Thứ Bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại tỉnh Sóc Trăng

Ngày phát hành: 09/12/2023 Lượt xem 311

 

Sáng ngày 8/12, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng đã có buổi tọa đàm với Tỉnh ủy Sóc trăng về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người Sóc Trăng trong những năm đổi mới. Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có các đồng chí Lâm Tấn Hòa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và một số nhà khoa học tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

 

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa cùng sống xen cư, hình thành nên nét đẹp đặc trưng của văn hóa. Sóc Trăng còn là nơi hội tụ của nền văn hóa đa dân tộc, với những loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật sân khấu rô băm của người Khmer; hát quảng và hát tiều của người Hoa, đờn ca tài tử của người Kinh. Sóc Trăng còn là xứ sở của những ngôi chùa cổ kính, có kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer, là nơi có nhiều lễ hội phong phú và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ lâu đã thu hút đông đảo nhân dân trong nước và du khách quốc tế đến tham gia.

 

Trong những năm đổi mới, Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức phục dựng và xây dựng 11 đề tài, dự án cấp tỉnh; từ năm 1993 - 2023 đã nghiệm thu, lập nhiều hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xây dựng nhiều hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Đến nay, toàn tỉnh có 8 di sản; trong đó, có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng sở hữu với 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ) và 51 di tích đã được xếp hạng (8 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh)…

 

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác và các đại biểu tham dự đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề như: kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội và con người của tỉnh; vấn đề phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo vào sự phát triển của tỉnh cũng như trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; việc kết nối, xúc tiến, quảng bá về du lịch, hình ảnh con người, vùng đất Sóc Trăng; chuyển đổi số; cải cách hành chính; đầu tư phát triển du lịch, văn hóa và những công trình, dự án đầu tư trọng điểm; tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo của địa phương đối với phát triển du lịch, doanh nghiệp; chính sách tôn vinh đối với các nghệ nhân liên quan đến văn hóa; đặc điểm nổi trội của văn hóa Sóc Trăng (hội tụ của 3 dân tộc); để văn hóa địa phương phát triển hơn nữa, Sóc Trăng cần tháo gỡ cụ thể là gì…

 

PGS.TS Phạm Văn Linh đánh giá cao những kết quả, sự nỗ lực của Sóc Trăng trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người trong những năm đổi mới. Sóc Trăng có một vị trí, tiềm năng, lợi thế và nền văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo cùng với sự quan tâm, cơ chế chính sách phù hợp đưa Sóc Trăng ngày càng phát triển. Mong muốn địa phương tiếp tục phát huy những kết quả, gìn giữ những nét độc đáo riêng biệt và có giải pháp khắc phục khó khăn. Cần quan tâm hơn nữa vấn đề phúc lợi xã hội; thực hiện chuyển đổi số và quan tâm phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức văn hóa trong lịch sử, ứng xử. Đồng thời, cần quan tâm việc liên kết phát triển văn hóa, kinh tế Sóc Trăng với khu vực, các tỉnh trong nước; tập trung nguồn lực, quy hoạch cho định hướng phát triển và cần có thể chế, cơ chế thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, phải biết nuôi dưỡng, phát triển những sản phẩm văn hóa lớn, quảng bá rộng rãi và không ngừng tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đặc trưng riêng về Sóc Trăng. Muốn có sự phát triển cần có sự đầu tư, nghiên cứu; đẩy mạnh tuyên truyền…

 

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn công tác và sẽ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, phát triển văn hóa và con người trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

 

Sao Mai (Báo Sóc Trăng)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết