Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

75 năm nông nghiệp Việt Nam: Nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế

Ngày phát hành: 14/11/2020 Lượt xem 2350

 

* Trụ đỡ của nền kinh tế trong kháng chiến 

Sau ngày độc lập, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69 thành lập Bộ Canh nông. Đây được xem là tổ chức chính thể đầu tiên về nông nghiệp do Đảng, Nhà nước thành lập và lãnh đạo.
          Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, hoạt động của ngành nông nghiệp luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kỳ kháng chiến kiến quốc, đến giai đoạn đấu tranh thống nhất và đổi mới, hội nhập hiện nay. Nông nghiệp-nông dân-nông thôn, luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, coi trọng, là trụ cột của nền kinh tế-an ninh nước nhà.
          Ngay sau ngày Độc lập, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm đẩy lùi “giặc đói”, ngành nông nghiệp đã phát động phong trào “Toàn dân tăng gia sản xuất”, khơi dậy sức mạnh của nông dân. Vụ mùa năm 1946, lương thực thu hoạch ở Bắc Bộ đã đạt gấp đôi năm 1945. Nạn đói được đẩy lùi. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngày ấy đã tuyên bố: “Cách mạng đã chiến thắng nạn đói. Thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
          Sau khi giải quyết được nạn đói, ngành nông nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nông nghiệp, nông dân trở thành một trục chính của đại đoàn kết dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là động lực cho phát triển nông nghiệp. Cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã đem lại sự thay đổi thân phận, cuộc sống của hàng triệu nông dân; đồng thời đem lại động lực to lớn cho phát triển nông nghiệp ở các vùng tự do. Đến năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Lương thực đủ cung cấp cho nhân dân vùng tự do và bộ đội đánh giặc.
          Trong cả 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông nghiệp- nông dân-nông thôn đều hoàn thành vẻ vang sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến, nuôi quân, đánh giặc, góp phần làm tròn vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tuy bị hạn chế bởi chiến tranh, nhưng chúng ta đã xây dựng được những cơ sở quan trọng của hệ thống khoa học công nghệ; tạo ra nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, máy cơ giới, quy trình thâm canh, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ…

 

 

* Nền tảng của sự ổn định, thịnh vượng
Đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào thời kỳ xây dựng phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi được xác định là mặt trận hàng đầu. Thời kỳ 1976-1986 đánh dấu việc thực hiện thí điểm thành công cơ chế quản lý mới, chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trong nông nghiệp và cơ chế sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu. Giai đoạn 5 năm (1981-1985), sản xuất nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 4,9%; sản xuất lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980.
          Năm 1986 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với mọi ngành nghề kinh tế khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ruộng đất được khoán và sau năm 1993 được giao để nông dân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền ngày càng lớn hơn. Thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước được tự do hóa, từng bước kết nối, liên thông với thị trường quốc tế... Nhờ đó, nhiều năm liên tục, ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng nhanh, bình quân đạt gần 3,7%, góp phần duy trì tăng trưởng ổn định của đất nước.
          Cùng với tăng trưởng nhanh, cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, gắn với nhu cầu thị trường. Cả nước hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ cho xuất khẩu, như: lúa, cà phê, chè, thủy sản… Nhờ vậy, an ninh lương thực của đất nước luôn được đảm bảo. Trong 10 năm gần đây (2009-2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước.
          Từ một nước thiếu hụt lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nhiều nông sản có ảnh hưởng tới thị trường thế giới. Hiện nay, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTTP và Hiệp định EVFTA, qua đó mở rộng “sân chơi” cho xuất khẩu nông sản. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD.
          Thành tựu của sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng cho quá trình xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị-xã hội. Nhờ đó, môi trường sinh thái cũng được cải thiện, an ninh quốc phòng được củng cố.
          Thủy lợi cũng đã hình thành nền tảng phát triển nông nghiệp trong quá trình đổi mới, đóng góp quan trọng vào kết quả đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Các chính sách giao đất, giao rừng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… trong lâm nghiệp đã giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 28% (năm 1995) lên 39,9% (năm 2012) và dự kiến đạt 42% vào năm 2020.
          Đất nước đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn phát huy vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho trong nước và hỗ trợ an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Điều này đã được khẳng định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, biến đổi khí hậu ngày càng tác động nghiêm trọng trong sản xuất… Ngành nông nghiệp luôn chủ động có giải pháp kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho hơn 97 triệu dân, xứng đáng là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế ổn định và ngày càng thịnh vượng./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết