Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nghị quyết số 55-NQ/TW: Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng

Ngày phát hành: 04/03/2020 Lượt xem 4265

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là chìa khóa mở ra sự thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng.

 

 

* Ngành năng lượng có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2007) của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành năng lượng, phù hợp với các định hướng đề ra.
Trong giai đoạn 2007-2017, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 4,64%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch cho năm 2010 và đạt khoảng 72% mục tiêu kế hoạch đến năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện tăng 3,36 lần, tổng sản lượng điện tăng 2,88 lần. Trong đó, sản lượng thủy điện tăng mạnh; năng lượng gió, năng lượng mặt trời được chú trọng và đã có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, năm 2019, đạt tổng công suất lắp đặt khoảng 5.000 MW, tương ứng khoảng 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống. Đặc biệt, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được nhân dân và quốc tế đánh giá cao. Đến hết năm 2017, các mục tiêu về tiếp cận điện năng đến năm 2020 đã hoàn thành với 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn trong cả nước có điện, 12 huyện đảo đã có điện lưới và điện tại chỗ.
Trong 10 năm qua, tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đã tăng gần 1,63 lần, tổng tiêu thụ điện tăng 2,86 lần. Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo ngành kinh tế tăng trưởng mạnh ở khu vực công nghiệp và giao thông vận tải. Song song với sử dụng là tiết kiệm năng lượng. Các Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai trong giai đoạn 2006-2015 (VNEEP1 và VNEEP2). Kết quả, 2 chương trình này đã đạt được tỷ lệ tiết kiệm năng lượng lần lượt là 3,39% và 5,65% (Viện Năng lượng, 2016). Tháng 3-2019, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) với các mục tiêu giảm 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2025 và giảm 8-10% vào năm 2030.
Có thể thấy, ngành năng lượng đã trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức...

 

 

* Phát triển hiệu quả và bền vững ngành năng lượng Việt Nam trên cơ sở cạnh tranh và minh bạch
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả và những tồn tại hạn chế phát triển năng lượng quốc gia hiện tại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại...
Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết xác định cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ KWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước...
Để đạt được các mục tiêu, tầm nhìn trên, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng; Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững...
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới. Đồng thời là thời điểm kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn quyết liệt. Bên cạnh đó, phải kể đến sự phát triển của đất nước trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã thực sự vượt qua các nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế; trong đó có các ngành công nghiệp, Việt Nam cũng đang bắt đầu chuyển biến và trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu bởi năng lượng sơ cấp phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và được khai thác ở mức rất cao. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có chiến lược mới về năng lượng, được đặt chung trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn có liên quan đến an ninh quốc gia, địa chính trị…

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Các chuyên gia đánh giá, ưu điểm lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân là quản lý vốn - sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, có ưu điểm vượt trội trọng vấn đề chuyển giao và áp dụng công nghệ mới. Do vậy, việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế này tham gia phát triển năng lượng chính là một bước đi đúng đắn góp phần phát triển bền vững và hiệu quả ngành năng lượng Việt Nam./.

 

Minh Hiếu (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết