Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Tại sao Trung Quốc ngừng đấu tranh để được công nhận nền kinh tế thị trường?

Ngày phát hành: 22/06/2020 Lượt xem 1990

Trung Quốc đã ngừng vụ kiện Liên minh châu Âu (EU) tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc công nhận vị thế nền kinh tế thị trường của nước này. Sau 4 năm kiện cáo tại WTO, chính quyền Trung Quốc đã quyết định chấm dứt quá trình này. Trung Quốc trên thực tế tự nhận mình là nền kinh tế phi thị trường, như đánh giá của EU.

 

 

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 với tư cách nền kinh tế phi thị trường. Điều này có nghĩa là giá cả một số sản phẩm Trung Quốc trên thị trường thế giới có thể được hình thành không phải do kết quả của các yếu tố thị trường, mà cả với sự trợ giúp chính phủ. Theo quy định của WTO, các quốc gia thành viên khác của tổ chức này có thể áp thuế bảo vệ lên các sản phẩm của một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường.

Theo các điều khoản khi Trung Quốc gia nhập WTO, các thành viên khác của tổ chức này có thể xác định tình trạng thị trường của Trung Quốc theo tiêu chí riêng của họ chỉ trong 15 năm đầu tiên khi gia nhập WTO. Trung Quốc hứa trong vòng 15 năm, các cơ chế định giá sản phẩm của họ sẽ hoàn toàn chuyển sang đường ray thị trường. Và theo các điều khoản thỏa thuận gia nhập WTO, tình trạng của Trung Quốc được tự động thay đổi sau 15 năm.

Năm 2016, Trung Quốc đã đệ đơn kiện EU lên WTO liên quan đến hạn chót này. Tuy nhiên, đến này Bắc Kinh lại cho rằng việc quốc gia nào đó coi Trung Quốc có nền kinh tế thị trường hay không không còn quan trọng nữa, và dựa trên điều này sẽ không còn các cuộc điều tra chống bán phá giá nữa. Trung Quốc lập luận rằng giá cả sản phẩm của họ trên thị trường thế giới chỉ được hình thành dưới tác động của các yếu tố thị trường, và nước này có toàn quyền để nhận được vị thế nền kinh tế thị trường.

EU và Mỹ khẳng định giá thành một số sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm thép và nhôm, thấp một cách giả tạo do được hưởng trợ cấp của nhà nước. Do đó, để cân bằng các quy tắc đối với tất cả các thành viên WTO, thuế chống bán phá giá được áp dụng lên các sản phẩm Trung Quốc.

Trung Quốc đã rút đơn kiện Mỹ vào năm ngoái, và bây giờ đến lượt EU. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc nhìn nhận mình là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Ông Mei Xinyu - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc - nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng việc kết thúc thủ tục tố tụng tại WTO là do thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp trong tổ chức này. Chuyên gia này nêu rõ: “Trước tiên, các cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO hiện bị tê liệt. Chỉ còn một trong số bảy thẩm phán của Cơ quan phúc thẩm làm việc. Thật khó khăn để nộp đơn kháng cáo mới. Việc chấm dứt quá trình này sẽ không tạo ra vấn đề mới cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì những vấn đề hiện tại không thể được giải quyết ngay bây giờ. Trước đây, chúng tôi nhấn mạnh vị thế của Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, khi toàn cầu hóa phát triển và thương mại thế giới mở rộng. Trong tình huống như vậy, thật hợp lý khi sử dụng nguồn lực ngoại giao để tranh đấu cho sự công nhận này. Vấn đề hiện giờ là hệ thống thương mại quốc tế đa phương đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Quá trình toàn cầu hóa thoái lui, xu hướng chống lại tiến trình này ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Trong trường hợp như vậy, điều quan trọng đối với chúng tôi là duy trì ít nhất mức độ toàn cầu hóa đã đạt được. Ngay cả khi Trung Quốc không được công nhận là nền kinh tế thị trường, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu vẫn sẽ tăng lên. Mỹ đang rời khỏi nhóm. Vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc là làm thế nào để hỗ trợ thương mại đa phương trong định dạng ‘WTO trừ 1’ với châu Âu và các đối tác thương mại khác trong hoàn cảnh khắc nghiệt hiện nay”.

EU đã nắm bắt thời điểm này và áp thuế chống bán phá giá 10,9% đối với các sản phẩm vải thủy tinh của các công ty Jushi Egypt và Hengshi Egypt của Ai Cập - hai liên doanh của hai công ty Trung Quốc là China Jushi Co. và Zhejiang Hengshi Fiberglass Fabrics Co. Đây là lần đầu tiên thuế chống bán phá giá hướng đến một quốc gia, lại được áp dụng đối với các công ty hoạt động bên ngoài quốc gia đó. Theo EU, các công ty Ai Cập có liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc, nhận được trợ cấp trực tiếp từ Trung Quốc, và do đó phải bị áp thuế chống bán phá giá. EU cũng áp thuế từ 17%-30,7% đối với các sản phẩm sợi thủy tinh được sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc. EU chỉ ra các khoản trợ cấp của Trung Quốc khiến châu Âu rơi vào tình trạng mất tính cạnh tranh với các sản phẩm tương tự, như Ahlstrom-Munksjo Oyj của Phần Lan, Owens Corning Fiberglas SPRL của Bỉ và Chomarat Textiles Industries SAS của Pháp.

Trung Quốc đã phản ứng lại trước động thái trên của EU. Bloomberg dẫn tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc tại EU nói rằng những hành động đó không góp phần duy trì các quy tắc và quy định của WTO, cũng như không đóng góp cho nỗ lực của tất cả các bên nhằm duy trì thương mại đa phương. Các biện pháp như vậy chỉ cản trở dòng chảy đầu tư và chuỗi cung ứng thông thường, và gây thiệt hại đến lợi ích của các nước đang phát triển. Đây là những rào cản trong bối cảnh nền kinh tế và thương mại thế giới đang phải hứng chịu hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây dự báo kim ngạch thương mại thế giới có thể giảm 20% trong năm nay. Theo báo cáo "Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi thế giới ra sao: Triển vọng thống kê" được UNCTAD công bố mới đây, đại dịch COVID-19 đã khiến kim ngạch thương mại toàn cầu giảm 3% trong quý I/2020. Mức giảm được cho là sẽ tăng trong quý II/2020, với 27%./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết