Đề tài "Mô hình an sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp" Mã số: KX.04.16/16-20, do PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của Đề tài:
1. Đưa nội dung về mô hình an sinh xã hội vào Văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Cụ thể: Khẳng định chủ trương hoàn thiện mô hình an sinh xã hội theo hướng đa tầng, đa dạng linh hoạt, bao phủ, công bằng, bền vững và hiệu quả trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện mô hình an sinh hiện nay.
Tầng 1 là an sinh xã hội cơ bản, cung cấp đảm bảo an sinh tối thiểu cho người dân, chủ yếu nhắm đến những nhóm người dễ tổn thương về an sinh, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật không có thu thập, người nghèo và người không có hoặc thiếu việc làm. An sinh xã hội cơ bản bao gồm 4 bộ phận:
Thứ nhất, chăm sóc y tế toàn dân thông qua phổ cập BHYT toàn dân.
Thứ hai, an sinh xã hội cho trẻ em, đảm bảo các quyền an sinh tối thiểu như được đảm bảo đủ thực phẩm, đủ dinh dưỡng, ăn mặc và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế…
Thứ ba, an sinh xã hội cho người già, người tàn tật, người không có khả năng lao động thông qua lương hưu xã hội hoặc trợ cấp xã hội.
Thứ tư, an sinh xã hội cho người nghèo, người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Ở tầng thứ hai, an sinh xã hội dựa trên đóng góp bắt buộc hoặc tự nguyện của người lao động. Trụ cột của tầng thứ hai là hệ thống BHXH dựa trên đóng góp của người lao động và sử dụng lao động.
Tầng thứ ba là an sinh xã hội tự nguyện của các cá nhân, hộ gia đình muốn có an sinh xã hội bổ sung để được hưởng chế độ an sinh cao hơn.
Việc xác định mô hình an sinh xã hội của Việt Nam trong văn kiện đại hội Đảng sẽ là cơ sở để Đảng và Nhà nước làm rõ mô hình, điều chỉnh pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện mô hình an sinh xã hội của Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu và thách thức mới đặt ra trong đảm bảo an sinh xã hội ở nước ta.
2. Thành lập Quỹ trợ cấp hưu trí xã hội, từng bước thực hiện và mở rộng trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hàng tháng trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách
Nhà nước cần thành lập Quỹ trợ cấp hưu trí xã hội với nguồn đóng góp trước hết và chủ yếu từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội. Xây dựng lộ trình điều chỉnh giảm dần tuổi hưởng và nâng mức hưởng trợ cấp phù hợp với khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và khả năng huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Việc thành lập Quỹ hưu trí xã hội sẽ giúp quản lý việc huy động, chi trả hưu trí xã hội, từng bước mở rộng bao phủ an sinh xã hội cơ bản cho người già không có lương hưu, góp phần thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW khóa XII cũng như hiện thực hóa mô hình an sinh xã hội đa tầng, đa dạng và bền vững của Việt Nam tới năm 2030.
3. Thiết kế lại chính sách, chương trình giảm nghèo theo hướng xây dựng các dự án phát triển sinh kế, hỗ trợ có điều kiện, loại bỏ các nội dung hỗ trợ cho không, tạo sự ỷ lại của người nghèo, xây dựng các chương trình việc làm công tạo việc làm cho người nghèo.
Theo đó, tách bạch nội dung giữa các chính sách hỗ trợ việc làm và giảm nghèo qua phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập từ lao động với các chính sách trợ giúp thường xuyên hoặc đột xuất, mang tính cho không; tách bạch giữa đối tượng nghèo nhưng không có khả năng thoát nghèo và cần phải trợ cấp thường xuyên và đối tượng có khả năng lao động, có thể thoát nghèo nếu được tạo điều kiện việc làm và phát triển sinh kế.
Kiến nghị nếu thực hiện sẽ nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách giảm nghèo, thúc đẩy người nghèo vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.
4. Xây dựng mô hình bảo hiểm xã hội đa dạng, thí điểm triển khai và cho người lao động lựa chọn hình thức đóng và thụ hưởng BHXH.
Trong mô hình BHXH của nước ta hiện nay, người lao động đóng BHXH đóng BHXH và được thụ hưởng theo mức do nhà nước qui định (hình thức thụ hưởng xác định). Bên cạnh hình thức này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ thí thí điểm cho người lao động được phép lựa chọn chế độ BHXH hai phần. Phần BHXH do người sử dụng lao động đóng sẽ nộp vào quỹ BHXH và người lao động sẽ hưởng lương hưu theo hình thức thụ hưởng xác định, như chế độ BHXH hiện hành. Phần do người lao động đóng góp được chuyển vào tài khoản BHXH cá nhân, người lao động thụ hưởng dựa trên đóng góp của chính họ (hình thức đóng góp xác định). Mỗi người lao động sẽ có tài khoản BHXH riêng, biết rõ được số tiền mình đã đóng góp và khi về hưu sẽ hưởng thụ trên số tiền đó (và lãi thu được từ đầu tư số tiền này, nếu có). Khi người lao động mất, toàn bộ tiền trong tài khoản (nếu còn) được thừa kế cho người thân. Nếu người lao động rút BHXH một lần thì sẽ chỉ được hưởng phần từ tài khoản BHXH cá nhân và không được hưởng phần do đóng góp của người sử dụng lao động.
Hệ thống thụ hưởng BHXH kép này đã được áp dụng ở nhiều nước, vừa tạo sự chủ động cho người lao động, vừa giảm rủi ro ngân sách nhà nước phải hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội.
Đa dạng hóa hình thức đóng góp và thụ hưởng BHXH sẽ giúp thu hút người lao động tham gia BHXH, giảm hiện tượng trốn đóng BHXH và rút BHXH một lần, góp phần mở rộng bao phủ BHXH và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
5. Tạo đột phá thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng nhà nước nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm xã hội và cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH như bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, nhà nước nâng mức hỗ trợ phí đóng BHXH cho người lao động (chẳng hạn nhà nước hỗ trợ 30%, người lao động đóng góp 70%). Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng không chỉ hai chế độ hưu trí và tử tuất như hiện nay mà còn được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Nhờ đó, BHXH tự nguyện sẽ hấp dẫn hơn vì người lao động phải đóng ít hơn nhưng được thụ hưởng đầy đủ chế độ.
Kiến nghị này nếu được thực hiện dự kiến sẽ tạo đột phá thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn, từ đó mở rộng được bao phủ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho một bộ phận người lao động hiện đang nằm ngoài mô hình an sinh xã hội hiện nay.
6. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong đảm bảo an sinh xã hội.
Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng có vai trò rất lớn trong đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của họ chưa được thể chế hóa rõ ràng, tạo điều kiện để các tổ chức này phát huy tốt hơn vai trò của mình. Việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng có khả năng huy động nguồn lực xã hội rất lớn cho đảm bảo an sinh, góp phần bổ sung nguồn lực cho đảm bảo an sinh xã hội, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Việc thực hiện kiến nghị sẽ góp phần phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong đảm bảo an sinh xã hội, từ đó, góp phần cải thiện an sinh xã hội ở nước ta.
7. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, dự báo an sinh xã hội, tích hợp với hệ thống dữ liệu quốc gia.
Để thiết kế và vận hành mô hình an sinh xã hội, cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin về an sinh xã hội như các thông tin nhân khẩu học như dân số, độ tuổi, qui mô gia đình, học vấn, việc làm, thu nhập, sức khỏe, BHXH, tình trạng nghèo, đói, khả năng tự đảm bảo an sinh xã hội và các chế độ an sinh xã hội đang và sẽ được thụ hưởng…Hiện nay thông tin an sinh xã hội còn phân tán trong quản lý, có chỗ thiếu chính xác, thiếu cập nhật và khó tiếp cận với ngay cả các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, các tổ chức tham gia đảm bảo an sinh xã hội như các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Điều này gây khó khăn trong hoạch định và triển khai chính sách, đánh giá hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội, xác định đúng đối tượng trợ giúp, gây ra sự trùng lặp, chồng chéo trong chính sách và hỗ trợ, khó giám sát kết quả…Do đó, cần có một hệ thống thông tin minh bạch, rõ ràng, cập nhật để tạo điều kiện cho quản lý và thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.
Nếu được thực hiện, hệ thống thông tin an sinh xã hội sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được nhu cầu, khả năng đảm bảo an sinh xã hội để xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách đảm bảo an sinh hội và quản lý việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách này đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến an sinh còn được sử dụng trong quản lý các lĩnh vực khác nhau, trong hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong nghiên cứu khoa học,…
8. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho đảm bảo an sinh xã hội
Trong điều kiện của nước có mức thu nhập trung bình thấp và can đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn nỗ lực đầu tư nhiều nguồn lực tài chính cho công cuộc giảm nghèo, hỗ trợ chăm sóc y tế, đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân. Tuy vậy, nguồn lực khá phân tán, phân bổ cho nhiều chính sách, nhiều chương trình nên hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Trong quá trình phân bổ, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thiếu sự giám sát, kiểm tra, nên nguồn lực đầu tư không hiệu quả, gây ra tình trạng lãng phí, có hiện tượng trục lợi, tham nhũng trong sử dụng nguồn tài chính công.
Nếu thực hiện, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho đảm bảo an sinh xã hội.
9. Tăng cường xã hội hóa đảm bảo an sinh xã hội
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cần có cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội vào đảm bảo an sinh xã hội.
Nếu thực hiện được, kiến nghị sẽ giúp đa dạng hóa, bổ sung nguồn lực, giảm sự phụ thuộc của nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần cải thiện an sinh xã hội của nhân dân./.
PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.16/16-20 )