Ngày 9/3, tại Hà Nội, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, tại các địa phương, đơn vị, tổ chức, số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo được công nhận đã tiến hành xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc…
Ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: “Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân, có những đóng góp tích cực vào đời sống xã hội. Việt Nam không lấy tôn giáo nào làm quốc giáo, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng và phát triển hài hòa. Các tôn giáo đều có đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, được Nhà nước và nhân dân trân trọng".
Ông Nguyễn Văn Long cũng đề cập đến thực trạng tại Việt Nam vẫn còn những đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở trong nước. Báo chí cần góp phần giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc tuyên truyền về tôn giáo, nhân quyền trên báo chí là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Công bố thông tin về tôn giáo, nhân quyền được Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức hàng tháng, đã và đang cung cấp nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu để lãnh đạo, phóng viên, các cơ quan báo chí nắm được vấn đề, thông tin kịp thời đến dư luận.
Để báo chí nắm được thông tin minh bạch, nhanh chóng về các vấn đề tôn giáo, nhân quyền đặc biệt những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ chủ động cung cấp đầu mối liên hệ, sẵn sàng cung cấp thông tin khi các cơ quan truyền thông, báo chí có nhu cầu. Cục Thông tin đối ngoại sẽ là đầu mối để kết nối với báo chí.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an đã trao đổi về tình hình công tác nhân quyền, trong đó nhấn mạnh đến những ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao khóa 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ (ngày 27-28/2/2023). Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về vấn đề gỡ thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu (EU) và Kế hoạch 180 ngày hành động chống khai thác IUU của Chính phủ.
Phóng viên các cơ quan báo chí đã trao đổi, đề xuất cách thức tuyên truyền hiệu quả về nhân quyền, tôn giáo; phản bác các luận điệu xuyên tạc về tôn giáo, nhân quyền trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...
Tại hội nghị, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Sách trắng là tài liệu chính thống, cung cấp thông tin đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam./.
Theo TTXVN