Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Kiến nghị của đề tài " Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở VN hiện nay: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách"

Ngày phát hành: 22/06/2020 Lượt xem 3660

Đề tài " Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở VN hiện nay: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách", Mã số: KX.04.17/16-20 do  GS,TS Ngô Thắng Lợi làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của Đề tài:

 

 

1. Để có được những định hướng đúng đắn về gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cần phải nhìn nhận được một cách hệ thống những vấn đề bất cập nổi cộm hiện nay.

     Thứ nhất: đối với tăng trưởng kinh tế với vị trí là điều kiện cần để giải quyết mối quan hệ: Tăng trưởng không cao và chậm dần, chất lượng tăng trưởng thấp là một vấn đề khá nan giải nhưng rất cần phải giải quyết trong thời gian tới ở Việt Nam vì nó chính là một rào cản lớn khi Việt Nam đang hướng tới thực hiện mô hình phát triển vì con người. Nếu không giải quyết bài toán tăng trưởng nhanh và hiệu quả hơn, sẽ không thể có các tiền đề, điều kiện vật chất cũng như nguồn lưc tài chính đủ mạnh để tạo ra những bước đột phá trong phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ xã hội cho con người.

     Thứ hai, về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá: (i) Trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhiều hệ giá trị văn hoá phù hợp với bối cảnh mới như hệ tư tưởng tư do hoá kinh tế và cạnh tranh quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường chưa được cải thiện tích cực, tư tưởng tham nhũng, cửa quyền, tư duy lợi ích nhóm, cục bộ vẫn còn khá phổ biến; (ii) Các yếu tố sức mạnh mềm văn hoá chưa được khai thác, phát huy tích cực để trở thành tài sản vật chất và phi vật chất nhằm tạo ra động lực vừa tăng trưởng nhanh, hiệu quả, vừa bảo tồn và phát triển được văn hoá, niềm tin của người dân đối với cộng đồng chưa được cải thiện, thậm chí có xu hướng giảm đi; (iii) Hoàn thiện hệ thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa chưa tương xứng với thành quả tăng trưởng kinh tế.  

     Thứ ba, về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội: (i) Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội đang có mối quan hệ đồng thuận nhưng mức độ đồng thuận không cao và hiệu ứng đồng thuận có xu hướng giảm đáng kể (hiện tại đang đạt cấp độ 2); (ii)  Các vùng có thu nhập thấp, tính đồng thuận trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội kém hơn, thậm chí còn có biểu hiện ngược chiều; (iii) Tăng trưởng kinh tế chưa có tác động đồng thuận đến cải thiện các nhu cầu phi vật chất, nên đã hạn chế đến hiệu ứng tổng hợp phát triển con người; (iv)Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong phân phân phối thu nhập tồn tại mối quan hệ không đồng thuận với mức độ ngày càng cao. Các vùng tăng trưởng chậm, mối quan hệ không đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội có biểu hiện gay gắt hơn.  

2. Cần hoàn thiện chính sách phát triển và kết nối các vùng động lực với vùng chậm phát triển nhằm thực hiện mô hình phát triển bao trùm theo góc độ không gian.       

       Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát huy lợi thế các vùng động lực nhằm thực hiện tăng trưởng nhanh và thực hiện hiệu ứng lan tỏa tích cực.Theo đó, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện các chính sách: (i) Hỗ trợ việc chuyển các lợi thế so sánh xác định được ở mỗi vùng động lực thành các lợi thế cạnh tranh; (ii) Chính sách ưu tiên thu hút đầu; (iii) Các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế nằm trong vùng động lực phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại và chất lượng cao; (v) Chính sách tái phân phối nguồn thu nhập của các vùng động lực

      Hai là, chính sách đối với các vùng chậm phát triển nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong tăng trưởng nhanh, bao gồm: (i) Tăng cường đầu tư hỗ trợ vùng nghèo, người nghèo, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng để rút ngắn tình trạng cách biệt; (ii) Thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội và đẩy mạnh xã hội hoá công tác xoá đói giảm nghèo

     Ba là, chính sách kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển tạo điều kiện trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra tăng trưởng kinh tế của các vùng chậm phát triển, bao gồm: (i) Chính sách tạo sự kết nối thuận lợi giữa vùng chậm phát triển với các vùng động lực hay các trung tâm kinh tế, đó là các chính sách liên quan đến xóa bỏ chính sách đăng ký nhân, hộ khẩu thường trúthay bằng chính sách quản lý theo căn cước công dân, đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển; (ii) Ưu tiên đào tạo nghề cho lực lượng lao động phổ thông ở các vùng chậm phát triển để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm ở các vùng động lực; (iii) Chính sách du nhập nghề mới và hình thành các chi nhánh, cơ sở sản xuất trực thuộc các công ty lớn thuộc vùng động lực ở các vùng chậm phát triển, giải pháp này còn làm giảm sức ép của sự di cư lao động từ vùng chậm phát triển lên các vùng động lực hay trung tâm kinh tế, giảm tải áp lực cho khu vực đô thị và các thành phố; (iv) Chính sách phân phối lại thu nhập trực tiếp và gián tiếp giữa vùng động lực với vùng chậm phát triển.

3. Cần hoàn thiện các chính sách bảo đảm công bằng trong cơ hội phát triển và phân phối thu nhập đối với các loại hình doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm từ góc độ doanh nghiệp

     Thứ nhất, các chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước: cần xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào nhà nước cần rút ra,  thực hiện đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp còn lại, áp dụng cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

     Thứ hai, chính sách đối với doanh nghiệp FDI để tạo sân chơi tốt cho khu vực này trong thời gian tới, và làm cho nó có tác động tích cực đến nền kinh tế và tới các loại hình doanh nghiệp khác theo yêu cầu của phát triển bao trùm, cần tập trung vào những giải pháp chính sách quan trọng, trong đó chính sách chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI được đặt ra hàng.

     Thứ ba, các chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, bao gồm: đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân,  tháo gỡ khó khăn cho DNTN, DNNVV thông qua chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật tháo gỡ khó khăn về năng lực trình độ cũng như công nghệ kỹ thuật, năng lực quản trị đối với các DNTN, DNNVV, thực hiện liên kết doanh nghiệp FDI với khu vực DNTN, DNNVV, chính sách gắn kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, và hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế, cụ thể: Phối hợp hoặc có thể yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp sở tại và liên kết với các doanh nghiệp nội địa này trong sản xuất.

4. Cần hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất nhằm bảo đảm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội

     Một là, hoàn thiện chính sách phân phối hợp lý thu nhập cho tiêu dùng - đầu tư. Nhóm nghiên cứu đề xuất công thức định hướng cân đối tích luỹ - tiêu dùng là 1/3  – 2/3. Theo đó: chúng ta cần dành 70% thu nhập tạo ra hàng năm để tiêu dùng và 30% cho tích luỹ đầu tư (các nước phát triển có thể để lại tỷ lệ chi cho tiêu dùng cao hơn); (ii) Trong phần dành cho tiêu dùng, cần phân chia rõ làm 2 khoản với tỷ lệ cân đối phù hợp đó là: phần chi tiêu của nhà nước và chi cho tiêu dùng dân cư. Phần chi tiêu của nhà nước cần có xu hướng giảm đi nhất là phần chi cho tiêu dùng của chính phủ và gia tăng tỷ trọng chi cho tiêu dùng dân cư, nhất là các khoản chi cho phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao và các sự nghiệp phúc lợi xã hội. 

      Hai là, chính sách phân phối lại tài sản (đất đai và tài chính), chủ yếu tập trung vào: Điều chỉnh, phân phối lại đất đai, tài chính theo những chính sách khôn khéo nhằm bảo đảm sự đồng đều trong sở hữu tài sản của các hộ gia đình, xoá bỏ gốc rễ của khả năng sinh ra bất bình đẳng khi áp dụng phân phối theo tài sản. Nhà nước cần thực hiện cải cách, điều chỉnh ruộng đất,  cho thuê đất với giá rẻ hơn và có thời hạn đối với những nhà sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới khởi nghiệp đăng ký kinh doanh. Cải cách tài chính, ưu tiên cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng đối với tầng lớp yếu thế, nhà nước phải có cơ chế để những người nghèo, nhất là nông dân nghèo được tiếp cận các yếu tố “đầu vào” của sản xuất (tín dụng, phân bón, hạt giống, giáo dục đào tạo...) và phương tiện tiếp thị.  

       Ba là, hoàn thiện các chính sách phân phối lại thu nhập bảo đảm công bằng xã hội trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh: (i) Chính sách thuế suất đối với thuế giá trị gia tăng: Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%, nâng mức thuế suất thuế GTGT 10% lên mức 11%, 12% theo lộ trình, thực hiện mức thuế suất luỹ tiến GTGT cao hơn đối với các hàng hoá cao cấp, xa xỉ, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Đa dạng hoá và gia tăng thuế suất đối với các thuế trực thu liên quan đến thu nhập cao và thu nhập do cơ hội phát triển thuận lợi hơn: tăng cường các loại (sắc) thuế trực thu đối với cá nhân dưa trên sự phân biệt cơ hội phát triển khác nhau của các thành viên trong xã hội, bên cạnh thuế thu nhập cá nhân, cần mở rộng và áp dụng các sắc thuế mới như: thuế tài sản, thuế của hồi môn, thuế độc thân, v.v…, cần gia tăng tính chất luỹ tiến của thuế thu nhập cá nhân dựa trên việc xác định mức thu nhập cao và rất cao, trong đó mức luỹ tiến cao hơn cần được áp dụng đối với các mức thu nhập rất cao, thực hiện các mức thuế suất cao hơn đối với các vùng có cơ hội phát triển cao hơn, xóa bỏ các “lỗ hổng thuế” và ưu đãi miễn thuế TNDN để đảm bảo sự công bằng; (iii) Tăng cường chính sách phân phối lại gián tiếp thông qua các chính sách xã hội khi tiếp cận dịch vụ công của người nghèo.

5. Cần hoàn thiện các chính sách liên quan đến tăng cường sức mạnh mềm văn hoá và lồng ghép hiệu quả mục tiêu phát triển văn hoá với tăng trưởng kinh tế

     Thứ nhất, hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát huy sức mạnh mềm văn hoá thông qua ngoại giao văn hoá và truyền thông, bao gồm: (i) Xác định các đối tác ngoại giao văn hoá cần ưu tiên; (ii) Xác định các lĩnh vực ngoại giao văn hoá thế mạnh; (iii) Xác định các phương thức thực hiện ngoại giao có hiệu quả; (iv) Tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại và ngoại giao nhân dân; (v) Tổ chức và quản lý công tác ngoại giao văn hoá và truyền thông: Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, thành lập và quản lý hoạt động của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài theo, kiến nghị và thẩm định các hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu quốc tế, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản

      Thứ hai, hoàn thiện các chính sách Phát triển công nghiệp và du lịch văn hoá: (i) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế; (ii) Tăng cường xây dựng “phần cứng” của công nghiệp văn hóa, chính là  cơ sở vật chất để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững; (iii) Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển mạnh thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong và ngoài nước, phải lấy thị trường làm trung tâm tạo dựng chủ thể cạnh tranh trong thị trường văn hóa; (v) Tăng cường chính sách đầu tư phát triển CNVH., các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng; (iv) Gắn với CNVH cải cách thể chế văn hóa và nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của văn hóa; (vii) Chính sách phát triển du lịch gắn với văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, nâng cao ý thức của người dân và ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa, có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp.

6. Cần xác định các quan điểm đúng về gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trước khi đưa ra các định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới

     Quan điểm 1: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững - phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được xem như vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển nền kinh tế ở Việt Nam.

     Quan điểm 2: Tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả là điều kiện cần (nhưng không đủ) để phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

      Quan điểm 3: Bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển và phân phối hợp lý thành quả tăng trưởng là điều kiện đủ để gắn kết tăng trưởng với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

     Quan điểm 4: Lồng ghép mục tiêu tăng trưởng và phát triển văn hoá, xã hội trong các chính sách phát triển kinh tế là con đường ngắn nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ văn hoá, xã hội.

     Quan điểm 5: Tạo điều kiện cho các khu vực của nền kinh tế và mọi thành viên trong xã hội đều có cơ hội tốt nhất để tham gia vào tạo thu nhập là phương thức tốt nhất giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

7. Cần xác định rõ ràng và phù hợp định hướng mục tiêu giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp trong giai đoạn đến 2030

Liên quan đến định hướng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong thời gian tới (đến 2030), nhóm nghiên cứu đề xuất: Việt Nam cần hướng tới thực hiện con đường phát triển toàn diện ở mức độ cao và đồng bộ, làm cho quá trình tăng trưởng nhanh và phát triển văn hoá, xã hội tốt hơn là những mục tiêu tương hợp và không mâu thuẫn nhau, trên cơ sở cần tạo ra những đột phá về tăng trưởng thu nhập và đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.  

8. Mô hình phát triển hài hoà chính là hợp lý nhất để giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh với phát triển văn hoá,  thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội giai đoạn đến 2030

Nội dung mô hình đề xuất bao gồm: mục tiêu của mô hình, phương thức (động lựa) thực hiện và các điều kiện cần có để áp dụng đươc mô tả bằng hình 1

 

 

 

Hình 1: Mô hình phát triển hài hòa theo yêu cầu gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá;

thực hiện tiên bộ và công bằng xã hội

 

9. Thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên những động lực tăng trưởng mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2030 chính là yếu tố then chốt bảo đảm điều kiện vật chất và tài chính cần thiết trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

           Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nhóm nghiên cứu kiến nghị, được xác định chuyển từ mô hình tăng trưởng “lưỡng nan” với sự kết hợp và phương thức tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên những động lực mới, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh với chất lượng, hiệu quả cao và bảo đảm lan toả tích cực những thành quả tăng trưởng đến phát triển văn hóa, xã hội và môi trường.

Nội dung của mô hình đề xuất, bao gồm: mục tiêu, phương thức thực hiện và động lực mới bảo đảm sự thành công của mô hình được thể hiện qua hình 2:

Hình 2:  Mô hình tăng trưởng Kinh tế Việt Nam đề xuất, giai đoạn 2021 – 2030

 

 Đối với 4 động lực mới  nêu ra trong mô hình tăng trưởng mới, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần nghiên cứu để có những giải pháp cụ thể, đó là (i) Giải pháp để có được một khu vực tư nhân đổi mới, năng động sáng tạo;  (ii) Giải pháp để có động lực tăng trưởng là chuỗi giá trị cung ứng – sản xuất – chế biến và tiêu thụ dựa trên trụ cột là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; (iii) Giải pháp để có lực lượng nhân lực chất lượng cao, luôn duy trì động lực sáng tạo và chấp nhận rủi ra; (iv) Giải pháp để có khoa học công nghệ cao tận dụng lơị thế của cách mạnh 4.0

10. Những điều kiện cần có để thực hiện các mô hình phát triển và mô hình tăng trưởng mới nhằm thực hiện tốt viẹc gắn kết tăng trưởng với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

     Nhóm điều kiện thứ nhất: Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ liêm chính nhằm mục tiêu hoàn thiện tư duy, năng lực và phong cách quản lý lãnh đạo phù hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường mở của hiện đại. Cụ thể: (i) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ đối với cán bộ, công chức từ trung ương tới cấp cơ sở kết hợp với tăng cường sự giám sát của báo chí, người dân và xã hội đối với cán bộ, công chức để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền; (ii) xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích đối với các cán bộ, công chức từ trung ương tới cấp cơ sở, nhận diện và công khai các tình huống xung đột lợi ích để loại bỏ hoặc giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan, tổ chức, xã hội sẽ giúp xây dựng được một chính quyền liêm chính, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (iii) Tiếp tục phát huy dân chủ trong xã hội nhằm đưa người dân, doanh nghiệp gần gũi hơn với chính quyền

     Nhóm điều kiện thứ hai: Chủ động hội nhập quốc tế và sử dụng thành quả của tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhóm điều kiện này  nhằm hướng tới việc sử dụng tốt nhất những tác động tích cực của hội nhập quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ thông qua việc chủ động nắm bắt xu thế và kịp thời xử lý trong các chính sách liên quan đến các yếu tố bên ngoài tác động vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta.

     Nhóm điều kiện này bao gồm:

     - Cần có các chính sách thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ trong gắn kết tăng trưởng với phát triển văn hóa: (i) Chính sách đầu tư phát triển công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng tăng cường học hỏi tiếp thu công nghệ và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khoa học công nghệ, mua bán chuyển giao công nghệ; (ii) Có những chính sách đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển văn hoá, du lịch; (iii) Cần tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế như tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm; (iv) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

     - Cần có các chính sách thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ trong gắn kết tăng trưởng với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bao gồm: (i) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bối cảnh quốc tế và các cam kết quốc tế; (ii) Cần tiếp tục phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực đến các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân; (iii) Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế; (iv) Cần tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực thi các cam kết quốc tế. 

 

PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.17/16-20 )

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết