Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Biến đổi khí hậu: Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thế giới hành động vì mục tiêu trung hòa khí thải carbon

Ngày phát hành: 14/11/2020 Lượt xem 979


Ngày 12/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo tổ chức này đang lên kế hoạch thiết lập liên minh toàn cầu vì mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2021.
Thông báo trên được Tổng Thư ký Guterres đưa ra tại phiên họp cấp cao của Diễn đàn Hòa bình Paris. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh dù đã 5 năm kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua, song thế giới vẫn chưa đi đúng lộ trình để có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, bằng mọi giá, thế giới cần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức 45% vào năm 2030 và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ông cho rằng năm 2021 nên được chọn là giai đoạn nhảy vọt để hướng tới mục tiêu trung hòa khí carbon. Mỗi quốc gia, thành phố, thể chế tài chính và doanh nghiệp cần thông qua các kế hoạch chuyển tiếp để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đến đầu năm 2021, các quốc gia đóng góp tới hơn 65% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và đại diện cho hơn 70% nền kinh tế thế giới nên đưa ra các cam kết tham vọng về trung hòa khí thải.
Về năng lực quản lý và lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ nêu rõ chính phủ các nước cần lồng ghép mục tiêu trung hòa carbon vào tất cả chính sách và quyết định trong lĩnh vực kinh tế, tài chính để có thể thực sự chuyển đổi các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, vận tải và năng lượng. Bên cạnh đó, ông Guterres cũng nhấn mạnh liên minh vì mục tiêu trung hòa khí thải sẽ không thể bao trùm trên toàn cầu nếu thiếu sự tham gia của các nước đang phát triển. Về tầm quan trọng của hỗ trợ tài chính cho hành động khí hậu, ông cho biết tất cả những lời kêu gọi này cần phải có sự đóng góp tài chính trong khu vực công lẫn tư nhân. 
Liên quan tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm mới là lây truyền từ động vật và sự xuất hiện của những căn bệnh mới này là do lối sống của con người. Do đó, các nước cần đưa khí hậu và môi trường vào các gói kích thích để xây dựng kinh tế và xã hội bền vững và toàn diện. Tuy nhiên, không một quốc gia nào có thể tự mình chuyển đổi, điều này đòi hỏi sự hợp tác và đoàn kết giữa các nước.
Diễn đàn hòa bình Paris lần thứ 3, được tổ chức trực tuyến từ  ngày 11 đến 13/11, trong đó tập trung vào vấn đề thiết lập trật tự thế giới hậu COVID-19./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết