Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của Quỹ Viện trợ theo Đạo luật Chip và khoa học

Ngày phát hành: 31/01/2024 Lượt xem 347

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Phát triển kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose Fernandez. Ảnh: Bloomberg

 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang nhắm mục tiêu vào 7 quốc gia trong Đạo luật Khoa học và CHIPS, với 500 triệu USD để cải thiện năng lực sản xuất chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu. Ông Fernandez kêu gọi Việt Nam sớm hành động để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng sạch và khoáng sản, có thể sử dụng cho xe điện và pin.

 

Mỹ được cho sẽ phân bổ viện trợ nước ngoài theo Đạo luật CHIPS dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng 2 tới. Nghiên cứu sẽ bao gồm việc khảo sát nhu cầu các công ty Việt Nam để phát triển ngành bán dẫn, chẳng hạn như đào tạo - theo ông Fernandez.

 

Quan chức Mỹ nói thêm: "Chúng tôi đã xem qua danh sách các quốc gia được đánh giá có tiềm năng hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Mỹ, và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến".

 

Nikkei đánh giá, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng điện tử, quần áo và thực phẩm và là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên toàn cầu về trữ lượng kim loại đất hiếm, chỉ sau Trung Quốc.

 

Mỹ đặt mục tiêu xây dựng lại vị thế của mình tại thị trường đất hiếm vốn bị chi phối bởi hoạt động sản xuất giá rẻ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua - điều mà Washington coi là điểm yếu chiến lược. Mỹ gần đây đang khôi phục lại các mỏ đất hiếm của mình, sau khi đã ngừng sản xuất kể từ năm 2017, và ký thỏa thuận phối hợp hỗ trợ tài chính, ngoại giao về khoáng sản với 13 quốc gia, đồng thời đề nghị giúp Việt Nam khảo sát trữ lượng đất hiếm.

 

"Có một cơn khát trên thế giới đối với các khoáng sản quan trọng" - ông Fernandez nói - "Lợi thế cạnh tranh của Mỹ và các đối tác là khai thác chúng để mang lại lợi ích cho cộng đồng nhưng không làm suy thoái môi trường, đồng thời tạo ra giá trị tăng thêm từ công nghệ, đầu tư".

 

"Đây là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất với quy mô lớn hơn" - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bình luận, lưu ý rằng lực lượng lao động trẻ là tài sản quốc gia, và kêu gọi Việt Nam tận dụng lợi thế này vì "nó có thể không tồn tại mãi mãi".

 

Kể từ khi hai quốc gia nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ đang xúc tiến các quy trình để tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ông Fernandez nói: "Đây không phải là một quyết định chính trị, mà là một quá trình xem xét được điều chỉnh bởi pháp luật".


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết