Ảnh minh họa
12 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã công bố ý định cùng hợp tác phát triển một dự án quan trọng vì lợi ích chung của châu Âu trong lĩnh vực điện toán đám mây (IPCEI).
Đám mây là một thuật ngữ mô tả hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu ở bên ngoài, vì vậy khách hàng không cần phải đầu tư nhiều vào các thiết bị tốn kém đắt tiền để làm việc này. Các quốc gia tham gia dự án Điện toán đám mây chung gồm Đức, Bỉ, Pháp, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hungary, Latvia, Luxembourg, Slovenia và Cộng hòa Séc. Theo đó, dự án này sẽ tập hợp các công ty, phòng thí nghiệm và học giả châu Âu nhằm tạo ra các giá trị và việc làm trên toàn khu vực, đồng thời hỗ trợ sự lớn mạnh của các hãng công nghệ về điện toán đám mây lớn của Pháp và châu Âu.
IPCEI dự kiến sẽ huy động một phần kinh phí từ khu vực tư nhân để đầu tư vào dịch vụ “đám mây” thế hệ mới. Khoảng 60 dự án trong các lĩnh vực y tế, năng lượng, ô tô với gần 180 công ty trực thuộc sẽ được tài trợ và sử dụng làm trụ cột chính trong chiến lược của EU về chuyển đổi bền vững, kinh tế, việc làm, môi trường và đầu tư. Trong thời gian tới 12 nước trên sẽ phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) để làm việc về dự án này trong vòng một năm.
Các chuyên gia nhận định rằng, EU đang mất dần sự ảnh hưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số khi mà khu vực này đang có vai trò trung tâm trong kinh tế của cả châu lục. Đa phần dữ liệu của châu Âu đang được lưu trữ ở nước ngoài hoặc nếu được lưu trữ tại châu Âu thì cũng được cất giữ trong các máy chủ không thuộc về các công ty châu Âu. Có ý kiến còn bi quan cho rằng châu Âu đang gặp vấn đề an ninh và chủ quyền to lớn với các đám mây dữ liệu bởi trong nhiều trường hợp, việc các công ty lựa chọn đối tác điện toán đám mây chỉ đơn giản là do các thủ tục đăng ký với những tập đoàn công nghệ Mỹ đơn giản hơn so với việc lựa chọn một công ty của châu Âu.
Thực tế cho thấy, châu Âu đang sở hữu một khối tài sản dữ liệu dồi dào có giá trị lớn. Tuy nhiên, thay vì tự mình khai thác, EU đang để cho các tập đoàn hàng đầu của Mỹ hưởng quyền kiểm soát tất cả việc khai thác nguồn tài sản này, khi một loạt các công ty châu Âu thông báo những thỏa thuận hợp tác với các đối tác công nghệ Mỹ về dịch vụ điện toán đám mây. Các doanh nghiệp của châu Âu như Renault, Orange, Deutsche Bank và Lufthansa hợp tác với Google Cloud; Volkswagen trở thành thành viên của Amazon Web Services…
Xu hướng này làm dấy lên quan ngại về những vấn đề liên quan đến bảo mật, đặc biệt tại Đức - quốc gia có nguồn dữ liệu khổng lồ nhờ có nền sản xuất công nghiệp hùng mạnh. Sở dĩ các quốc gia châu Âu lo ngại là vì theo Đạo luật điện toán đám mây do chính quyền Mỹ công bố hồi năm 2018, giới chức tình báo nước này được phép tiếp cận dữ liệu đang được các công ty Mỹ lưu trữ dù cho máy chủ đang đặt tại bất cứ nước nào.
Ngoài tính toàn vẹn của dữ liệu, khả năng phân tích và khai thác thông tin cũng khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách châu Âu lo lắng. Châu Âu có nhiều công ty có năng lực tốt trong việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây và lưu trữ dữ liệu. Việc châu Âu có khả năng tổng hợp dữ liệu nhưng lại cần nước khác xử lý được ví giống với việc các quốc gia có tài nguyên khoáng sản, nhưng lại phải dựa vào các nước khác để khai thác và chỉ nhận được những lợi ích kinh tế ít ỏi.
Trước tình hình đó, Pháp và Đức hồi tháng 8/2020 đã công bố dự án GAIA-X với mục đích phát triển dịch vụ đám mây cạnh tranh ở châu Âu. Dự án này nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn để các công ty khác nhau có thể cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý, bảo mật và trí tuệ nhân đạo một cách liền mạch. GAIA-X vận hành như một thị trường, nơi mỗi khách hàng có thể tìm kiếm dịch vụ họ cần mà không cần có sự phê chuẩn của châu Âu. EU hy vọng mô hình phi tập trung GAIA-X có thể chứng minh sự phù hợp trước các vấn đề đang đặt ra thông qua việc xử lý dữ liệu từ các thiết bị được kết nối./.
Theo TTXVN