Lý do Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc năng lượng xanh” ở châu Á
Trang tin công nghệ Techwire Asia (trụ sở tại Malaysia) ngày 19/8 cho rằng Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch, với công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, cam kết của chính phủ về thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về chất lượng không khí.
Việt Nam nhận thấy việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cấp bách hơn bao giờ hết. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện mặt trời.
Trên thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện tự hào có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất ở Đông Nam Á, tạo ra 16.500MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cho thấy tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.
Xét đến tiềm năng điện mặt trời của đất nước và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.
Các chuyên gia thị trường dự đoán nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục leo cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.
Yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng xanh?
Theo IEA, Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.
Chính phủ cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn thuê đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.
Báo cáo của IEA khẳng định, nhu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường là động lực quan trọng thứ hai. Ngoài ra, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở khu vực đô thị đã gây ra sự phản đối của công chúng đối với việc phát triển các nhà máy điện than mới. Các vấn đề liên quan đến nước và nguồn tài nguyên khác cũng trở thành mối quan ngại.
Theo Bộ Công thương năm 2019, một số chính quyền địa phương thậm chí từ chối phê duyệt các dự án điện than mới do tác động đến môi trường. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ thu hút cho các nhà đầu tư và tài chính năng lượng tái tạo do có nhiều cơ hội về năng lượng xanh.
Dù dự thảo Quy hoạch điện 8 khá tham vọng, song theo McKinsey, dự thảo này còn có thể đặt mục tiêu cao hơn nữa. Công ty tư vấn toàn cầu này kết luận rằng một lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho đất nước, như tiết kiệm 10% chi phí điện năng tổng thể, cắt giảm phát thải khí nhà kính 1,1 GTs…
Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore nhận định, bài học chính từ kinh nghiệm của Việt Nam là tầm quan trọng của tín hiệu giá đối với điện mặt trời, cũng như mức độ ưu tiên và hỗ trợ của chính phủ.
Tóm lại, việc lập kế hoạch hiệu quả hơn và tập trung nhiều hơn vào tính linh hoạt của hệ thống và lưu trữ điện năng, cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân trong truyền tải điện, sẽ tạo điều kiện tích hợp hiệu quả hơn năng lượng mặt trời vào hệ thống điện./.
Thọ Anh (TTXVN)