Trường Đại học Tel Aviv của Israel ngày 13/7 đã công bố một nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể đối với bệnh COVID-19 của nam giới khác biệt so với nữ giới. Ngoài ra, mức độ kháng thể cũng sẽ thay đổi tùy theo nhóm tuổi, mức độ bệnh nặng nhẹ và thời gian sau tiêm chủng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu trên do Giáo sư Noam Shomron thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia đến từ Trung tâm Y tế Shamir. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 26.000 đối tượng cả nam và nữ, thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó bao gồm cả các bệnh nhân đang điều trị COVID-19, những người đã tiêm chủng và người chưa được tiêm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số những người đã được tiêm phòng, phụ nữ tuổi từ 51 trở lên có độ kháng thể trong máu cao hơn nhóm phụ nữ trẻ tuổi và cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi. Giới nghiên cứu cho rằng hiện tượng này có thể là do hormone estrogen, thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi này, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Còn ở nam giới, sự gia tăng độ kháng thể với COVID-19 bắt đầu với lứa tuổi trẻ hơn, từ khoảng 35 tuổi trở đi. Nguyên nhân cũng có thể là do sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục nam testosterone gia tăng trong độ tuổi này.
Đối với người trưởng thành ở lứa tuổi dưới 35, độ kháng thể với COVID-19 là do nhóm tuổi này có hệ miễn dịch tốt. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ có số lượng kháng thể nhiều gấp 4 lần so với người tiêm 1 mũi.
Vũ Hội (TTXVN)