Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Khủng hoảng nợ gia đình bủa vây hơn một nửa dân số Thái Lan

Ngày phát hành: 02/08/2022 Lượt xem 798

Nợ gia đình của Thái Lan đã đạt mức 90% so với GDP vào cuối năm 2021, thuộc hàng cao nhất châu Á.

Chú thích ảnh
Tại Thái Lan, có một công việc ổn định vẫn đẩy gia đình bạn vào khoản nợ lớn. Ảnh minh họa

Bà Jiraporn Maysoongnoen (58 tuổi) không thể nhớ thời điểm nào mình không có nợ. Bắt đầu công việc giáo viên từ năm 18 tuổi với lương tháng 2.200 baht (khoảng 83 USD), Jiraporn vay một khoản nợ để mua chiếc xe máy giúp bà có thể đi tới chỗ làm.

Để tăng thu nhập, cách đây 20 năm, bà bắt đầu công việc kinh doanh tour du lịch. Bà tiếp tục vay tiền để mua xe buýt chở khách. Khoản nợ tăng dần lên sau khi bà mua một ngôi nhà mới cho gia đình và vẫn phải trang trải phí sinh hoạt cũng như trả các khoản nợ tín dụng.

Ngay cả khi giờ bà đã kiếm được gấp 30 lần so với thời kỳ đầu đi làm song Jiraporn cho biết bà không bao giờ hết nợ. Hiện khoản nợ của bà đang dừng ở con số 8 triệu baht.

“Tôi không biết liệu tôi có trả hết nợ khi đến 80 tuổi hay không. Nhưng sao tôi có thể sống được nếu không có sự hỗ trợ từ các khoản vay”, nữ chủ doanh nghiệp chia sẻ. Mặc dù Jiraporn có thu nhập ổn định song bà vẫn là một phần trong khủng hoảng nợ gia đình đang ảnh hưởng tới hơn một nửa trong số 66 triệu người dân Thái Lan.

Theo Kajorn Thanapase – một quan chức Ngân hàng Thái Lan, nhiều người Thái Lan mắc nợ khi họ còn trẻ hoặc bắt đầu sự nghiệp.

Chia sẻ tại một hội nghị do trung tâm nghiên cứu Think Forward tổ chức, Kajorn cho biết dữ liệu thể hiện một nửa dân số hơn 30 tuổi đang mang trong mình khoản nợ tài chính và 1/5 trong số đó không có khả năng chi trả.

Năm 2017, ngân hàng trung ương Thái Lan đã mở một "phòng khám nợ", tập trung vào việc tăng cường hiểu biết về tài chính, cho vay có trách nhiệm, bao gồm nguyên tắc cho vay theo giá trị và điều chỉnh phí trả trước, dàn xếp nợ cho khách hàng.

Chính phủ Thái Lan đã chỉ định năm 2022 là năm chống nợ gia đình, với mục đích giúp nông dân, giáo viên, công nhân viên chức, cảnh sát và những người có khoản vay sinh viên tái cơ cấu nợ và xử lý nợ.

Nhiều giáo viên, bao gồm bà Jiraporn, đã vay từ Quỹ tiết kiệm hợp tác dành cho giáo viên được chính phủ hậu thuẫn. Số tiền lương hàng tháng của họ tự động bị trích một phần để trả nợ và chính vì vậy họ gặp khó khăn trong việc trang trải sinh hoạt. Họ tiếp tục vay nợ, từ thẻ tín dụng hoặc vay nặng lãi, tạo thành một vòng luẩn quẩn không bao giờ hết nợ.

Nợ gia đình của Thái Lan đã đạt mức 90% so với GDP vào cuối năm 2021 và được dự đoán tiếp tục tăng, tê liệt tiêu dùng và kìm hãm sự phục hồi kinh tế hơn.

Tỷ số này thuộc hàng cao nhất châu Á. Nợ gia đình của Hàn Quốc ở mức 104% so với GDP trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng không giống Thái Lan, quốc gia này là một nền kinh tế phát triển.

Nợ gia đình của Thái Lan đã đạt mức 14.500 tỷ baht vào năm 2021, với các khoản vay chủ yếu là để tiêu dùng, tập trung vào thế chấp nhà, cho vay kinh doanh và cho thuê ô tô hoặc xe máy. Đó là lý do tại sao không giống như các khoản nợ ở các nền kinh tế lớn

Decharut Sukkumnoed, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Forward cho biết phải mất hàng chục năm mức nợ gia đình ở Thái Lan mới giảm và còn phải phụ thuộc vào tình trạng nền kinh tế Thái Lan trong những năm sắp tới.

Pavida Pananond, giáo sư chuyên về kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh doanh Thammasat, chỉ ra một vài thách thức trong việc giải quyết khủng hoảng nợ gia đình ở Thái Lan.

“Nợ gia đình không nhất thiết là một điều xấu nếu người mắc nợ có thể trả nợ. Tuy nhiên, mức nợ gia đình trên GDP tăng lên trong giai đoạn này là đáng lo ngại vì lạm phát và lãi suất gia tăng sẽ làm giảm khả năng trả nợ của các gia đình, gây rủi ro cho sức khỏe tài chính nói chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Lan được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm ít nhất là cho đến năm 2025, khiến việc thanh toán các khoản nợ trở nên khó khăn hơn. Dân số già cũng đồng nghĩa với việc người mắc nợ sẽ gặp khó khăn khi trả nợ do thu nhập giảm”, chuyên gia Pavida lý giải.

James Guild, trợ giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, cho biết nợ gia đình của Thái Lan ở mức cao có trước khi COVID-19 bùng phát. “Khi lương thấp, một phần tiêu dùng của gia đình lấy từ khoản vay. Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong vài năm qua, vì vậy việc vay tín dụng trở nên dễ dàng. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch, do thu nhập của họ giảm. Nợ gia đình Thái Lan đã ở mức 80% GDP vào năm 2015, vì vậy đây là một vấn đề có trước khi COVID-19 xuất hiện. Tôi cho rằng gốc rễ của vấn đề là do một phần thu nhập không đủ”, ông James kết luận.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết