Đức lên kế hoạch đối phó với tình trạng khan hiếm nước
Ngày 8/6, Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức đã công bố dự thảo Chiến lược quốc gia về nước nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này một cách bền vững, lâu dài.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại buổi công bố dự thảo Chiến lược quốc gia về nước, Bộ trưởng Môi trường liên bang Svenja Schulze cho biết mặc dù Đức là một quốc gia có nguồn tài nguyên nước ngọt dồi dào, nhưng không phải là vô tận. Tại một số vùng, nguồn tài nguyên này đang trở nên khan hiếm do hậu quả của biến đổi khí hậu. Với việc công bố dự thảo Chiến lược quốc gia về nước, Bộ Môi trường liên bang mong muốn quản lý và bảo vệ một cách hiệu quả hơn nguồn nước ngọt tự nhiên, phòng ngừa tình trạng khan hiếm nước, ngăn chặn các xung đột có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng và cải thiện chất lượng nguồn nước.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về nước của Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức đã phân tích, đánh giá những thách thức của việc quản lý nguồn nước ở Đức đến năm 2050. Chiến lược này được chia thành 10 chủ đề chính, vạch ra các mục tiêu và biện pháp thực hiện. Vấn đề cốt lõi của dự thảo là đảm bảo nguồn cung cấp nước bền vững, hiệu quả, an toàn, giá cả phải chăng cho mọi người dân trong tương lai. Bên cạnh đó, dự thảo cũng tập trung vào việc bảo tồn, phát triển bền vững, đa dạng hệ động thực vật, đồng thời nhấn mạnh việc cung cấp nguồn nước an toàn, chất lượng cao đóng vai trò như một lĩnh vực kinh tế.
Để việc quản lý và sử dụng nguồn nước đạt hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, dự thảo Chiến lược quốc gia đề xuất nhiều biện pháp thực hiện, sẽ được triển khai từng bước đến năm 2030, ví dụ như mở rộng cơ sở dữ liệu nguồn nước, tăng cường khả năng dự báo; thiết lập nguồn cung cấp nước liên vùng; điều chỉnh thuế nước thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; xây dựng biểu giá nước thông minh…
Hiệp hội Quản lý nước và năng lượng liên bang (BDEW) đã hoan nghênh kế hoạch trên và nhấn mạnh cần phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp này. Giám đốc điều hành của BDEW, ông Martin Weyand cho rằng để nguồn cung cấp nước được đảm bảo ổn định lâu dài trong tương lai, cần phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống đường ống, hệ thống cấp nước và khu vực lưu trữ mới. Theo ông, không thể nhanh chóng xây dựng một hệ thống đường ống dẫn nước có quy mô lớn mà việc này có thể mất một thời gian rất dài. Do vậy, cần sớm xây dựng luật để thúc đẩy tăng tốc đầu tư cho ngành nước./.
Theo TTXVN