Nhằm góp phần tổng kết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua 35 năm đổi mới, phục vụ nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII, ngày 28-6-2022, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện nhiều Ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Gần 30 tham luận khoa học, báo cáo thực tiễn đã được gửi tới Hội thảo.
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó chủ tịch thường trực, HĐLLTƯ, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Phó chủ tịch HĐLLTƯ và GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng trường ĐH KTQD đồng chủ trì Hội thảo.
Trong khuôn khổ của chương trình làm việc, Hội thảo đã tập trung thảo luận sâu vào các nội dung trọng tâm, đó là:
1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong những năm qua (như mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở cả cấp độ nền kinh tế; cấp vùng, cấp tỉnh; cấp ngành; những thành tựu, tồn tại, nguyên nhân về lý luận và thực tiễn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; phát hiện ra những điểm nghẽn cần xử lý cả về lý luận và thực tiễn; cả về thể chế, cơ chế, chính sách cũng như các vấn đề liên quan của Việt Nam để từ đó định hướng tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
2. Những định hướng và những nguồn lực tác động đến công cuộc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa trên cơ sở khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của nước ta.
3. Một số đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045./.
P.V