Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp chống thiên tai tại các vùng ven biển của Việt Nam.
Báo cáo được công bố đúng thời điểm lũ lụt đang tàn phá khu vực miền Trung Việt Nam, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo đó, báo cáo đề xuất Việt Nam thiết lập, tăng cường hệ thống quản lý và sử dụng dữ liệu và công cụ ra quyết định tích hợp. WB cho rằng Việt Nam cần đảm bảo các dữ liệu về thiên tai và công cụ phân tích phải đầy đủ và có sẵn, cập nhật và duy trì thường xuyên, cung cấp cho tất cả các bên liên quan. Việt Nam cũng cần có một hệ thống quản lý công trình được cập nhật thường xuyên.
Việc giám sát mở rộng đô thị ở các vùng ven biển sẽ giúp theo dõi mức độ rủi ro của người dân trước thiên tai; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý để tập trung đánh giá mức độ bảo vệ và những điểm có nguy cơ rủi ro cao; hệ sinh thái ven biển được bản đồ hoá và giám sát một cách hệ thống sẽ hướng đến phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn, rạn san hô, cồn cát, bãi biển.
Báo cáo đồng thời đề xuất Việt Nam thực thi triệt để công tác quy hoạch ven biển dựa trên phân tích về rủi ro. Theo WB, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng phải được tính đến rủi ro thiên tai và khả năng chống chịu, không để lại hậu quả, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt cao khi lập quy hoạch phát triển dài hạn.
Trong ngắn hạn, có thể đầu tư vào khu vực phòng chống thiên tai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các đô thị và các hoạt động kinh tế-xã hội hoặc phát triển cơ sở hạ tầng lâu dài như các nhà máy năng lượng hoặc các tuyến giao thông gần với bờ biển là một ý tưởng hay.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đảm bảo quy hoạch có hệ thống để bảo vệ các khu vực tăng trưởng có nguy cơ cao. Để chắc chắn các dự án phát triển và đầu tư mới ở khu vực ven biển không làm tăng nguy cơ thiên tai, những nhà hoạch định chính sách cần đánh giá rủi ro một cách có hệ thống.
Ngoài ra, báo cáo kêu gọi Việt Nam tăng cường năng lực của các công trình thiết yếu bằng việc tích hợp các thông tin rủi ro vào quy trình lập kế hoạch, thiết kế và duy tu bảo dưỡng của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. WB cho rằng, mặc dù hệ thống đê điều của Việt Nam đang bảo vệ cư dân và tài sản khu vực ven biển, nhưng dọc bờ biển có rất nhiều điểm nóng đang đứng trước nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai.
Do đó, Việt Nam cần tập trung nâng cấp hệ thống đê của các khu vực có rủi ro cao, bao gồm duy tu bảo dưỡng có hệ thống, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai, quy mô dân số. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ứng phó với rủi ro thiên tai, đảm bảo có đủ năng lực dự phòng để hỗ trợ người sử dụng như đội ngũ cán bộ y tế có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi cơ sở hạ tầng bị gián đoạn do thiên tai.
Báo cáo khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục để có phương án ứng phó kịp thời, tiếp tục hoạt động và góp phần phục hồi nhanh khi thiên tai làm gián đoạn cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn kỹ thuật cho hệ thống cơ sở hạ tầng.
Theo đó, Việt Nam cần rà soát và cập nhật các tiêu chuẩn an toàn và quy chuẩn xây dựng áp dụng cho các công trình thiết yếu, tòa nhà, hệ thống đê điều để đảm bảo tính nhất quán giữa các ngành, có tính đến các yếu tố như kinh tế-xã hội, dân số, biến đổi khí hậu; đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.
Hướng dẫn kỹ thuật cần bao gồm quy trình thiết kế và lập kế hoạch, các tiêu chuẩn an toàn có cân nhắc mức độ thiên tai, dân số, giá trị công trình đang gặp rủi ro; đồng thời xem xét các hạn chế khi triển khai như kinh phí được phân bổ, vật liệu và năng lực bảo trì.
Báo cáo đồng thời kêu gọi tận dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Báo cáo chỉ ra rằng từ cồn cát đến rạn san hô và rừng ngập mặn, các hệ thống tự nhiên thường đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ sinh kế ven biển. Do đó, nếu quản lý bền vững, chúng có thể đem lại giá trị kinh tế hữu hình, hỗ trợ du lịch hoặc ngành đánh bắt cá. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng khai thác quá mức và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng nhân tạo trong những thập kỷ qua đã khiến hệ sinh thái bị suy kiệt.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất giải pháp nâng nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Nghiên cứu khuyến cáo Việt Nam cần một hệ thống khí tượng thủy văn tích hợp về truyền tải dữ liệu-phân tích và dự báo-truyền tin cũng như cảnh báo sớm nhằm truyền tải các thông tin kỹ thuật có mức độ chính xác cao thành các thông tin có giá trị hành động thực tiễn cho các đối tượng người dùng khác nhau.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một bộ hướng dẫn sử dụng và vận hành hệ thống khí tượng thủy văn tích hợp (CONOPs) giúp giảm nguy cơ hỏng hóc về kỹ thuật hoặc thiếu hụt về tài chính và điều chỉnh các hệ thống cảnh báo sớm để giải quyết tốt hơn các loại hình thiên tai xảy ra chậm như hạn hán.
CONOPs cũng nâng cao năng lực giám sát và dự báo loại hình thiên tai này, phổ biến các cảnh báo có giá trị hành động thực tiễn, tăng cường chức năng và nguồn lực của chính quyền, phản ánh nhu cầu dự báo trung và dài hạn.
Nghiên cứu cũng kêu gọi xây dựng chiến lược tài chính phòng chống thiên tai. Theo đó, Việt Nam nên xây dựng một cơ chế rút gọn nhằm huy động và giải ngân các nguồn tài chính sẵn có đảm bảo sự kịp thời và hiệu quả cho công tác xây dựng lại và tái thiết khẩn cấp sau thiên tai. Dự trữ nhiều năm, tín dụng dự phòng, bảo hiểm trong nước và trái phiếu thiên tai đều là những công cụ tài chính đã chứng minh được hiệu quả.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc./.
Theo TTXVN