Năm 2021, ngành Tư pháp đã để lại những dấu ấn đậm nét trên mọi lĩnh vực công tác từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật… Toàn ngành đã tập trung rà soát, tham mưu Chính phủ sửa đổi những vấn đề pháp lý phát sinh do dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
*Hành lang pháp lý vững chắc về phòng, chống dịch
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, trong năm qua, ngành Tư pháp đã tập trung kịp thời phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch COVID-19 tạo những thách thức lớn chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là những tác động đến hệ thống pháp luật. Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống COVID-19. Cho đến nay, cơ bản đã có hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ, ngành Tư pháp đã hỗ trợ hoàn thành 47 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có nhiều vấn đề mới, khó; phối hợp với một số bộ, ngành tập trung xử lý các vụ việc vướng mắc kéo dài; tham mưu xây dựng, khẩn trương triển khai một số chính sách lớn, nhất là chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
*Tham mưu kịp thời để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2021, các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 3.619 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 13,6% so với năm 2020); ban hành 1.891 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (tăng 90,8% so với năm 2020); có 2.588 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã được ban hành năm 2021 (giảm 15,9% so với năm 2020).
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương tăng nhiều so với năm 2020 phần nào cho thấy tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tác động của dịch COVID-19 làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải kịp thời có những quy định điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, trước những khó khăn, thách thức, năm 2021, Sở Tư pháp Thành phố đã kịp thời tham mưu thẩm định, tư vấn các chính sách, chế độ hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và người dân gặp khó khăn như: chế độ hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch; chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch; chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đánh giá cao việc Sở Tư pháp thành phố đã tham mưu kịp thời về mặt pháp lý để UBND thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch COVID-19.
Theo bà Ngô Kim Yến, để bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân, nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt đã lần đầu được áp dụng như bắt buộc cách ly y tế, xét nghiệm, đeo khẩu trang; hạn chế đi ra ngoài, cấm tụ tập đông người, tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách, tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ…
Các biện pháp này đã được quy định tại Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, chính quyền địa phương vẫn gặp rất nhiều lúng túng do quy định của pháp luật chưa dự liệu hết các tình huống thực tế có thể xảy ra nên khi áp dụng vào từng trường hợp cụ thể đã phát sinh nhiều vướng mắc.
Trước tình hình này, UBND thành phố đã thành lập hai tổ: Tổ Hỗ trợ pháp lý phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Tổ Hỗ trợ pháp lý) và Tổ tư vấn pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19, giao lãnh đạo Sở Tư pháp làm Tổ trưởng hai tổ này.
Trong đó, Tổ Hỗ trợ pháp lý có nhiệm vụ hỗ trợ nhanh cho các đơn vị, địa phương trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch tại thành phố Đà Nẵng. Sự ra đời của Tổ đã kịp thời giúp chính quyền thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các quận, huyện, xã, phường yên tâm hơn trong việc áp dụng pháp luật để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm tuân thủ pháp luật..
Tổ Tư vấn pháp lý được thành lập để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch; tiếp nhận, hướng dẫn kịp thời và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác này tại các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố.
Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng còn nghiên cứu tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: các vấn đề pháp lý khi áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động các loại hình dịch vụ kinh doanh, việc áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người, cơ sở pháp lý áp dụng biện pháp trưng dụng tài sản để phục vụ phòng, chống dịch; phối hợp tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định tạm thời áp dụng các biện pháp thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
*Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Trong năm 2021, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao, tiến độ được bảo đảm. Bên cạnh các khía cạnh pháp lý, nội dung thẩm định đã tập trung đánh giá tác động của các quy định tới đời sống kinh tế - xã hội, nhất là ở những quy định liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi hơn.
Nổi bật nhất trong công tác soạn thảo có thể kể đến là "chùm" hơn 30 nghị định về xử lý vi phạm hành chính và "chùm" 30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành. Đặc biệt, một số văn bản thẩm định phải tập trung khẩn trương hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ để kịp thời ban hành các quy định ứng phó với dịch COVID-19.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra chính xác; nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng chú ý, công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, với tinh thần hỗ trợ, linh hoạt tối đa về công tác khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực cho người dân, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; đăng ký giám hộ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ bị mồ côi, không có người nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân thích bởi dịch COVID-19. Các địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác này.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, các quận, huyện trên địa bàn duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh; thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, kết quả đã giải quyết hơn 35.000 trường hợp.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, số ca nhiễm, ca tử vong tăng lên hàng ngày làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác đăng ký hộ tịch, quốc tịch và nuôi con nuôi như: hàng ngàn trẻ em mất cha, mẹ, người thân thích vì dịch cần được chăm sóc, nuôi dưỡng, giám hộ, quản lý tài sản trong khi chưa xác định được người quản lý, người thừa kế di sản; việc cấp giấy báo tử, đăng ký khai tử, cấp giấy xác nhận nguyên nhân chết (phục vụ cho việc mai táng, hỏa táng hoặc di chuyển thi hài người chết về quê nhà để mai táng) trong khi chưa có quy định pháp luật về vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn, phối hợp cùng Sở Y tế, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn, các cơ sở y tế trên địa bàn về việc cấp giấy báo tử, đăng ký khai tử và Giấy xác nhận nguyên nhân chết khi có yêu cầu; ban hành Công văn hướng dẫn về thực hiện công tác chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích chết vì dịch COVID-19 và công tác quản lý di sản của người chết chưa xác định được người quản lý và người thừa kế...
Có thể khẳng định, với tinh thần chủ động, sáng tạo, năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch COVID-19. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước./.
Phan Phương (TTXVN)