Bà Einat Halevy Levin, Chủ tịch Phòng Thương mại Israel - Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Bà Einat Halevy Levine, Chủ tịch Phòng Thương mại Israel -Việt Nam (IVC), nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tel Aviv về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Einat cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới nhất vào tháng 2/2023 để kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp Israel, bà đã tới một số tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và nhận thấy các cán bộ chính quyền đều có một cách tiếp cận rất cởi mở. Họ muốn hợp tác đầu tư phải hiệu quả, phải tuân thủ luật pháp, phải được thực hiện theo hình thức tốt nhất. Bà nhận định: “Tôi rất ấn tượng khi thấy họ rất muốn tìm kiếm điều tốt đẹp cho người dân địa phương. Mục đích chính là làm sao để tỉnh đó, thành phố đó trở nên tốt hơn. Và tôi cho rằng đây chính là điểm cơ bản của cuộc chiến chống tham nhũng, khi mọi người đều nhận ra rằng mục đích chính của công việc là làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Đây là biểu hiện cho thấy cuộc chống tham nhũng đang thành công, vì nếu họ chọn những điều tốt nhất cho người dân thì tham nhũng không thể xảy ra”.
Theo Chủ tịch IVC, đã có sự chuyển biến rõ nét trong kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Việt Nam những năm qua, thể hiện ở cách tiếp cận kinh doanh của các lãnh đạo địa phương. Họ cởi mở hơn khi tiếp nhận các cơ hội kinh doanh, quan tâm hơn tới tìm kiếm công nghệ tốt, cơ hội phát triển kinh tế tốt mà không quan tâm lợi ích kinh tế cá nhân hoặc thăng tiến trong chính trị. Bà nhấn mạnh: “Họ chỉ quan tâm tới làm cách nào để thành phố đó, tỉnh đó, chính quyền đó, hoặc các dịch vụ công cho người dân được tốt hơn. Tôi nghĩ điều này thật tuyệt. Có thể thấy Việt Nam đang đi theo hướng đó và ngày càng ít tham nhũng hơn”.
Tuy nhiên, bà Einat nhấn mạnh chống tham nhũng đối với một quốc gia là một quá trình, đôi khi sẽ gặp những khó khăn. Trong quá trình này điều cốt lõi là cần quan tâm tới giáo dục và văn hóa kinh doanh. Nhật Bản và Singapore được biết đến là các quốc gia có chỉ số tham nhũng thấp. Nhưng so với Singapore, Việt Nam là quốc gia lớn hơn nhiều, với dân số gần 100 triệu người, vì vậy công tác quản lý phức tạp hơn. Còn Nhật Bản tái thiết đất nước sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, trong khi Việt Nam mới kết thúc chiến tranh vào năm 1975. So với Việt Nam, hai quốc gia kia có nhiều lợi thế hơn để có thể thay đổi./.
Theo TTXVN