Bộ Ngoại giao Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên gây ảnh hưởng đến chất lượng của chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là ở châu Phi.
Sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại các đại sứ quán Mỹ ở một số quốc gia châu Phi đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Washington trong vài năm qua, tờ Foreign Policy đưa tin, nhấn mạnh một điểm yếu của Mỹ mà Nga và Trung Quốc có thể khai thác ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược và lợi ích đối với các cường quốc.
Các thông tin nội bộ cho thấy đại sứ quán Mỹ ở Sudan thường xuyên không đủ nhân viên. Khoảng một nửa nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Niger đã bị "bỏ trống" trong những tháng gần đây. Trong khi đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Burkina Faso chưa được đảm bảo đến 30% và 20% bị bỏ trống ở Mali.
Hiện các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đảm bảo rằng họ đang tích cực làm việc để lấp đầy những khoảng trống trong các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi và tìm cách đưa ra các ưu đãi tài chính hấp dẫn hơn cho những người đi công tác tại châu lục này, đặc biệt là đối với các quốc gia có an ninh đầy biến động.
Nhưng “tình trạng thiếu hụt trầm trọng và dai dẳng” về nhân sự ở châu Phi đã khiến Quốc hội Mỹ chú ý. Quốc hội Mỹ đặc biệt chỉ trích trước việc cơ quan hành pháp đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực an ninh của một số nước châu Phi trong những năm qua, nhưng giờ thậm chí không tìm được người đại diện ngoại giao.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez nói: “Điều này tạo ra những trở ngại cho khả năng duy trì sự cân bằng giữa các chương trình an ninh và các chương trình giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan và bất ổn chung”.
Các quan chức ngoại giao đương nhiệm và đã nghỉ hưu Mỹ cho biết, một yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân sự là cơ cấu khuyến khích hiện tại không cho phép trẻ hóa các phái đoàn ngoại giao. Ở một số vị trí, gia đình và vợ/chồng của các nhà ngoại giao không được phép tháp tùng vì lý do an ninh. Ở một số địa điểm, các thành viên trong gia đình có thể gặp khó khăn khi tìm việc làm hoặc không thể tìm được trường học bình thường cho con em của họ.
Theo các chuyên gia, điều này ảnh hưởng một phần đến quyết định của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, không muốn nhận nhiệm vụ ở những nơi có vấn đề như đã nêu ở trên, chẳng hạn như họ sẵn sàng đăng ký nguyện vọng với vị trí thấp tại đại sứ quán Mỹ ở Nam Phi, thay vì ứng tuyển vào vị trí cao hơn ở Mali hoặc Sudan.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Phi Molly Fee thừa nhận rằng các vấn đề về nhân sự ảnh hưởng đến chất lượng của chính sách đối ngoại. Bà Molly Fee nói: “Chúng tôi sẽ có ảnh hưởng hơn và hiệu quả hơn nếu chúng tôi có nhiều nguồn nhân lực hơn".
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải đối mặt với các vấn đề tương tự ở Iraq và Afghanistan. Sau đó, Bộ này đã phải đưa ra mức lương cao hơn cho các nhà ngoại giao, cho phép thời hạn phục vụ ngắn hơn và họ có thể được thăng chức nhanh chóng. Hiện các đại sứ quán Mỹ ở một số nước châu Phi chưa có quy định khuyến khích như vậy.
TheoTTXVN