Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

IMF cảnh báo tác động với nước nghèo khi các nước giàu tăng lãi suất

Ngày phát hành: 28/07/2022 Lượt xem 919

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng thứ hai liên tiếp để tìm cách chống lạm phát. Nhưng trong khi FED đang cố gắng điều chỉnh con tàu kinh tế Mỹ thì các hành động của FED có thể gây ra những gợn sóng tác động trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Đồng đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang Foreign Policy, liệu những con sóng đó có trở thành sóng thần hay không phụ thuộc vào thời điểm FED tăng lãi suất. Nếu đó là thời kỳ tăng trưởng kinh tế, thì các tác động ra nước ngoài có xu hướng tích cực. Khi ở trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn, triển vọng sẽ kém tươi sáng hơn.

Việc này cũng phụ thuộc vào sức mạnh của một nền kinh tế. Các nền kinh tế tiên tiến, thường có thể huy động tiền cho dù kinh tế gặp khó khăn, và do đó phần lớn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với các nước nghèo hơn, tác động có thể rất nghiêm trọng.

Đó là vì Mỹ tăng lãi suất có thể gây một số tác động trên phạm vi quốc tế. Tăng lãi suất không chỉ làm tăng chi phí vay đồng USD mà còn khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền trở lại Mỹ, rút bớt vốn đầu tư tại các nước nghèo hơn. Do đó, điều này có xu hướng nâng cao giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ khác, khiến các quốc gia nghèo hơn khó khăn khi trả nợ bằng đồng USD.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật được công bố ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tác động của tăng lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến có thể gây ra đối với những quốc gia nghèo. IMF đặc biệt chỉ ra mối nguy đối với các quốc gia có thu nhập thấp mà 60% trong số đó có nguy cơ mắc nợ cao.

IMF cảnh báo: “Chi phí đi vay cao hơn, dòng vốn tín dụng giảm, đồng USD mạnh hơn và tăng trưởng yếu hơn sẽ càng khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng hơn”.

Hiện tượng này đã diễn ra trên khắp các thị trường mới nổi. Các vấn đề kinh tế của Sri Lanka có một số nguyên nhân, nhưng một trong số đó là chi phí trả nợ cao và tăng liên tục trong năm qua.

Ghana cũng bị ảnh hưởng vì động thái tăng lãi suất. Đây là một phần lý do khiến nước này phải tìm kiếm gói cứu trợ của IMF trong tháng này.

Bangladesh cũng đang có xu hướng tương tự khi đồng tiền mất giá và tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu khiến nước này phải tiêu hết dự trữ ngoại hối. Ngày 26/7, truyền thông địa phương cho biết Chính phủ Bangladesh đang tìm kiếm 4,5 tỷ USD từ IMF, giữa lúc tình hình kinh tế đang ngày một khó khăn.

Bà Liliana Rojas-Suarez, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận định rằng các quốc gia khác có thể sẽ sớm chịu chung hoàn cảnh. Argentina, El Salvador, Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ đều có dấu hiệu cảnh báo.

Bà Rojas-Suarez cho biết các vấn đề đang ảnh hưởng tới một số quốc gia thuộc thị trường mới nổi không chỉ do tỷ giá tăng mà còn do nhiều diễn biến. Đầu tiên là đại dịch khiến các quốc gia này tiếp tục nợ nần khi vay với lãi suất thấp để tồn tại trong thời điểm tồi tệ nhất. Tiếp đó là vòng xoáy lạm phát khi thị trường mở cửa trở lại. Kế đến là cú sốc cuối cùng: xung đột ở Ukraine đẩy các mặt hàng quan trọng như thực phẩm và nhiên liệu tăng giá.

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/7. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Rojas-Suarez cho rằng FED đã không xử lý các dấu hiệu cảnh báo lạm phát sớm hơn: “Có nghĩa là bây giờ để kiềm chế lạm phát, FED phải tăng lãi suất cao hơn nhiều so với trước đó. Đó là vấn đề lớn đối với các thị trường mới nổi. Bởi vì bây giờ, chi phí tài chính cứ tiếp tục tăng”.

Vấn đề không trở nên tồi tệ hơn phần lớn là do chính sách khôn ngoan của các nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, khi các nước ở đây bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn Mỹ.

Các thị trường mới nổi sẽ không chịu tác động giống nhau. Bà Rojas-Suarez chia các thị trường mới nổi thành hai nhóm: Đối với những quốc gia có thể tự cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và có gánh nặng nợ tương đối thấp, các cú sốc có thể được giải quyết; nhưng với các quốc gia phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu, thực phẩm thì họ sẽ đối mặt khoảng thời gian khó khăn ở phía trước, đặc biệt là khi những quốc gia đó có tỷ lệ nợ cao.

Cũng trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Theo dự báo của IMF, Mỹ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% năm 2022 và 1% năm 2023. Kể từ tháng 4, IMF đã 2 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do nhu cầu giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4, do dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới nhiều thành phố lớn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này áp đặt phong tỏa, khiến hoạt động sản xuất và làm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới trở nên trầm trọng hơn.

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng từ 2,8% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,6%, do lạm phát tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, nền kinh tế Nga dự báo sẽ giảm khoảng 6% năm 2022 do các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây đối với nước này và giảm thêm 3,5% vào năm 2023.

Theo dự báo của IMF, tỉ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. IMF nhận định tỉ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với dự báo 8,7% đưa ra hồi tháng 4.

Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier nêu rõ: "Triển vọng trở nên u ám kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau lần suy thoái mới đây nhất".

 

Thùy Dương/Báo Tin tức

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết