5 % (Philippines và Thái Lan).

Các diễn giả tham dự trực tuyến cũng thảo luận và đưa ra một số giải pháp cho các nước như: Tăng cường năng lực ứng phó với COVID-19 (cách vận hành Quỹ ứng phó với COVID-19 theo đề xuất của Thái Lan đã được phê duyệt vào tháng 4/2020 nhằm tìm ra giải pháp cho các nước; sự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn giữa các thành viên; đẩy mạnh an ninh mạng; tăng cường bảo hộ công dân ở các nước thứ ba..); đẩy mạnh phục hồi kinh tế (thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực đang nhiều cản trở; hướng đến các mạng lưới an toàn xã hội, an ninh lương thực và giáo dục..)./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết