Đề tài“Mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đối với nước ta hiện nay: thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách” mã số KX.04-23/16-20 do GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là những kiến nghị của Đề tài.
1- Kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản trong hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế và giữ vững chủ quyền quốc gia có sự tác động qua lại lẫn nhau. Phải giữ vững độc lập, tự chủ thì hội nhập quốc tế mới thành công, lợi ích quốc gia - dân tộc mới được bảo đảm.
Để bảo đảm độc lập, tự chủ, giữ vững chủ quyền quốc gia trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần:
Thứ nhất, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Để giữ vững độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế hiệu quả thì vấn đề có ý nghĩa quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế, xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc, phương châm và các biện pháp cho hội nhập trong từng lĩnh vực, phát huy thế mạnh và sự chủ động, sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Thứ hai, tạo đồng thuận trong nhận thức về các vấn đề cơ bản liên quan đến giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Thứ ba, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết luật pháp quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ có năng lực ứng cử thành công vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế quan trọng. Củng cố bộ máy và cơ chế phối hợp chỉ đạo để đưa hội nhập vào chiều sâu và thực chất. Sớm hình thành những cơ chế khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và cá nhân tham gia chủ động, tích cực hơn vào tiến trình hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thể chế, minh bạch hóa chính sách.
Thứ tư, chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trên kênh đa phương, coi đây là “mũi nhọn”, là phương thức hiệu quả trong hội nhập quốc tế của nước ta trong thời gian tới, phát huy vai trò dẫn dắt, hòa giải, nòng cốt trên một số vấn đề và diễn đàn mà Việt Nam có lợi ích và khả năng.
Thứ năm, tăng cường sự tham gia của các chủ thể, các tầng lớp nhân dân vào quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và bảo vệ độc lập, tự chủ, giữ vững chủ quyền quốc gia.
2- Xây dựng thực lực kinh tế của đất nước vững mạnh là khâu then chốt để bảo đảm độc lập, tự chủ trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Để xây dựng thực lực kinh tế của đất nước vững mạnh cần:
Thứ nhất, có chiến lược đối tác phù hợp để triển khai hội nhập kinh tế, tranh thủ tối đa xu thế chuyển dịch cán cân kinh tế thế giới để tận dụng hiệu quả đan xen lợi ích trong môi trường quốc tế và khu vực. Làm sâu sắc hơn nội dung kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các nền kinh tế mới nổi nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, mở rộng nguồn cung năng lượng, nguyên liệu. Chủ động tham gia hợp tác với các đối tác quan trọng để bảo vệ lợi ích trong một số lĩnh vực như chống bảo hộ, tự do hóa thương mại,…
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược trong cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm xây dựng một cơ cấu, mô hình tăng trưởng có khả năng độc lập, tự chủ cao về kinh tế; ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, sáng tạo.
Thứ ba, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo động lực mới giải phóng sức sản xuất trong nước. Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều hành, quản lý kinh tế. Định vị lại vai trò Nhà nước, thị trường và xã hội; Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý và kiến tạo môi trường cho phát triển thông qua hành lang pháp lý, bảo đảm sự bình đẳng trong kinh doanh, hài hòa giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức, quản lý các doanh nghiệp nước ngoài bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế minh bạch, nhất quán và tương thích với thông lệ và cam kết quốc tế.
Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và dân doanh theo hướng sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thương hiệu trên thị trường thế giới. Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, chú trọng phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là phương thức quan trọng để nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế vào nền kinh tế thế giới.
Thứ năm, chủ động phát hiện, dự báo sớm rủi ro, nguy cơ bất ổn về kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm các vấn đề về kinh tế để chủ động phát hiện rủi ro, nguy cơ bất ổn từ nội tại nền kinh tế đất nước và môi trường kinh tế bên ngoài để có biện pháp ứng phó kịp thời.
3- Nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các nguy cơ đối với đời sống chính trị, kinh tế, môi trường, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Thứ nhất, chủ động phát hiện từ sớm, từ xa những nguy cơ có thể xảy ra là yêu cầu bức thiết trọng yếu, thường xuyên để có biện pháp chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa, hóa giải các nguy cơ đó một cách kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, phòng, chống một cách chủ động mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng hội nhập quốc tế để chuyển hóa nội bộ; phát hiện ngăn chặn kịp thời các đối tác nước ngoài lợi dụng các kẽ hở về luật pháp và sơ hở của ta để gây sức ép, trốn thuế, thao túng thị trường trong nước; đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như rửa tiền, buôn lậu, sản xuất và tiêu dùng hàng giả, gian lận thương mại, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thứ ba, tăng cường quản lý mạng xã hội và Internet; có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an ninh mạng, ngăn chặn các thế lực thù địch xâm nhập vào các mạng nội bộ gây thiệt hại về kinh tế, phá hoạt tư tưởng. Ngăn chặn kịp thời việc nhập các ấn phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài, đề ra các giải pháp hiệu quả để bảo đảm an ninh văn hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh ngoại giao phòng ngừa bảo vệ lợi ích cốt lõi và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh thông tin,…
4- Tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh mềm của Việt Nam là yếu tố quyết định trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững chủ quyền quốc gia
Thứ nhất, bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm; nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trước các biến động của tình hình quốc tế và năng lực hấp thụ các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là khoa học công nghệ và tri thức tiên tiến. Tăng cường công tác quản lý phát triển xã hội bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thứ hai, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Phát huy vai trò địa - chiến lược của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm và tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Xây dựng chiến lược phòng thủ ở các địa bàn trọng điểm. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ gìn, phát huy, thúc đẩy và lan tỏa các giá trị, bản sắc văn hóa và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy vai trò sức mạnh mềm, sức mạnh văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng các cơ sở văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vệ các danh lam, thắng cảnh của đất nước. Xây dựng lối sống văn hóa cao đẹp, giữ gìn bản sắc và cởi mở thân thiện trong hội nhập. Bảo đảm các lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại được phân bổ phù hợp hơn tới mọi tầng lớp xã hội.
5- Những phương châm cơ bản cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Một là, kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển và hội nhập; chủ động, linh hoạt, nhạy bén trước biến đổi và xu thế phát triển của kinh tế thế giới và khu vực.
Hai là, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu tối thượng của hội nhập quốc tế cùng có lợi, trên cơ sở Luật pháp quốc tế. Xử lý linh hoạt và khôn khéo mối quan hệ đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh, bảo đảm độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia - dân tộc trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy tối đa nội lực, đi đôi với thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp của đất nước. Hội nhập nhưng không hòa tan, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ba là, bảo đảm độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia gắn liền với thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa và đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu; tạo mạng lưới đa tầng nấc, đan xen lợi ích, nhất là đan xen lợi ích với các đối tác lớn, đối tác chiến lược, tạo thuận lợi cho củng cố vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Bốn là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với độc lập, tự chủ trong xây dựng, triển khai lộ trình hội nhập phù hợp. Làm chủ mức độ hội nhập trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, khả năng của đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ chủ nghĩa đa phương; phối hợp chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược hội nhập quốc tế, sử dụng hội nhập để thúc đẩy đổi mới, phát huy hiệu ứng đổi mới để khai thác triệt để lợi ích hội nhập quốc tế.
Năm là, tranh thủ và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nuôi dưỡng sức dân, khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển, phát huy mọi nguồn lực trong dân là kế sách lâu dài./.
PV (Nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài KX.04.23/16-20)