Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tọa đàm khoa học "Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025"

Ngày phát hành: 19/07/2020 Lượt xem 3135

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng về việc chuẩn bị Chương trình nghiên cứu khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, sáng 17-7-2020, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học "Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025" nhằm xin ý kiến ba cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương về một số nội dung của Chương trình nghiên cứu. GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì buổi làm việc.

 

 

Với mục tiêu đặt ra cho Chương trình nghiên cứu khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 là: Góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; bổ sung các cơ sở lý luận-thực tiễn nhằm góp phần phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận nhằm cung cấp cơ sở khoa học, thực tế cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong giai đoạn mới, nhất là xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

 

 

Phát biểu khai mạc, định hướng hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu rõ mục đích, yêu cầu tọa đàm và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu vào năm loại vấn đề: (1) Những vấn đề chung về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội, quá độ lên chủ nghĩa xã hội và mô hình CNXH ở Việt Nam, về giải quyết 10 mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; (2) Những vấn đề về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển các thành phần kinh tế, tư duy đột phá về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phát triển bền vững trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế vùng, địa phương..; (3) Những vấn đề biến động lớn về chính trị, kinh tế, an ninh của thế giới, khu vực; cục diện, quan hệ của các nước lớn, các nước láng giềng tác động đến Việt Nam; những vấn đề về quốc phòng, an ninh và an ninh phi truyền thống; (4) Những vấn đề về phát triển văn hóa-xã hội-con người, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và môi trường; tôn giáo; dân tộc; xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới; (5) Những vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về tổ chức và cơ chế vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; vấn đề dân chủ và kiểm soát quyền lực, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng, trong xã hội, v.v..

Tại tọa đàm, từ góc độ công tác của mình, các nhà khoa học, quản lý đã bước đầu đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực về một số nội dung tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong Chương trình nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, trước đó, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức khảo sát, xin ý kiến một số bộ, ngành Trung ương, địa phương, học viện, viện nghiên cứu, Đại học quốc gia./.

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết