Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Khảo sát kết quả 40 năm phát triển văn hóa-xã hội và con người tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày phát hành: 16/10/2023 Lượt xem 441

Ngày 16/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 - Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương (lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người) làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả 40 năm phát triển văn hóa-xã hội và con người. 

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, vấn đề văn hóa - xã hội rất rộng lớn, đa dạng, phong phú, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, thấu đáo hơn nữa. Các cuộc khảo sát tiếp theo của đoàn giúp tìm ra những giá trị, làm rõ hơn những yêu cầu trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người Thành phố Hồ Chí Minh để góp phần vào công tác tổng kết thực tiễn của Trung ương sau 40 năm phát triển tại Thành phố. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội, con người với mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; luôn bám sát định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Trong những thành tựu của 40 năm qua, nổi bật là lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, an ninh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích vẫn còn nhiều vấn đề Thành phố chưa làm được, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế; những giải pháp về huy động, phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, con người chưa tương xứng và thiếu đồng bộ. 

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, văn hóa và con người Thành phố được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vừa hội nhập quốc tế, vừa giữ được cốt cách, bản sắc vốn có từ thời cha ông đi mở cõi tại vùng đất Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là nơi hội tụ văn hóa của 54 dân tộc anh em, nơi giao hòa văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, là trung tâm kinh tế văn hóa đặc trưng với truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa khí hào sảng, năng động, sáng tạo được hình thành hàng trăm năm qua.

 “Chúng ta phải tiếp nối, giữ gìn và phát huy, tiếp tục khai thác mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những vấn đề từ tổng kết vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy trong quản lý văn hóa, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế mạnh. Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, xem đây là nhiệm vụ cốt lõi để hình thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng, nhân ái, để mọi người sống trên mảnh đất này tự hào là công dân của Thành phố”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cảm ơn sự tham gia và phối hợp trách nhiệm chu đáo, hiệu quả,  tâm huyết của Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, các ban, sở, ngành của Thành phố, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, quá trình khảo sát đã làm rõ hơn về sự phát triển nhận thức của Đảng bộ Thành phố về phát triển văn hóa xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời kì đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây. Đồng thời đã đánh giá thực trạng về thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người trên địa bàn Thành phố từ năm 1986 đến nay; dự báo bối cảnh, phương hướng, mục tiêu, quan điểm phát triển văn hóa - xã hội, con người đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đưa ra kiến nghị và đề xuất định hướng, giải pháp đột phá nhằm phát triển văn hóa xã hội của con người Thành phố cũng như của đất nước. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đoàn khảo sát và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng nhau tiếp tục nghiên cứu sâu, không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa - xã hội, con người trong sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất hiến kế những giải pháp mang tính đột phá, làm sáng tỏ và có tính sáng tạo cao để phát triển văn hóa xã hội, xây dựng con người Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động tổng kết không chỉ là những con số mà phải được nâng thành lý luận về tư tưởng, tư duy hành động phát triển văn hóa - xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có sự phát triển toàn diện, đầy đủ hơn cả nước, là nơi đi trước về sau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng lại là nơi luôn đi trước, đi đầu trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn của Thành phố, các vấn đề về văn hóa, nghệ thuật, phát triển con người cũng sẽ là bài học cho việc xây dựng và thực hiện chính sách.

Phó Thủ tướng cho rằng, là một địa phương có điểm xuất phát sớm về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung nghiên cứu, tổng kết kỹ hơn về lĩnh vực xã hội với các khía cạnh đa dạng của nó, từ đó chủ động nghiên cứu, tham mưu những chính sách đột phá cho sự phát triển của Thành phố và cả nước. Thành phố cũng nên nghiên cứu khái quát chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc tế có thể áp dụng tại Thành phố, đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo vấn đề phúc lợi, an sinh xã hội.

Báo cáo của Thành ủy Thành phố cho biết, trong suốt 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, việc xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa của các thế giới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; phát triển nhưng luôn giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị văn hóa gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam. Chính những nhân tố đó đã tạo nên văn hóa, con người Thành phố “Đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách”, góp phần tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước./.

 

 

Theo báoTTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết