Thứ Hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024

Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch COVID-19

Ngày phát hành: 10/11/2021 Lượt xem 988
Toàn cảnh hội thảo. 

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tiểu ban UNESCO về Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế “Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch COVID-19”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
 
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội nhấn mạnh, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, sức khỏe và tính mạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời về kiểm soát dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thực hiện mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới ngay từ cuối năm 2021. Vì vậy, Hội thảo này nhằm đánh giá những khó khăn, thách thức do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam; đồng thời đề xuất những giải pháp để phục hồi, thích ứng trên lĩnh vực xã hội nhằm ổn định và phát triển đất nước.

Đánh giá về phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm khó khăn hơn. Tính riêng trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên phải hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 như: bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Diễn biến bất thường của đại dịch COVID-19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến lên đến gần 4%. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (hơn 6%), nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (gần 10%). Thu nhập bình quân của người lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, đa số người lao động có khả năng chống chịu và thích ứng, phục hồi trước những khó khăn, khủng hoảng ngắn hạn, tuy nhiên nếu ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng hoặc cả năm, sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của họ.

Trước diễn biến cực kỳ phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Việt Nam đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược để thay đổi, chuyển hướng phù hợp tình hình…. Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện chiến lược phòng, chống dịch chuyển từ zero- COVID-19 (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị và 5K) vốn hiệu quả trong 3 đợt dịch trước đó, sang chung sống linh hoạt với COVID-19 (5K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức của người dân). Tiếp đó, Việt Nam đã áp dụng một số chính sách kích thích, phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng… Ngoài ra Việt Nam đã áp dụng chính sách an sinh xã hội hỗ trợ những nhóm ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Các gói hỗ trợ lần 1 (62 nghìn tỷ), lần 2 (18,6 nghìn tỷ ) và lần 3 (26 nghìn tỷ ) kết hợp cả việc kích hoạt kinh tế đã được thông qua và triển khai. Tuy nhiên, độ bao phủ không cao, mức độ hỗ trợ thấp, tốc độ giải ngân chậm và tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng là những vấn đề đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách.

Bàn về an toàn sản xuất và vai trò của doanh nghiệp trong đảm bảo mục tiêu kép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: An toàn là điều kiện cần thiết đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 1/10/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh các tiêu chí có tính khả thi cao, còn nhiều tiêu chí có tính khả thi thấp. Tính khả thi thấp này liên quan đến các quy định làm tăng chi phí sản xuất quá mức như mô hình “3 tại chỗ” và xét nghiệm đại trà; các quy định an toàn quá mức khi người lao động đã tiêm vaccine đầy đủ mà vẫn phải xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc, hoặc yêu cầu khó đáp ứng trên thực tế như mật độ 4m vuông/người và khoảng cách 2m vuông/người tại nơi làm việc; các quy định nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp như tình trạng di chuyển và lưu trú của người lao động.

“Để đảm bảo mục tiêu kép và với tỷ lệ tiêm vaccine cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Bộ tiêu chí an toàn cần điều chỉnh từ tư duy “an toàn trên hết” sang “an toàn và hiệu quả, phù hợp với thực tế điều kiện” và các cấp chính quyền cần xem doanh nghiệp là một đối tác đầy đủ, tích cực thay vì chỉ nghĩ đến trách nhiệm quản lý khi ban hành các quyết sách phòng, chống dịch và các quyết sách khác”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang nhấn mạnh.

Từ cách tiếp cận xã hội học, các chuyên gia tại hội thảo tập trung thảo luận vào những vấn đề xã hội từ góc nhìn thích ứng, chống chịu và bền vững trước đại dịch COVID-19; phân tích thực trạng, lý giải đặc điểm và đưa ra những bằng chứng khoa học để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết