Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nghiên cứu khảo sát thực tế phục vụ nhiệm vụ tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương thời gian qua

Ngày phát hành: 27/07/2020 Lượt xem 3329

 

Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lý luận chính trị trong việc xây dựng đường lối, nghị quyết và tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đồng cần phải thường xuyên nghiên cứu, khảo sát thực tiễn. Tổng hợp thực trạng công tác nghiên cứu khảo sát thực tiễn trong nước từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, rút ra những kinh nghiệm bước đầu về hoạt động này đặng góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Hội đồng.

 

 I. Thực trạng công tác nghiên cứu khảo sát thực tiễn trong nhiệm kỳ 2016-2021

1. Về nội dung

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành nhiều báo cáo tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, như: Báo cáo tư vấn về triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Báo cáo tư vấn về xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, phục vụ; Báo cáo tư vấn về cách mạng công nghiệp 4.0; Báo cáo tư vấn về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo tư vấn về tiếp đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Báo cáo tư vấn về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Báo cáo tư vấn về xây dựng thể chế phát triển; Báo cáo tư vấn về tổ chức bộ máy tổng thể hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới; Báo cáo tư vấn về những vấn đề trọng tâm trong xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng…

 

 

Căn cứ vào yêu cầu khi xây dựng báo cáo tư vấn, Hội đồng đã có các đợt nghiên cứu khảo sát thực tế của Hội đồng và của các tiểu ban (trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng Lý luận Trung ương có chủ trương đẩy mạnh hoạt động của các tiểu ban). Nội dung khảo sát gắn với yêu cầu của các báo cáo tư vấn (được xác định theo yêu cầu công tác), nên Hội đồng cơ bản đã kế hoạch hóa được các, chương trình khảo sát, chủ động xác định nội dung, căn cứ vào đặc điểm, những điểm mạnh, yếu, kinh nghiệm… của địa phương, cơ sở nơi đến khảo sát. Hội đồng cũng đã chủ động phân công cho các tiểu ban sớm xây dựng chương trình, kế hoạch về thời gian cho các cuộc nghiên cứu khảo sát. Các tiểu ban của Hội đồng cũng chủ động xác định địa điểm khảo sát, trên cơ sở phát huy vai trò và mối quan hệ với các địa phương, ban, ngành. Trong lựa chọn địa phương đến khảo sát, Hội đồng còn dựa trên các thỏa thuận hợp tác đã ký với các ban, ngành, địa phương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…) để phối hợp thực hiện.

2. Về phương pháp khảo sát

Căn cứ nội dung và yêu cầu khảo sát, Hội đồng chủ động xây dựng các đoàn khảo sát, chú trọng bố trí các cán bộ chuyên môn, có khả năng quan sát, phát hiện vấn đề, tổng hợp ý kiến tham gia Đoàn.

Nội dung, yêu cầu nghiên cứu khảo sát đã được gửi trước đến địa phương, cơ sở nơi đến khảo sát. Nhờ đó, các địa phương, ban, ngành, cơ sở đã có sự chuẩn bị báo cáo làm việc với Đoàn. Khi nhận được yêu cầu nghiên cứu khảo sát, các tỉnh ủy, đảng ủy cơ quan đều sao gửi, nêu thêm yêu cầu chuẩn bị đón đoàn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc. Nhờ vậy, đa số các đợt khảo sát của Hội đồng đều chủ động thực hiện theo kế hoạch, có được các báo cáo chuyên đề của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong khoảng thời gian hạn chế, do nhiều đại biểu dự họp không thể trình bày đầy đủ báo cáo hoặc không trình bày báo cáo của mình tại buổi làm việc, Đoàn đã đề nghị địa phương, cơ sở cho xin các văn bản đã chuẩn bị. Đó là các tài liệu với nhiều tư liệu rất có giá trị đối với việc nghiên cứu thực tế. Ngoài ra, trước khi đi thực tế, Trưởng Đoàn đã yêu cầu tất cả các đoàn viên trong Đoàn cần tìm hiểu thêm các thông tin chung về nơi đến khảo sát. Những thông tin cơ bản về các địa phương trên mạng có rất nhiều, đã giúp ích cho việc tìm hiểu thực tế của địa phương.

Trong các đợt khảo sát ở một tỉnh, thành phố, thông thường Đoàn khảo sát đến làm việc ở 3 cấp: cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh. Căn cứ vào kế hoạch khảo sát, các đoàn xác định tương đối cụ thể nội dung nghiên cứu khảo sát ở từng cấp, thông qua yêu cầu gửi trước, gợi ý của Trưởng Đoàn và các câu hỏi trong tọa đàm của các thành viên trong Đoàn. Nội dung khảo sát ở cấp cơ sở là việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách quy định từ cấp trên, những việc làm sáng tạo của địa phương để phát huy tiềm lực trong nhân dân, cũng như các vấn đề đặt ra trong thực hiện. Đối với cấp huyện là việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn; sự chỉ đạo điểm và triển khai rộng rãi, toàn diện trên các xã, phường…. Đối với cấp tỉnh là sự cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn, đánh giá các điển hình thực hiện, kiến nghị với Trung ương…Việc xác định trọng tâm nghiên cứu khảo sát đối với từng cấp có tác dụng tích cực không chỉ tạo điều kiện để các địa phương dễ trình bày các vấn đề đang làm, mà còn giúp Đoàn nắm được nhiều nhất có thể những quá trình, công việc, vấn đề đặt ra ở các địa phương.

 

 

Phương pháp, phương thức khảo sát thực tế ở địa phương, cơ sở tập trung vào các hoạt động chính như sau:

Tham quan trực tiếp: lãnh đạo và các thành viên trong Đoàn quan sát trực tiếp, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên ở địa phương nơi đến tham quan

Tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo và đại diện một số đầu ngành, đoàn thể ở cơ sở (sau khi tham quan thực tế). Ở cấp huyện là tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể (thông thường không có tham quan, trao đổi). Ở cấp tỉnh là tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo tỉnh và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Trong buổi tọa đàm, trao đổi này, đa số bí thư tỉnh ủy chủ trì và phát biểu kết luận về các vấn đề của tỉnh được nêu ra, trước khi kết thúc buổi làm việc. Ý kiến phát biểu của Bí thư là báo cáo chính thức về kết quả thực hiện của tỉnh, thành phố.

Phương pháp chung nghiên cứu khảo sát tại các bộ, ban, ngành Trung ương là tổ chức hội nghị trao đổi giữa Đoàn nghiên cứu khảo sát và lãnh đạo bộ, ban, ngành. Thông thường các bộ, ban, ngành có báo cáo chung, báo cáo bổ sung, các câu hỏi của Đoàn và trao đổi thảo luận giữa Đoàn và các thành viên dự hội nghị.

Phương pháp kết hợp quan sát và trao đổi, tọa đàm giúp nắm bắt vấn đề thực tiễn thực chất hơn, tránh phụ thuộc một chiều vào các báo cáo chủ quan của địa phương. Trong tọa đàm trao đổi, phương pháp kết hợp giữa nghe báo cáo, nêu vấn đề trao đổi, gợi mở, thảo luận đã giúp cho các buổi làm việc với ngành, địa phương sôi nổi, thực chất hơn, giảm bớt được các buổi làm việc chỉ nghe báo cáo thành tích, đọc báo cáo tổng kết… Việc đề xuất trước các nội dung nghiên cứu, thảo luận; việc tập trung ý kiến (câu hỏi, nêu vấn đề) với các địa phương, ngành trong thảo luận giúp nội dung trao đổi tập trung hơn, đi vào thực chất vấn đề hơn, không đi quá sâu vào các chi tiết, số liệu…

Phương pháp nghiên cứu khảo sát qua tọa đàm chuyên gia rất có giá trị, nhất là về quan điểm, nhận thức và thông tin mới. Tại các buổi trao đổi này, các chuyên gia được phát biểu, trình bày thẳng thắn quan điểm, nhận thức của mình về các vấn đề được nêu ra trong phạm vi của chủ đề trao đổi và phát huy thế mạnh của các chuyên gia. Sau khi chuyên gia phát biểu, có một số ý kiến trao đổi, thảo luận và không có kết luận cuối cùng đã góp phần để các chuyên gia mạnh dạn trình bày quan điểm của mình. Việc lựa chọn chuyên gia cũng có ý nghĩa rất lớn đến kết quả trao đổi. Đối với các chuyên gia trong nước, đó là các cán bộ nguyên lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu có những chuyên đề chuyên sâu, các cán bộ chỉ đạo thực tiễn… Phương pháp chung là lựa chọn đúng, tôn trọng, lắng nghe một cách nhiệt tình, chân thành thực sự, tránh tạo mâu thuẫn giữa các chuyên gia trong một buổi tọa đàm… Đối với các chuyên gia nước ngoài (Đại sứ Mỹ; Đại sứ Mê-hi-cô; Phó thủ tướng Ixrael…), thời gian chủ yếu dành cho báo cáo viên trình bày. Việc hỏi thêm để làm rõ một số vấn đề được tập hợp qua người chủ trì, thông thường là một đồng chí thường trực Hội đồng.

Phương pháp kết hợp nghe báo cáo, thảo luận và xin tài liệu báo cáo của địa phương giúp giảm thời gian đi nghiên cứu thực tế. Đối với Đoàn và các cán bộ nghiên cứu trong Đoàn có thêm một số số liệu thống kê… để nghiên cứu thêm về các vấn đề còn chưa thực rõ trong thảo luận (có thể tiếp tục nghiên cứu qua các tài liệu…).

3. Về hình thức

Khảo sát tập trung theo đợt, gồm một số tỉnh và thành phố (thông thường là 2 hoặc 3 tỉnh gần nhau). Trong một số đợt khảo sát có cụ thể hóa thêm yêu cầu đối với từng tỉnh, ngoài nội dung khảo sát chung, có nhấn mạnh đến đặc điểm, thế mạnh, điểm nổi trội trong tổ chức thực hiện đường lối của Đảng ở địa phương.

 

 

Nội dung yêu cầu khảo sát được gửi trước cho địa phương dưới hình thức câu hỏi hoặc đề cương khảo sát, số lượng người tham gia. Trên cơ sở đó, ngành, địa phương, cơ sở bố trí cơ quan, tổ chức và cá nhân tiếp đón, tham gia.

Khảo sát dưới hình thức tọa đàm khoa học, thực tiễn tại địa phương cơ sở. Theo hình thức này, Hội đồng lựa chọn trước các đối tượng (qua nắm bắt và qua gợi ý của địa phương, cơ sở, như ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…), đặt hàng chuẩn bị bài trao đổi theo các nội dung. Sau tọa đàm, ngoài các ý kiến trao đổi tại hội nghị, Hội đồng có thêm nhiều báo cáo dưới dạng chuyên đề, trong đó có nhiều báo cáo thực tiễn có giá trị.

 Khảo sát chuyên đề phục vụ cho việc nghiên cứu lý luận của các tiểu ban, bao gồm các khảo sát của Hội đồng, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04; các đề tài của Chương trình….

 Khảo sát thông qua các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ngành, địa phương, cơ sở. Hình thức này có thể kết hợp với trao đổi, tọa đàm và các hội nghị trao đổi trực tiếp.

Để có sự thống nhất chung, về hình thức, Hội đồng Lý luận Trung ương đã ban hành quy trình chung cho các hoạt động nghiên cứu khảo sát, làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung chương trình, hình thức tiến hành các đợt khảo sát. Việc xây dựng quy trình này dựa trên nội dung, yêu cầu đề ra cho các hoạt động nghiên cứu khảo sát gắn với đặc trưng hoạt động của Hội đồng, góp phần tạo nên sự thống nhất chung.

- Trong vận dụng quy trình chung tổ chức các đợt nghiên cứu khảo sát, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu chung đã có sự sáng tạo cho phù hợp với nội dung và điều kiện cụ thể của từng tiểu ban và từng địa phương nơi Đoàn đến. Việc thực hiện hình thức nghiên cứu khảo sát ở cơ sở có sự khác nhau đối với các tiểu ban, khi đến một địa phương hay một bộ ngành, đoàn thể, cấp ủy, quân khu, quân chủng... Việc nghiên cứu khảo sát về xây dựng đội ngũ cán bộ ở các địa phương có sự khác biệt so với nghiên cứu khảo sát ở Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Quốc hội… Vì vậy, trên cơ sở quy chế chung, mỗi Đoàn khảo sát đã có sự chuẩn bị về câu hỏi, nội dung, hình thức khảo sát, phân công chuẩn bị chi tiết, chu đáo để hoạt động khảo sát đạt hiệu quả cao hơn.

Việc duy trì hình thức hội ý Đoàn trước và sau mỗi buổi làm việc với các ngành, địa phương giúp cho việc chuẩn bị và tiến hành trao đổi thảo luận nghiên cứu khảo sát có kết quả tốt hơn. Trong những buổi tọa đàm với các đối tượng có tính đặc thù (như Đại sứ Hoa kỳ tại Hà Nội; Phó thủ tướng Ixrael…) việc quán triệt kỹ các hình thức tiến hành trao đổi đã giúp tập trung vào các vấn đề trọng tâm cần tìm hiểu cũng như việc sử dụng các thông tin do các chuyên gia cung cấp.

II. Kết quả đạt được, kinh nghiệm bước đầu và vấn đề đặt ra

1.Kết quả đạt được

- Cần khẳng định, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế phục vụ cho việc xây dựng báo cáo tư vấn nói riêng và cho các hoạt động chuyên môn khác của Hội đồng Lý luận Trung ương theo chức năng nói chung đã bám sát yêu cầu và có nhiều đổi mới, tăng cường, mang lại những hiệu quả thiết thực. Nội dung các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tiễn đã tập trung phục vụ cho việc chuẩn bị các nghị quyết chuyên đề, các báo cáo tư vấn về những vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật.

- Hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế phục vụ cho các nội dung hoạt động của Hội đồng lý luận Trung ương đã được tiến hành thường xuyên trong nhiều năm. Dựa trên các kinh nghiệm đã tích lũy được, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng đã quy chế hóa, quy trình hóa hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế tại các ngành, địa phương, giúp cho Hội đồng và các tiểu ban xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khảo sát đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn hiện nay.

- Chương trình, kế hoạch xây dựng các báo cáo tư vấn của Hội đồng cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành sớm, theo chương trình công tác toàn khóa của Hội đồng, giúp cho Lãnh đạo Hội đồng và các tiểu ban chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát thực tế. Hội đồng và các tiểu ban đã dành thời gian để thảo luận, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát; kết nối, liên hệ với địa phương, ngành, trao đổi kỹ về nội dung, phương thức, thời gian nghiên cứu khảo sát, tăng thêm tính chủ động cả phía Hội đồng và các ngành, địa phương, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khảo sát.

- Những đổi mới trong lựa chọn ngành, địa phương đến nghiên cứu khảo sát đã góp phần nâng cao hơn hiệu quả các đợt nghiên cứu khỏa sát thực tế. Lãnh đạo Hội đồng đã phát huy những mối quan hệ gắn bó giữa Hội đồng và địa phương, lựa chọn được các địa phương, ngành nhiệt tình, nhiều năm gắn bó với Hội đồng và thiết tha tham gia việc nghiên cứu, phát triển lý luận, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng để đến nghiên cứu khảo sát. Vì vậy, đa số các địa phương, ngành mà Hội đồng đến nghiên cứu khảo sát đều nhiệt tình, chu đáo, đặc biệt là việc đảm bảo nội dung nghiên cứu của Hội đồng. Một số nơi còn có những gợi ý quý báu, giúp Hội đồng bổ sung thêm nội dung, địa điểm nghiên cứu, qua đó làm phong phú thêm kết quả nghiên cứu khảo sát của Hội đồng.

- Trong những năm gần đây, nhiều ngành, địa phương đã có sự năng động, sáng tạo vận dụng lý luận của đổi mới vào thực tiễn phong phú của mình, mang lại những kết quả thiêt thực, yêu cầu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận… Trong điều kiện đó, những sáng tạo của các ngành, địa phương rất đa dạng và phong phú, giúp việc nghiên cứu khảo sát thực tiễn của Hội đồng có những kết quả thiết thực hơn, góp phần nâng cao chất lượng của các báo cáo tư vấn. Những kết quả nghiên cứu ở Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Tháp, Thái Bình, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương… đã chứng minh điều đó.

- Đã phát huy được vai trò của Trưởng Đoàn và các thành viên trong Đoàn. Trưởng Đoàn nghiên cứu khảo sát có vai trò rấy lớn, quyết định đến kết quả nghiên cứu, không chỉ từ sự xác định nội dung, điều hành quy trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn, mà còn có tác động trực tiếp đến ngành, địa phương khi đến nghiên cứu khảo sát. Đó là các yếu tố đảm bảo về uy tín của Đoàn, sự tin cậy của ngành, địa phương trong trao đổi, thảo luận. Dưới sự lãnh đạo, điều hành khoa học của Trưởng Đoàn, các hoạt động trao đổi trực tiếp và sau khảo sát, rút ra những vấn đề thực tiễn, lý luận được nâng cao hơn. Đối với các thành viên trong Đoàn, việc cử các thành viên tham gia có chuyên ngành phù hợp, kinh nghiệm công tác đã góp phần nâng cao kết quả nghiên cứu khảo sát. Đa số các thành viên đã tham gia tích cực từ khâu chuẩn bị nội dung, nêu câu hỏi khi tọa đàm, trao đổi cá nhân với các đối tượng lựa chọn về các vấn đề quan tâm trong khi giải lao; trao đổi, thảo luận về nội dung báo cáo; thực hiện tốt nhiệm vụ khi được phân công viết báo cáo lần đầu… Tất cả sự tham gia đó góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu khảo sát.

- Khâu hậu cần, chuẩn bị cho các đợt nghiên cứu khảo sát đã được đổi mới, góp phần vào kết quả khảo sát. Bộ phận Văn phòng, thư ký các chương trình, đề tài đã tham gia ngay từ đầu khâu chuẩn bị về công văn, giấy tờ, vé máy bay, xe cộ, liên hệ với các ngành, địa phương nơi đến nghiên cứu khảo sát; khai thác các tài liệu của ngành, địa phương phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu kịp thời, giúp cho việc hoàn thành báo cáo tư vấn đúng thời gian.

2. Kinh nghiệm bước đầu và vấn đề đặt ra

Một là, xử lý tốt mối quan hệ giữa yêu cầu của báo cáo tư vấn và nội dung khảo sát.

Nội dung báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung vào những vấn đề lý luận, nhưng thực tiễn lại rất phong phú, đa dạng. Vấn đề đặt ra là trong nghiên cứu khảo sát thực tiễn phải chú ý khâu tổng kết, khái quát, tìm ra được những xu hướng vận động, điển hình, phản ánh tính quy luật chứa đựng trong thực tiễn rất đa dạng, phong phú của đời sống hiện thực. Căn cứ yêu cầu về nội dung của từng báo cáo tư vấn, Hội đồng cần xác định những nội dung lý luận cần nghiên cứu khảo sát, từ đó, định hướng địa điểm nghiên cứu khảo sát cho phù hợp. Về nguyên tắc, thực tiễn ở đâu cũng thể hiện ít nhiều các nội dung lý luận, đường lối đang diễn ra. Tuy nhiên, trong khi thời gian nghiên cứu khảo sát hạn chế, không thể kéo dài, việc lựa chọn những địa phương, ngành có thực tiễn diễn ra sôi động, có tính điển hình sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khảo sát.

Phương pháp xác định nội dung địa điểm nghiên cứu khảo sát dựa trên kinh nghiệm, sự gắn bó với hoạt động thực tiễn của các ngành, địa phương của Thường trực Hội đồng, lãnh đạo các tiểu ban. Mặt khác, nên phát huy dân chủ trong tiểu ban và Hội đồng, tổ chức trao đổi, thảo luận ngay trong quá trình xác định nội dung, chọn địa điểm nghiên cứu khảo sát, để việc xác  định nội dung và địa điểm nghiên cứu khảo sát phù hợp nhất có thể.

  Hai là, kết hợp hợp lý việc nghiên cứu khảo sát thực tiễn phục vụ xây dựng báo cáo tư vấn theo chương trình đã định với các nội dung nghiên cứu lý luận cơ bản, các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất cần giải quyết và nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của Hội đồng.

Không thể đặt ra nhiều mục tiêu trong một lần nghiên cứu khảo sát thực tiễn. Tuy nhiên, để tổ chức được một cuộc nghiên cứu khảo sát thực tiễn, nhất là đến các địa phương xa, không phải dễ dàng, muốn là làm ngay được, nên cần có sự kết hợp một số mục tiêu gần nhau trong một lần nghiên cứu khảo sát. Dĩ nhiên mục tiêu trọng tâm hàng đầu là phục vụ cho xây dựng báo cáo tư vấn. Đồng thời có sự kết hợp tìm hiểu thực tiễn phục vụ cho các chương trình nghiên cứu của Hội đồng. Trong một số đợt nghiên cứu khảo sát của Hội đồng gần đây thường giao cho cho một tiểu ban thực hiện, nhưng có sự tham gia của đại diện của các tiểu ban khác, đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của các ủy viên và thư ký khoa học của Hội đồng. Thực hiện được việc này sẽ tạo được hiệu quả "kép" của các đợt nghiên cứu khảo sát thực tế của Hội đồng.

Ba là, quy trình hóa các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Việc xây dựng và ban hành được quy trình thực hiện nghiên cứu khảo sát thực tế của Hội đồng Lý luận Trung ương là một cố gắng lớn trong việc kế hoạch hóa, quy trình hóa các hoạt động của Hội đồng. Thực tế các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế vừa qua của Hội đồng đã chứng tỏ tác dụng rất tích cực của các quy trình đã được ban hành, góp phần tạo nên sự thống nhất trong tổ chức thực hiện, cũng như tạo uy tín và sự tin cậy của các địa phương. Tuy nhiên, do đặc điểm của các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tiễn của Hội đồng Lý luận Trung ương, chỉ có quy trình chung là chưa đủ, mà cần có các quy trình chi tiết, cụ thể, phù hợp với tất cả các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế. Thực tế, các hoạt động nghiên cứu khảo sát ở các ban, ngành, tọa đàm khoa học với các chuyên gia… rất đa dạng và phong phú. Cần tiếp tục bổ sung thêm quy trình nghiên cứu khảo sát thực tế ở các ban, ngành, cơ quan trung ương, các đoàn nghiên cứu khảo ở nước ngoài, quy trình tổ chức tọa đàm khoa học với các chuyên gia…; đồng thời yêu cầu và khuyến  khích các Đoàn nghiên cứu, khảo sát trên cơ sở các nguyên tắc, quy định chung, cụ thể hóa thêm, phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể. Phát huy hơn nữa vai trò của các Trưởng Đoàn và các thành viên của Đoàn. Chú trọng việc phổ biến các kết quả nghiên cứu để mở rộng tác dụng, ảnh hưởng của các đợt nghiên cứu khảo sát.

Bốn là, coi trọng vai trò của các ngành, địa phương, cơ sở - nơi đến nghiên cứu khảo sát trong hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế của Hội đồng.

Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương là sự tương tác giữa Đoàn nghiên cứu, khảo sát và  các địa phương theo một nội dung nhất định, được định trước. Do vậy, kết quả của hoạt động nghiên cứu khảo sát phụ thuộc vào vai trò chủ động tham gia của Đoàn nghiên cứu khảo sát và của địa phương. Như đã phân tích ở trên, vì các lý do chủ quan và khách quan, sự tham gia của địa phương vào hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế của Đoàn có các mức độ khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào thái độ của người đứng đầu của ngành, địa phương. Để phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của địa phương cần cân nhắc khi lựa chọn nơi đến, bao gồm nơi có vấn đề, đang cần nghiên cứu, giải quyết; nơi có sự năng động, tích cực của người đứng đầu trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; nơi có điều kiện vật chất và thời gian hiện thực để tham gia. Về phía chủ quan, cần cân nhắc, thăm dò trước và sớm gửi yêu cầu nghiên cứu khảo sát cho địa phương, chú ý đến những vấn đề họ đang quan tâm, sẵn sàng trao đổi, thảo luận. Trong quá trình nghiên cứu khảo sát, cần tạo cho được không khí trao đổi, thỏa luận, qua đó Đoàn có thêm nhiều thông tin cho việc nghiên cứu. Đối với việc nghiên cứu khảo sát qua tọa đàm khoa học cũng cần nêu rõ yêu cầu đối với các chuyên gia để tập trung trao đổi về những vấn đề cả hai phía đều quan tâm.

Năm là, về sử dụng kết quả nghiên cứu, không chỉ phục vụ cho việc xây dựng báo cáo tư vấn mà còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương và hoạt động phổ biến lý luận.

Nội dung nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương trước hết là để phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội đồng. Tuy nhiên, Hội đồng còn tham gia vào các hoạt động tổng kết lý luận, các chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Hội đồng và của các cơ quan khác. Hoạt động của Hội đồng thông qua các ủy viên Hội đồng và đặc biệt là bộ phận thường trực, các thư ký khoa học. Chủ trương đẩy mạnh hoạt động của các Tiểu ban, coi đó là trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã thể hiện sự đúng đắn, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Tuy nhiên, khi các tiểu ban chuyên sâu vào lĩnh vực chuyên môn, kể cả trong nghiên cứu khảo sát thực tiễn, nên các ủy viên, thư ký khoa học của các tiểu ban không có đủ tư liệu, thông tin về hoạt động và kết quả nghiên cứu của các tiểu ban khác. Các báo cáo tư vấn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư là sản phẩm của Hội đồng, dù giao cho một tiểu ban chuẩn bị, nhưng chắc chắn không thể là sản phẩm riêng của tiểu ban. Để phát huy vai trò của các tiểu ban, bên cạnh chuyên môn hóa, cần cung cấp tư liệu, thông tin, kết quả nghiên cứu khảo sát của các tiểu ban trong Hội đồng. Nếu có thể được, thành viên tham gia đoàn khảo sát, nên có một ủy viên của tiểu ban khác.

Để nâng cao chất lượng, kinh nghiệm nghiên cứu khảo sát và sự tham gia của các thành viên trong Đoàn nghiên cứu khảo sát thực tế, cần đưa vào quy trình yêu cầu viết thu hoạch dưới dạng chuyên đề cho tất cả các thành viên tham gia đoàn khảo sát, ít nhất là các ủy viên và thư ký khoa học. Cần tổ chức các buổi thảo luận về nội dung dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khảo  sát thực tế do thư ký Đoàn xây dựng, qua đó nâng cao thêm chất lượng báo cáo và góp phần bồi dưỡng nhận thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cho các thành viên trong Đoàn.  

 

                                                                   PGS.TS Ngô Văn Thạo

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết