Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thông điệp từ tỷ lệ cử tri Mỹ đi bầu cử cao kỷ lục

Ngày phát hành: 05/11/2020 Lượt xem 1229



Trang mạng moderndiplomacy.eu (Ngày 3/11)
Tỷ lệ cử tri Mỹ đi bầu cử trong năm nay được cho là cao ở mức kỷ lục, trong đó có hơn 230 triệu người dân Mỹ đủ điều kiện đi bỏ phiếu, vượt quá số liệu ghi nhận trong năm 1908. 
Bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11, người ta cũng không nên quên rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể khôi phục nền dân chủ, để tiếp tục đưa các giá trị Mỹ trở nên bao trùm hơn và phù hợp hơn với những biến động mạnh mẽ về nhân khẩu học, nơi cộng đồng da trắng không còn chiếm quá nhiều ưu thế như trong quá khứ.
Người dân Mỹ cần lấy lại niềm tự hào mà họ đã có trong giai đoạn chuyển đổi đáng chú ý, dù không thể coi là hoàn hảo, dưới thời bộ đôi Obama-Biden những năm từ 2008-2016; hay xã hội những năm 1950-1960, nơi dân chủ được nhìn nhận đúng bản chất của nó: dân chủ là cho người dân, bất kể họ là ai. 
Nước Mỹ cần tái thiết, và không bao giờ cho phép bất kỳ lãnh đạo nào tại Nhà Trắng hay Quốc hội có thể chia rẽ xã hội, xói mòn những giá trị dân chủ của nước Mỹ bằng cách lợi dụng những ám ảnh và cố chấp cũng như niềm tin mù quáng của người dân. Những nhà lãnh đạo cầm quyền cần phải hiểu được rằng họ bị ràng buộc nhiều hơn bao giờ hết trước công lý, bởi công lý là dành cho tất cả chứ không chỉ một số ít nào đó. 
Sự sụp đổ của Richard Nixon, bê bối dẫn đến sự sụt giảm uy tín của Bill Clinton và giờ là những gì liên quan đến Donald Trump nhắc nhở người dân Mỹ về sự cần thiết của việc hàn gắn những rạn nứt, của việc hồi phục từ hơn 50 năm tồn tại những lỗ hổng trong quản trị công cùng những sai lầm trong xã hội dân sự. Những người tiếp theo được cử tri Mỹ lựa chọn vào Nhà Trắng và nắm quyền lập pháp, những người sẽ bổ nhiệm các quan chức trong bộ máy cầm quyền, cần khôi phục và mở rộng những công cụ ngoại giao thay vì chiến tranh.
Người dân Mỹ cần phải duy trì vị thế như một đối tác toàn cầu đáng trân trọng và có sức lan tỏa. Nước Mỹ cần các đồng minh trên tinh thần đối tác bình đẳng để cùng thúc đẩy các mục tiêu toàn cầu tích cực về công lý và hòa bình, chứ không phải theo hướng đối xử với các quốc gia và các cơ quan quốc tế khác như bàn đạp để bành trướng ảnh hưởng của mình. 
Điều mà nước Mỹ cần ở thời điểm hiện tại là hàn gắn những chia rẽ nội bộ, và thúc đẩy sự bình đẳng cho tất cả. Nhiều người Mỹ đã tự cho rằng mình thượng đẳng hơn người khác vì nguồn gốc, màu da, tầng lớp, giới tính, tôn giáo, tuổi tác hay thậm chí là giáo dục. Nước Mỹ đã có những bài học đau thương trong suốt 4 năm qua, khi nước Mỹ dường như không thành thật với những tuyên bố về dân chủ của chính mình, khi nước Mỹ chú trọng tới bề ngoài và những biểu tượng hơn là việc thực thi các chính sách thật sự tôn trọng công lý. Không quá để cho rằng nước Mỹ suốt những năm qua chưa hề thực sự tìm cách giải quyết và chấm dứt cái gọi là bất bình đẳng trong xã hội. Điều này vô hình chung đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những chính sách lãnh đạo “thảm họa”, những cơn ác mộng với nước Mỹ trong suốt đêm dài 4 năm qua, nơi nuôi dưỡng những định kiến, những nỗi sợ và xu hướng bạo lực cùng nhiều nhân tố gây thiệt hại cho chính nước Mỹ và cả thế giới bên ngoài. 
Thay vì cố phớt lờ rằng mối đe dọa thực sự không tồn tại, nước Mỹ cần thẳng thắn phơi bày và tìm cách bài trừ sức ảnh hưởng của đồng tiền, điều đã và đang tác động tiêu cực tới tự do báo chí, tự do và công bằng trong bầu cử, gây ảnh hưởng tới các cộng đồng tôn giáo tự do, các cơ quan dân sự liên bang phi đảng phái, quyền được tiếp cận các việc làm có chất lượng, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và pháp lý. 
Cho dù ai lên nắm quyền, người đó cũng cần phải hiểu rằng người dân Mỹ đang theo dõi sát sao giới cầm quyền và quyết tâm thể hiện quan điểm của mình, bất chấp những cáo buộc về gian lận trong bầu cử - điều được thể hiện qua tỷ lệ cử tri đi bầu trong năm nay. Người dân Mỹ sẽ đòi hỏi rằng các chính trị gia sẽ không chỉ tìm cách lôi kéo cử tri khi cần lá phiếu, và họ cũng sẽ không tha thứ cho những hành động đạo đức giả không đi kèm với những hứa hẹn được hiện thực hóa. Cử tri Mỹ sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo của mình phải thật sự đại diện cho dân chúng thay vì lợi dụng tiền của của các nhà tài trợ có mục đích riêng. 
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cho thấy các cử tri Mỹ đang tận dụng sức mạnh của mình để đảm bảo công lý và dân chủ cho tất cả là điều có thật./.

 

Theo Đỗ Thùy Thái Bình (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết