Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Xây dựng hệ thống phầm mềm tin học hóa hoạt động nghiệp vụ tư liệu - thư viện phục vụ Thư viện điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương

Ngày phát hành: 04/11/2021 Lượt xem 3188

Thư viện Hội đồng Lý luận Trung ương

 

1. Đặt vấn đề
Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào trong hoạt động thông tin - thư viện đã và đang phát triển mạnh và ngày càng ở cấp độ sâu sắc hơn. Sự phát triển kết nối và xử lý “thông minh” hơn trong tác động của những trụ cột nền tảng bước vào nền công nghiệp lần thứ 4, các thư viện hiện đại theo hướng kết nối để chia sẻ đã chuyển dịch đa chiều theo thời gian thực. Đồng thời, xu hướng xuất hiện kết nối đa dạng với nhiều lớp, nhiều tầng của từng thư viện điện tử - thư viện số, từng mạng lưới thư viện điện tử - thư viện số là yêu cầu và xu hướng tất yếu. Trước đây, các thư viện ứng dụng chủ yếu nhằm xây dựng triển khai các dịch vụ thư viện hiện đại tới người dùng tin, nhưng chưa chú trọng đến liên kết nhằm chia sẻ kết quả hoạt động nghiệp vụ đối với nhóm tác nghiệp (viên chức thư viện trong mạng lưới) và quản trị hệ thống. Hiện nay, đã có sự chuyển dịch sang mô hình liên kết, kết nối chia sẻ kết quả hoạt động của các thành viên trong mạng lưới hoặc hệ thống theo hướng đồng bộ hóa dữ liệu dựa trên mô hình trung tâm - thành viên đa lớp (mối quan hệ liên thông, liên kết kết quả làm việc của những thành viên bên trong hệ thống và những thành viên bên ngoài hệ thống). Ứng dụng các phương tiện hiện đại và phương thức làm việc dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông  đã tạo ra cơ hội để hiện thực hóa việc xử lý tập trung và đồng bộ dữ liệu xử lý. Việc triển khai như thế nào cho phù hợp với đặc thù của từng hệ thống là điều cần thiết bàn luận cho từng lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Về giải pháp kỹ thuật, việc lựa chọn giải pháp để ứng dụng vào bất cứ lĩnh vực nào cơ bản cũng dựa trên 2 hướng: Lựa chọn phần mềm có tính chất tích hợp thành một hệ thống phần mềm (một phần mềm tích hợp các chức năng) hoặc lựa chọn tích hợp các phần mềm trên một hệ thống (trên một máy chủ hoặc nhiều máy chủ nhưng được tích hợp lại thành một hệ thống các phần mềm).

2. Đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống phần mềm trong hoạt động thông tin - thư viện, tư liệu tại Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Quyết định số 26-QĐ/TW, ngày 06 tháng 8 năm 2021 "Về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương" của Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký. Hội đồng Lý luận Trung ương gồm 5 chức năng, nhiệm vụ như sau:
"- Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng. 
 - Hội đồng có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao hoặc do Hội đồng đề xuất được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp thuận; đồng thời kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác, để thực hiện tốt chức năng tư vấn của Hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
 - Thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương.
 - Nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng. 
- Giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới”
Như vậy, Hội đồng Lý luận được giao nhiệm vụ trọng trách có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu, hoạch định những chính sách của Đảng dựa trên nguyên lý lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới. Việc triển khai các giải pháp về phần mềm, hệ thống phần mềm tích hợp, tích hợp hệ thống cho hoạt động thông tin thư viện nói riêng, hoạt động thông tin - tư liệu nói chung tại Hội đồng Lý luận Trung ương cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có tính chất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Một số những yêu cầu mới của hệ thống tích hợp cần giải quyết luồng thông tin đa chiều bên trong, bên ngoài hệ thống của Hội đồng. Luồng thông tin bên trong cũng được hình thành từ nhiều nguồn bổ sung tư liệu khác nhau: từ việc thu thập qua các kênh theo những phương thức truyền thống (bổ sung tư liệu hàng năm, tặng, biếu,...), đặc biệt từ nguồn tư liệu là những sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học trong Hội đồng Lý luận. Luồng thông tin bên ngoài, đó là việc sẵn sàng kết nối với những hệ thống thông tin khác cũng cùng những mục tiêu nghiên cứu và triển khai các lĩnh vực của Đảng như hệ thống của Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam,...


Để việc triển khai các phần mềm ứng dụng trong hoạt động thông tin thư viện, tư liệu tại Hội đồng Lý luận Trung ương đáp ứng yêu cầu phát triển từ thực tiễn. Trên cơ sở phân tích các phần mềm ứng dụng trong hoạt động thông tin - thư viện, nhóm nghiên cứu đề xuất nghiêng theo hướng xây dựng hệ thống tích hợp các phần mềm trong hoạt động thông tin - thư viện và triển khai 02 mô hình như sau:


Thứ nhất: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thư mục liên hợp trong hệ thống (Union - catalogue), trong đó phần mềm và cơ sở dữ liệu được đặt tại một đơn vị có chức năng, nhiệm vụ làm vai trò trung tâm. Sau đó, tạo lập các đơn vị logic (các chi nhánh - branches) để các thư viện trong hệ thống cập nhật dữ liệu của đơn vị mình. Các tiện ích đi kèm trong hệ thống cần thiết, đó là: tiện ích cảnh báo dữ liệu trùng lặp, tiện ích hỗ trợ biên mục theo z39.50, tiện ích “chỉ chỗ” cho việc nếu cùng 1 tư liệu được lưu trữ ở nhiều thư viện khác nhau trong hệ thống, sẽ có nhiệm vụ trỏ để tất cả các nguồn. Với mô hình này, nhân lực khi bổ sung các nguồn tư liệu dạng in sẽ dễ dàng để kiểm tra về số lượng, về vị trí của tài liệu, ngoài việc dựa trên nhu cầu đăng ký của người dùng trong hệ thống để quyết định có đưa vào danh sách bổ sung hay không.
Thứ 2: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tư liệu điện tử (tư liệu số) theo mô hình trung tâm tư liệu số (digital information hub). Tương tự với hệ thống cơ sở dữ liệu thư mục liên hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tư liệu số theo mô hình: toàn bộ hạ tầng phần cứng, phần mềm cũng được đặt tại một đơn vị trung tâm. Các đơn vị còn lại sẽ được tạo lập và cấp các “không gian” của riêng mình để triển khai hoạt động nghiệp vụ. Từ đó, hình thành các kho dữ liệu số (digital repository) của các đơn vị và liên kết trên cùng một hệ thống. Mọi hoạt động bổ sung, cập nhật nguồn lực thông tin của các đơn vị được tiến hành độc lập như thường lệ, song sẽ được liên kết trên hệ thống và sẽ được kiểm soát để tăng cường về số lượng (do tính liên kết) và nâng cao chất lượng (tránh trùng lặp), giảm bớt công sức của đội ngũ (do làm trùng lặp), đồng thời đẩy mạnh những giải pháp về các tiêu chí đánh giá mức độ sử dụng các tư liệu - đánh giá bằng các tiêu chí định lượng (dựa trên công cụ trắc lượng thư mục - bibliometre).


Ngoài ra, cần chú trọng đến tiện ích tích hợp hỗ trợ phương thức sưu tầm các nguồn tư liệu số (các nhà khoa học tự cập nhật các sản phẩm khoa học trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu của mình, cũng như đóng góp các tư liệu nghiên cứu có giá trị lên hệ thống và được phân quyền để đảm bảo tính chất cho phép/ không cho phép được xem ở chế độ công cộng) sẽ là một trong những giải pháp rất ý nghĩa và hiệu quả khi có thể hiện đại hóa phương thức này bằng việc xây dựng các “không gian” để mọi thành viên cấu thành trong hệ thống có thể “tự chủ” trong việc đóng góp các nguồn tư liệu khi họ có mong muốn cống hiến, hoặc chia sẻ những nguồn tư liệu từ mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, thiết nghĩ hệ thống cần cung cấp một “không gian mở” để mọi thành viên khi có tư liệu mới sẽ chủ động để đóng góp tư liệu lên hệ thống bằng phương tiện của công nghệ thông tin và truyền thông.


Để thuận lợi trong quá trình liên kết hệ thống không chỉ dành cho việc phối hợp trong bổ sung nguồn lực nêu trên, mà còn tạo thuận lợi cho việc xây dựng một “cổng thông tin” duy nhất tương tác với người dùng tin. Việc tích hợp 02 thành phần trong một giao diện duy nhất bằng giải pháp tích hợp sẽ xây dựng được một hệ thống thông tin tích hợp toàn diện, có những tính năng tự động hóa trong việc hỗ trợ tối ưu về liên kết, phối hợp không chỉ trong lĩnh vực bổ sung nguồn lực thông tin, tư liệu. Mà còn hướng tới toàn bộ các bộ phận cấu thành trong hệ thống, nhất là người dùng tin theo xu hướng tự động hóa “thông minh” mà chúng ta đã và đang bàn luận trong giai đoạn phát triển hiện nay.

 

3. Kết luận
Xây dựng hệ thống tích hợp các phần mềm theo mô hình trung tâm và các đơn vị thành viên đa lớp, đa nhiệm, liên thông liên kết theo thời gian thực, có phạm vi địa lý phân tán là một trong những yêu cầu có ý nghĩa thực tiễn thiết thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đối với các cơ quan, đơn vị có lượng thông tin, tri thức được sản sinh với khối lượng lớn, hình thức thông tin đa dạng (âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ,...) và quản lý các nguồn tư liệu nghiên cứu có nhiều đặc trưng về tính bảo mật, tính phổ biến, tính an toàn thông tin,... thì việc lựa chọn và xây dựng hệ thống các phần mềm thông tin tư liệu hiện đại, trước hết là hiện đại hóa trong liên kết, phối hợp xây dựng nguồn tư liệu là nội dung cấp bách, có ý nghĩa lớn và có giá trị cho sự phát triển bền vững, góp phần vào hệ sinh thái thông tin của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nếu lựa chọn giải pháp phù hợp sẽ là những trụ cột, tiền đề vững chắc cho việc chuyển đổi số đang được rút ngắn từ nhận thức của đại bộ phận cho đến hành động của các ngành, các cấp, các lĩnh vực cũng như mọi thành viên trong xã hội - điều này cũng đã thể hiện rất rõ trong bối cảnh cả dân tộc đang chung tay quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19; đây cũng sẽ là những nền móng vững chắc trong việc thiết lập hệ thống thông tin quốc gia trong tương lai gần.


TS Phạm Quang Quyền

Giám đốc Trung tâm Thư viện – Tư liệu,

Đại học Nội vụ, Bộ Nội vụ


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết