Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam

Ngày phát hành: 09/06/2021 Lượt xem 1330

 

Đối với Việt Nam, kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Do đó, cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác, phải quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường, vì một “đại dương an toàn”.

 

Kinh tế biển và ven biển đóng góp lớn vào phát triển đất nước
Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Do đó, việc phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt.
Các báo cáo về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế biển và ven biển trong những năm qua cho thấy những kết quả ích cực. Tính riêng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản trên cả nước đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Du lịch biển cũng là ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2019, sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, Việt Nam đã lập kỷ lục khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Trong đó, “Du lịch biển” chiếm tỷ trọng lớn, mang lại gần 70% tổng thu nhập từ khách du lịch và đóng góp 8% GDP cả nước. Trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Cũng trong năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018.
Thời gian qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả.
Cả nước hiện có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.900 ha.
Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa-Bình Thuận); Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu-TP Hồ Chí Minh); Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang-Kiên Giang).
Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Tỷ lệ diện tích khu bảo tồn biển đạt 0,172% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam. Đến nay, đã có 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.
Có thể khẳng định, kinh tế biển và ven biển đóng góp lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam
Dù có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế nhưng hiện nay, theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân, nhất là ngành thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển.
Do đó, ông Tạ Đình Thi kiến nghị, cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, phải quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường, vì một “đại dương an toàn”. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo.
Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Để sớm đưa các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam vào thực hiện hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm tra đánh giá và phân công, tổ chức cụ thể các công việc, nhiệm vụ. Đặc biệt, tăng cường vai trò trong việc chỉ đạo thống nhất, liên ngành các nội dung liên quan đến thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển…
Các bộ, ngành liên quan quản lý 6 ngành kinh tế gồm (du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới) và các địa phương tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa 3 khâu đột phá xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Đồng thời, các địa phương có biển sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW thuộc phạm vi quản lý, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai các chủ trương, giải pháp, trong đó tập trung ưu tiên ngân sách của địa phương, đồng thời thu hút đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trải qua 12 năm thực hiện, hưởng ứng ở cấp độ quốc gia với ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết, kết nối và nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên biển. Năm nay, chủ đề của Ngày Đại dương thế giới  là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất, kêu gọi sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Để phù hợp với chủ đề này và cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định lựa chọn chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 là “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.
Đây chính là dịp để toàn dân thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết