Đề tài "Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" , Mã số: KX.04.19/16-20 do TS Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ nhiệm (Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của Đề tài:
1. Đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào tài liệu tham khảo phục vụ việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với các đề xuất:
1) Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và HNQT:
- Phương án 1 (phương án ưu tiên) gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền
- Phương án 2 (phương án tham khảo) gồm 5 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp
2) Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và HNQT:
- Phương án 1 (phương án ưu tiên) gồm 4 giá trị: Yêu nước, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương
- Phương án 2 (phương án tham khảo) gồm 6 giá trị: Yêu nước, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, trung thực, đoàn kết.
2. Để triển khai xây dựng các hệ giá trị nêu trên, cần thiết có một chỉ thị của Đảng Về xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và HNQT, làm căn cứ cao nhất để các Bộ, ngành và toàn thể xã hội tiến hành xây dựng các hệ giá trị trong cuộc sống.
Đồng thời với Chỉ thị của Đảng, cần sớm thông qua các bộ Luật tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam như: Luật Thư viện, Luật Mỹ thuật, Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Tài trợ, Hiến tặng,… Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các Luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh,…tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho công cuộc phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật và công tác giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức con người.
- Ban hành các bộ Luật tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hóa xã hội như: Luật Công tác xã hội, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình,… nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng giá trị “dân chủ” trong đời sống quốc gia.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Luật đã ban hành và xây dựng các Luật mới liên quan đến các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, kinh tế, pháp luật, an ninh, quản lý xã hội, đất đai, tài nguyên,… tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và con người Việt Nam phát triển toàn diện.
- Tăng đầu tư ngân sách cho phát triển văn hóa từ 1.8% lên 2.0% trong tổng chi ngân sách để tạo nguồn lực cho văn hóa phát triển. Hiện nay, đầu tư cho văn hóa là quá thấp so với đầu tư của Nhà nước cho các Bộ, ngành khác. Văn hóa chưa thực sự được đặt “ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã đặt ra.
3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, làm nền tảng để xây dựng và hoàn thiện các giá trị văn hóa, giá trị con người.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 một cách hiệu quả, chất lượng để tạo dựng môi trường văn hóa gia đình, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, các giá trị văn hóa và con người.
- Có nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, góp phần xây dựng các giá trị văn hóa và con người cao đẹp.
- Nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú, góp phần hình thành và củng cố các giá trị văn hóa và con người tốt đẹp.
- Đẩy mạnh truyền thông (Có sự phối hợp giữa các Bộ chức năng và các cơ quan thông tấn, báo chí) trong việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống, nhân cách, nêu gương người tốt, việc tốt…
4. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, đội viên, thanh thiếu niên về xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam.
- Tổ chức tốt các phong trào, sinh hoạt Đoàn, Đội có tác dụng đến việc hình thành và củng cố các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở trường học.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực thi và nhân rộng các giá trị văn hóa và con người tốt đẹp trong toàn xã hội. Có thêm nhiều chương trình, chuyên mục có hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, có tác động tốt đến việc xây dựng các giá trị văn hóa, con người như: Điều ước thứ bảy, Cặp lá yêu thương, Trái tim cho em, Việc tử tế, Trường học hạnh phúc, Thầy cô chúng ta đã thay đổi…
- Có thêm nhiều bản tin, chương trình, giải thưởng nêu gương các tập thể, cá nhân tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo sức lan tỏa trong xã hội
- Tăng cường thời lượng phát sóng các bộ phim, chương trình âm nhạc, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị nhân văn cao. Lựa chọn phát sóng các bộ phim, chương trình nghệ thuật nước ngoài phù hợp với truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Đối với các kênh ứng dụng online cần kiểm định kỹ nội dung phim, chương trình nghệ thuật của nước ngoài.
- Gia tăng các game show có tính giáo dục và tính cảnh tỉnh xã hội cao, hạn chế các game show thiên về giải trí vô bổ, thông tục.
Đề nghị các Bộ, ban, ngành, các chính quyền địa phương, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam gắn với điều kiện cụ thể, tình hình thực tiễn sao cho hiệu quả và rộng khắp trong cả nước./.
PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.19/16-20 )