Thứ Sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2024

Thế giới đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Ngày phát hành: 27/10/2020 Lượt xem 14749


     Báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020 vừa đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên toàn thế giới. Thực trạng này cho thấy ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn với nhân loại.
* Tác nhân gây ô nhiễm không khí
     Không khí là một trong những thành phần cơ bản của môi trường, có vai trò rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Nếu như không có không khí thì sự sống không thể duy trì được. Nhưng nếu không khí bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác.
      Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí không phải bây giờ mới bùng phát mà đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, do cộng hưởng từ tình trạng thời tiết hanh khô gây cháy rừng... Ngoài ra việc các công trình lớn được xây dựng hàng loạt, lượng khí thải từ xe cộ, khí thải công nghiệp tăng đáng kể, hay đốt rơm rạ… đã làm trầm trọng hơn tình hình ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí có nhiều loại, như: ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe, ô nhiễm bụi... Trong đó, bụi là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Bụi có nhiều loại. Phân chia theo chất liệu, có bụi kim loại, bụi vải, bụi gỗ, bụi nhựa, bụi cát, bụi xi măng...; phân chia theo kích thước có bụi to, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, bụi mịn. Những hạt bụi mịn cực nhỏ có đường kính  từ 2,5 micromet trở xuống (PM2.5) liên tục được tạo ra bởi khí thải từ động cơ xe, nhà máy, công trường, thói quen đốt rác, rơm rạ của nông dân, bắn pháo hoa trong các lễ hội tôn giáo và các nhà máy nhiệt điện, lơ lửng trong không khí có thể xâm nhập vào cơ thể người.
Trong khi đó, theo báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố năm 2019, khí thải nhà kính trên toàn cầu đã tăng trong năm thứ hai liên tiếp, làm gián đoạn quá trình giảm phát thải và khiến thế giới gia tăng ô nhiễm. Báo cáo chỉ ra rằng, mức phát thải phải giảm ngay lập tức thì mới giúp thế giới trở lại con đường hướng đến tham vọng của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, đó là mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
     Tuy nhiên, IEA cho rằng, việc kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và tăng nhu cầu về điện đã góp phần làm tăng 1,9% lượng khí thải CO2 kể từ năm 2018. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trên thế giới tiến triển quá chậm để có thể tạo ra tác động lớn giúp bảo vệ môi trường.
      Theo các chuyên gia, cơn khát năng lượng của thế giới ngày càng tăng đã khiến mức tiêu thụ than và các nhiên liệu hóa thạch khác, gây ô nhiễm không khí ngày càng nhiều hơn. Thực tế nhu cầu về than trên toàn cầu vẫn tăng và 3/4 trong số nhu cầu đó là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
     IEA khuyến cáo nếu không hành động ngay lập tức thì thế giới sẽ chứng kiến những hậu quả thảm khốc.
* Thách thức lớn với cộng đồng
       Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng. Với 92% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí nằm dưới mức tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra, WHO đã gọi nạn ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”.
     Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020 công bố ngày 21/10, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tại châu Âu, ước tính khiến 400.000 người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí khiến các thành phố châu Âu thiệt hại hơn 190 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ xuất hiện các điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
       Cũng theo báo cáo, ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái Đất. Báo cáo cho rằng trong khi thế giới đang ráo riết tìm kiếm vaccine để dập đại dịch COVID-19, ô nhiễm không khí tiếp tục khiến hàng tỷ người toàn cầu giảm thọ và ốm yếu hơn. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch COVID-19. Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan và tuổi thọ trung bình của những người dân nước này sẽ giảm 5 năm do họ phải sống trong  không khí ô nhiễm cao hơn 44% so với 20 năm trước.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.
      Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí có thể gây các triệu chứng hô hấp, và tuần hoàn và cả mạn tính, tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác hại thường được nhắc đến của ô nhiễm không khí như bệnh tim, phổi mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi thực chất không khí ô nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp nhưng có tác động lên toàn cơ thể, phá hoại các cơ quan khác từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi, hen suyễn cho đến tiểu đường và chứng mất trí nhớ, từ bệnh về gan, ung thư bàng quang cho đến giòn xương và tổn thương da. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Ô nhiễm không khí cũng gây hại cho việc sinh đẻ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Hơn nữa, việc tiếp xúc với ô nhiễm về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe hoặc khiến các căn bệnh trầm trọng hơn.
Ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đang là mối đe dọa đối với sức khỏe và kinh tế của các nước trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD.
     Nghiêm trọng hơn, trẻ em là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ ô nhiễm không khí do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, khoảng 40.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi mỗi năm vì bụi mịn PM 2.5, đây cũng là tác nhân hàng đầu gây ra 2 triệu ca sinh non hằng năm. Riêng trong năm 2019, gần 500.000 trẻ sơ sinh trên thế giới tử vong do không khí ô nhiễm, trong đó Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 116.000 trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã tử vong do ô nhiễm không khí ngay trong tháng đầu tiên chào đời, trong khi con số này ở các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi là 236.000.
Do vậy, để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ con người cũng như giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, các chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước cần ưu tiên cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí bằng những chính sách công mạnh mẽ./.


Thanh Lâm (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN]

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết