Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Di chứng COVID-19 kéo dài khiến 2 đến 4 triệu người Mỹ phải nghỉ việc

Ngày phát hành: 28/08/2022 Lượt xem 667

Theo báo cáo của Viện Brookings, khoảng 16 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động mắc chứng COVID kéo dài và 2 đến 4 triệu người trong số đó phải nghỉ việc. 

 

Chú thích ảnh
Tấm biển tuyển dụng nhân viên được trưng bên ngoài một cơ sở kinh doanh ở Northampton, Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Shutterstock

Các nhà sử dụng lao động ở Mỹ đã phàn nàn về tình trạng thiếu lao động suốt thời đại dịch COVID-19. Kết quả phân tích dữ liệu từ Khảo sát Hộ gia đình của Cục Điều tra Dân số Mỹ có thể là lời lý giải cho tình trạng thiếu lao động trên.

Báo cáo cho thấy khoảng 16 triệu người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 65 phải chịu đựng những di chứng sức khỏe kéo dài sau khi mắc COVID-19. Trong số những người này, họ ước tính có từ 2 đến 4 triệu người đã không còn tham gia vào lực lượng lao động vì di chứng hậu COVID-19. 

Viện Brookings ước tính rằng hiện thị trường lao động còn trống 10,6 triệu vị trí. Số tiền lương bị thâm hụt từ 170 - 230 tỷ USD một năm. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa COVID-19 kéo dài là tình trạng các triệu chứng liên quan đến COVID-19 kéo dài ba tháng trở lên sau lần đầu tiên nhiễm virus. Hội chứng này hóa ra phức tạp hơn ta tưởng tượng. Thật khó để theo dõi và nghiên cứu vì các triệu chứng có thể khác nhau giữa mỗi cá nhân. Các triệu chứng rất đa dạng, từ các rối loạn đường tiêu hóa đến đau dây thần kinh và mệt mỏi.

CDC Mỹ ước tính rằng gần 1/5 người Mỹ trưởng thành mắc COVID-19 vẫn có các triệu chứng của COVID kéo dài. Nhìn chung, cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người - tương đương với 7,5% dân số - mắc hội chứng kể trên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế St. Mary tại Tarzana, California, Mỹ.
Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều quốc gia khác cũng đã báo cáo về tình trạng sức khỏe suy giảm hậu COVID-19 đã ảnh hưởng đến thị trường lao động. 

Trong bài phát biểu hồi tháng 5, một đại diện của Ngân hàng Anh cho rằng lực lượng lao động ở nước này đã giảm 440.000 người, phần lớn là do ốm yếu kéo dài. 

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cảnh báo hội chứng COVID kéo dài đang trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội, thậm chí có khả năng phá vỡ thị trường lao động. Nghiên cứu cho thấy khoảng 14-30% bệnh nhân mắc COVID-19 có ít nhất một triệu chứng COVID kéo dài trong vòng 90 ngày kể từ khi phục hồi, với những triệu chứng điển hình nhất là khó thở, mệt mỏi và đau ngực.

Một số ước tính cho biết lực lượng lao động của Mỹ đã giảm từ 3 triệu đến 3,5 triệu người trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.

Báo cáo của Viện Brookings lưu ý rằng việc giải quyết tác động kéo dài của bệnh COVID-19 đối với lực lượng lao động sẽ đòi hỏi những chính sách đổi mới, ví dụ như kéo dài thời gian nghỉ ốm có lương và tạo môi trường tốt hơn cho người lao động. Hơn 25% nhân viên trong lĩnh vực tư nhân không được hưởng bất kỳ chế độ nghỉ ốm có lương nào. Trong số 25% những người có thu nhập thấp nhất, hơn một nửa không được nghỉ ốm hưởng lương. Một số nhân viên báo cáo về việc bị sa thải vì xin nghỉ ốm.

Phân tích của CDC Mỹ cho thấy nguy cơ bị COVID kéo dài ở những người trẻ tuổi cao hơn so với ở những người cao tuổi. Phụ nữ cũng có nguy cơ bị mắc chứng bệnh này cao hơn so với nam giới với 9,4% phụ nữ trưởng thành ở Mỹ có các triệu chứng của COVID kéo dài so với 5,5% ở nam giới.

Các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó nhận thức, đau thần kinh mãn tính, xuất hiện những dấu hiệu bất thường về giác quan và yếu cơ. Những triệu chứng này có thể khiến cho cơ thể người bị suy nhược và kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi phục hồi từ lần mắc bệnh đầu tiên.

 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Guardian)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết