Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Những thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Mỹ

Ngày phát hành: 03/11/2020 Lượt xem 1816



          Ngày 3/11/2020, nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, một sự kiện quan trong không chỉ đối với nước Mỹ mà với cả thế giới. Ngã rẽ quan trọng nào sẽ mở ra tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử đang được chờ đón này. Nhưng dù đương kim Tổng thống Donald Trump hay ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng thì những vấn đề của nước Mỹ mà họ sẽ phải đối mặt và đưa ra lời giải đều là như nhau. Vậy những vấn đề đó là gì?

* Những thách thức trong lòng nước Mỹ
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới và lây lan với tốc độ chóng mặt. Nước Mỹ trở thành tâm dịch khi số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới, điều đó đặt ra không ít nghi ngờ về cách xử lý dịch bệnh của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền và giới y tế chưa thấy rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nên chưa có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người chết quá lớn, Mỹ rơi vào tình trạng sốc, nhiều bang, thành phố quyết định đóng cửa địa phương, cấm tổ chức tụ tập đông người. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tiến hành “giãn cách xã hội”, kích hoạt “Đạo luật sản xuất quốc phòng”,... để chống dịch. Với các biện pháp khá quyết liệt, đến cuối tháng 4/2020, Mỹ đã sản xuất đủ vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, xây dựng được phác đồ điều trị bệnh, điều tiết các bệnh viện không để tình trạng quá tải và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine điều trị virus SARS-CoV-2.
      Tuy nhiên một thực tế là cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 trên thế giới. Sau vài tuần số ca mắc mới giảm, duy trì ở mức 50.000 mỗi ngày, từ giữa tháng 10 tới nay, Mỹ liên tục chứng kiến số ca mắc mới ở mức xấp xỉ 80.000 ca/ngày. Ngày 30/10, Mỹ ghi nhận 91,2 nghìn ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày ở Mỹ vượt con số 90.000. Giới chuyên gia nhận định điều đó có nghĩa làn sóng dịch thứ ba đã tấn công nền kinh tế lớn nhất thế giới. 
Đại dịch COVID-19 xuất hiện cũng đã khiến nền kinh tế số 1 thế giới này chao đảo. Trước khi COVID-19 xuất hiện, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm qua (3,5%), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 2,5% trong ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump (cao hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama). Nhưng giờ đây, COVID-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục kéo dài 127 tháng. Sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong nước giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh (14,7% trong tháng 4/2020), GDP giảm mạnh (Quý I/2020 giảm 5,2%; Quý II/2020 giảm 32,9%). Sang đến quý III/2020, nhờ các gói cứu trợ của chính phủ nên chi tiêu của người tiêu dùng đã gia tăng, kinh tế Mỹ đã phục hồi khi tăng trưởng quý III/2020 đạt 33,1%. Mặc dù vậy sẽ còn phải mất nhiều thời gian để kinh tế Mỹ mới phục hồi từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khủng hoảng kinh tế còn khiến nhiều người dân không có thu nhập để nuôi gia đình, rơi vào trạng thái bất an, nhất là người da màu, người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, phân biệt sắc tộc, bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề nhức nhối, tạo hố sâu ngăn cách trong xã hội. Người Mỹ gốc Phi là nhóm có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi người Mỹ da trắng và hơn thế, họ còn phải chịu sự phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp. Trong bối cảnh người dân bất mãn vì mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh thì sự việc người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết đã kích động các cuộc biểu tình, bạo động chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên khắp nước Mỹ. Bạo lực gia tăng nhanh chóng khiến Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phải triển khai hàng nghìn vệ binh quốc gia tại nhiều bang để đối phó. Thông thường, các cuộc biểu tình như vậy sẽ không kéo dài, tuy nhiên, do người dân đang bất mãn, dễ bị kích động, đồng thời được phong trào “Mạng sống của người Da đen có ý nghĩa” (Black Lives Matter) tiếp sức, nên các cuộc biểu tình tuy giảm về quy mô, nhưng vẫn âm ỉ, kéo dài và trở thành vấn đề nhức nhối tại Mỹ.
Tình trạng chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ ngày càng sâu sắc, thể hiện qua sự phân cực chính trị giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Kể từ khi giành lại Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ (năm 2018), Đảng Dân chủ liên tục cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa, như: xây tường biên giới, điều tra về công việc của gia đình Tổng thống, yêu cầu Tổng thống nộp bản khai thuế và đỉnh điểm là tiến hành luận tội Tổng thống tại Hạ viện. Hiện nay, hầu hết các vấn đề đều bị chính trị hóa, ngôn từ và hành động vượt ngoài phạm vi cạnh tranh giữa các đảng phái thông thường. Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/8/2020, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gọi Đảng Cộng hòa là “kẻ thù nội địa” của nước Mỹ. Sự chia rẽ giữa hai đảng khiến nước Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định và triển khai các chính sách, như: đưa ra gói cứu trợ kinh tế thứ 5 hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đối phó với thiệt hại từ đại dịch COVID-19 hay vấn đề trấn áp người biểu tình, bạo động…

* Chờ đợi lời giải đáp từ tân Tổng thống Mỹ
Nhìn lại lịch sử Mỹ, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào mà không gay cấn và trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ cũng như dư luận thế giới. Việc ứng cử viên nào trở thành tổng thống Mỹ 4 năm tới sẽ không chỉ chi phối đời sống chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ, mà còn tác động mạnh mẽ tới cục diện khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, có thể khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử kịch tính nhất từ trước tới nay tại Mỹ bởi nó diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử với một loạt diễn biến khó lường cũng như có nhiều yếu tố tác động.
Bởi vậy, trước tình hình chính trị-xã hội như hiện nay, cuộc đua vào Nhà trắng giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Joe Biden năm nay trở nên căng thẳng và quyết liệt hơn nhiều so các cuộc bầu cử trước đây. Đại đa số các chính sách của người này đều bị người kia phản đối gay gắt và ngược lại. Nhiều nhà phân tích bình luận, Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden được ví như hai thái cực trái ngược với những cách tiếp cận khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự.

Về đối phó với dịch bệnh COVID-19, trong thời gian qua, ứng cử viên Joe Biden liên tục chỉ trích Tổng thống Donald Trump phản ứng chậm chạp trong giai đoạn đầu dịch bệnh và tìm cách đổ lỗi cho bên ngoài (WHO, Trung Quốc) khi dịch bệnh bùng phát mạnh; không tin tưởng lời khuyên từ các bác sĩ và nhà khoa học; đưa ra những lời khuyến cáo không đúng về các loại thuốc chữa trị COVID-19 cho người dân. Ông Joe Biden và Đảng Dân chủ đề xuất để các nhà khoa học đưa ra lời khuyên nhất quán đến người dân, tăng ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì việc làm, hợp tác với Quốc hội miễn phí xét nghiệm và điều trị Covid-19.
Có thể thấy, vấn đề chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu của ông Biden với chiến dịch tranh cử đặc biệt tập trung vào cách ứng phó dịch COVID-19, cam kết xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ người dân. Ông tuyên bố mở rộng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA) còn gọi là Obamacare, cũng như cho phép người Mỹ lựa chọn tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare.
Trong khi đó, Tổng thống Trump thì vẫn liên tục hạ thấp tác động của dịch COVID-19 và đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả vào cuối năm nay, với cam kết "trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021", tích trữ đủ nhu yếu phẩm và đảm bảo lực lượng lao động trọng yếu có đủ nguồn lực cần thiết sẵn sàng đương đầu với các đại dịch trong tương lai. Ông cũng duy trì lập trường xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA) còn gọi là Obamacare, và thay thế đạo luật này bằng một chương trình tốt hơn.

- Về khôi phục kinh tế, nếu như vào năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng với cương lĩnh tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì lần này, với thông điệp “Keep America great” (Duy trì nước Mỹ vĩ đại), nghị trình được Tổng thống Trump đưa ra nếu ông tái đắc cử vẫn tập trung vào việc làm, thuế và kinh tế.
Tổng thống Trump đặt ưu tiên hàng đầu là khôi phục nền kinh tế đầu tàu thế giới về mức trước khi đại dịch ập đến. Ông cam kết tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng và 1 triệu doanh nghiệp nhỏ mới. Ông cũng hứa sẽ tiếp tục hành động dựa trên thành quả từ việc cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu, trong đó có việc tiếp tục giảm thuế và cấp tín dụng để thuyết phục các công ty sử dụng lao động Mỹ thay vì tuyển dụng ở nước ngoài. Ông tuyên bố sẽ "thiết lập các thỏa thuận thương mại công bằng để bảo vệ việc làm của người Mỹ". Tổng thống Donald Trump tin rằng, điều kiện chính để giúp kinh tế hồi phục trở lại là mở cửa lại nền kinh tế và trường học.
Trong khi đó, ông Joe Biden với khẩu hiệu "Build back better" (Xây dựng lại tốt hơn), ông chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm. Ông đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/h. Ông đưa ra kế hoạch tăng thuế lên 4 nghìn tỷ USD để hỗ trợ cho các chương trình liên bang, đưa nước Mỹ ra khỏi suy thoái, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hỗ trợ cho các bang, tăng trợ cấp thất nghiệp… Kế hoạch này đi ngược lại chủ trương cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump.
Trong quan niệm của ông Biden, nước Mỹ cần phải xây dựng một nền kinh tế “phần thưởng cho công việc chứ không chỉ có sự giàu có”. Một điểm nổi bật trong cam kết của ông Biden là kế hoạch đầy tham vọng về khí hậu, bao gồm việc đại tu toàn bộ ngành năng lượng Mỹ để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải trong sản xuất điện năng xuống 0% vào năm 2035.

- Về xử lý biểu tình, bạo loạn, Tổng thống Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ phong trào Black Lives Matter làm phức tạp tình hình tại các bang, lên án gay gắt các hành vi bạo loạn. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát trong việc gìn giữ trật tự, triển khai vệ binh quốc gia và cam kết bảo vệ lực lượng cảnh sát trong bối cảnh ngày càng nhiều cuộc biểu tình phản đối cách hành xử không đúng mực của cảnh sát với người da màu, có hành động cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp và đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với người nhập cư hợp pháp.
Còn ông Joe Biden lại chỉ trích cách Tổng thống Donald Trump đối phó với khủng hoảng khiến tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, gây chia rẽ nước Mỹ. Một bộ phận trong đảng Dân chủ hiện nay đang kêu gọi cắt giảm ngân sách của ngành cảnh sát, dù ông Joe Biden lên tiếng phản đối kế hoạch này. Ngoài ra, cương lĩnh của Đảng Dân chủ năm 2020 thể hiện sự khác biệt hoàn toàn với đường lối của Tổng thống Donald Trump về kinh tế-thương mại, bảo hiểm y tế và chống biến đổi khí hậu.

Trên lĩnh vực đối ngoại, chính sách của Tổng thống Trump vẫn hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi. Trong khi đó, ứng cử viên Biden lại mong muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết tung ra một "cơn sóng thần" những đổi thay trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Cựu Phó Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO. Với Trung Quốc, dù cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng, ông Biden tỏ ý sẽ giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại. Ông cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…
Theo các nhà phân tích, nhìn vào đường lối tranh cử của hai ứng cử viên Trump và Biden, có thể thấy rõ rệt sự chia rẽ trong xã hội và hệ thống chính trị ở Mỹ. Nhưng sự chia rẽ này thực tế đã tồn tại từ lâu và trở thành bản chất của nền chính trị lưỡng đảng ở Mỹ. Tuy sự chia rẽ này có tác động tiêu cực song cũng là động lực cho sự phát triển ở Mỹ. Lịch sử nước Mỹ đã từng trải qua các thời kỳ chia rẽ sâu sắc nhưng nước Mỹ đều nhanh chóng vượt qua, không những vậy nó còn mang đến sự thay đổi tích cực.
Bởi vậy, những chia rẽ hiện nay ở nước Mỹ sẽ không thể giải quyết trong một vài nhiệm kỳ tới, nếu ai đắc cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ cũng đều phải đối mặt với thực trạng này và cần phải tìm cách thích nghi. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đều chung nhận định rằng, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, nền kinh tế sớm phục hồi, người dân trở lại làm việc thì tình trạng biểu tình, bạo động nhiều khả năng sẽ giảm mạnh. Và câu trả lời về việc ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới hiện nằm ở sự lựa chọn của cử tri Mỹ./.

 

Trọng Đức (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết