Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Một số kiến nghị của đề tài "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển: Giá trị và ý nghĩa lý luận-thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay"

Ngày phát hành: 02/03/2020 Lượt xem 4965

 

 

  Đề tài "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển: Giá trị và ý nghĩa lý luận-thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay", mã số KX.04.01/16-20, do PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài có nhiều điểm mới có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Dưới đây là một số kiến nghị của đề tài:

1. Bổ sung khái niệm “Tư tưởng Hồ Chí Minh”

Trong sự nghiệp Đổi mới, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) Đảng ta khẳng định: “Cái mới trong các văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”. Từ “cái mới” có tính đột phá đó, Đảng ta nêu nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”.

Đại hội VII nêu vai trò, vị trí và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc. Nói tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nước ta, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Mười năm sau Đại hội VII, tại Đại hội IX (4-2001), Đảng ta có bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh (có thể hiểu như khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh): “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Ddảng và dân tộc ta”.

Tại Đại hội XI (1-2011) với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghãi xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh (có thể hiểu như khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh): “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá cảu Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ở Cương lĩnh 2011 so với Đại hội IX có những điều chỉnh nhất đinh. Phần bổ sung: thêm hai từ “vô cùng” trước “to lớn”; hai từ “quý giá”; hai từ “mãi mãi” trước cụm từ “soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Thay cụm từ “cuộc đấu tranh” thành “sự nghiệp cách mạng”. Phần bớt: Bỏ đoạn viết về nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh trong khái niệm: “Đó là tư tưởng…”.

Việc điều chỉnh nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh ở Cương lĩnh 2011 so với Đại hội IX là hợp lý, đặc biệt là không đưa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vào khái niệm có tính chất đúc kết về lý luận, mặc dù sau đó có để dấu “ba chấm”. Hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc và phong phú trong di sản Hồ Chí Minh để cho các nhà khoa học nghiên cứu, trình bày trong các công trình khoa học và trong giáo trình các hệ khác nhau là phù hợp.

Từ Đại hội XI và Cương lĩnh năm 2011 đến nay, Bộ Chính trị đã có 2 Chỉ thị quan trọng: Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như vậy, qua hơn 30 năm đổi mới với những thành tựu nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh đã có bước phát sâu sắc, cụ thể:

- Khái niệm “Tư tưởng Hồ Chí Minh” cần được bổ sung các đoạn “…mà cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “…là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Như vậy, nhận thức đầy đủ về tư tưởng Hồ Chí Minh cần đưa vào Văn kiện Đại hội XIII (khái niệm) như sau:

 “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam mà cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của và dân tộc ta giành thắng lợi”.

Nhận thức này cần được ghi vào Văn kiện Đại hội XIII, chứ không chỉ trong Cương lĩnh. Cơ sở của việc cần bổ sung là do:

Một là, sự đóng góp của Đảng ta, dân tộc ta trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình cách mạng Việt Nam thể hiện rõ trong di sản của Người. Chẳng hạn Di chúc viết: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

 Hai là, cách đây nửa thế kỷ, thế giới đã khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh và tôn vinh Hồ Chí Minh “con người cho mọi thời đại”. Đặc biệt Nghị quyết của UNESSCO năm 1987 ghi rõ “việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tếc như Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm các danh nhân và sự kiện lịch sử đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại… Nhận thấy… Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Ba là, Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”.

Như vậy, ta có đủ điều kiện - có thể nói là chín muồi - để bổ sung, hoàn chỉnh nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc bổ sung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt khác, bè bạn thế giới ngày càng khẳng định giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, như ông Hans D’’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: “Thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai”.

2. Bổ sung mối “quan hệ giữa đổi mới, hội nhập và phát triển”

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nói tới 8 mối quan hệ lớn (sau đó có dấu “ba chấm”). Đại hội XII bổ sung mối quan hệ “giữa Nhà nước và thị trường” thành 9 mối quan hệ (sau đó có dấu “ba chấm”).

Kiến nghị Đại hội XIII bổ sung mối quan hệ “giữa Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” thành 10 mối quan hệ lớn.

Cơ sở, lý do của kiến nghị:

Thứ nhất, điều này thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh và là một đóng góp quan trọng của Người, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

 Thứ hai, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ lớn của sự nghiệp đổi mới và thực tế qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới chúng ta đã thực hiện tốt. Cụ thể: Trong đổi mới có hội nhập và phát triển; trong hội nhập có đổi mới và phát triển; đổi mới và hội nhập xoay quang trục phát triển; mỗi bước phát triển chứa đựng tinh thần đổi mới và hội nhập. Các nội dung đó quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau, nội dung này là điều kiện, cơ sở cho nội dung kia và ngược lại. Sự gắn bó, hòa quyện giữa đổi mới, hội nhập và phát triển góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, là một trong những nhân tố quan trọng đưa đến những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.

3. Bổ sung 2 nhiệm vụ (trụ cột) vào bài học kinh nghiệm

Trước Đại hội XII, trong các văn kiện của Đảng đề cập kinh nghiệm với 3 nhiệm vụ (trụ cột): Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII rút ra 5 kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm thứ ba bổ sung một nhiệm vụ “bảo đảm quốc phòng và an  ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên” thành 4 nhiệm vụ: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an  ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên.

Kiến nghị Đại hội XIII bổ sung 2 nhiệm vụ thành 6 nhiệm vụ  khi viết về “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ”. Đó là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện chất lượng, hiệu quả, hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Như vậy, kinh nghiệm này có 6 nhiệm vụ (trụ cột): Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện chất lượng, hiệu quả, hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Cơ sở, lý do của việc bổ sung này:

Một là, đây là hai nội dung lớn trong di sản Hồ Chí Minh; là những nhân tố quan trọng đưa đất nước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” là một trong năm bài học lớn được đưa vào Cương lĩnh năm 2011.

 Hai là, tình hình thế giới ngày nay có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, muốn giữ vững được thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, cùng với những sức mạnh chính trị, kinh tế, quốc phòng…, thì hoạt động đối ngoại - một khía cạnh của “sức mạnh mềm” có một ý nghĩa vô cùng to lớn.

 Ba là, kinh nghiệm qua hơn 30 năm đổi mới cho thấy vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác đối ngoại ngày càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Nó tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; tạo ra sức mạnh tổng hợp dân tộc và thời đại, trong nước và quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước; là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần vào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

4. Kiến nghị về phương thức đưa tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển vào cuộc sống

Một là, cùng với những nội dung có tính chất truyền thống về tư tưởng, đạo đức, phong cách, cần phải tuyên truyền sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển. Cần phải làm rõ nội dung tư tưởng đó, giá trị, ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam trước đây và trong sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua.

Hai là, đưa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển vào trong các loại giáo trình ở các Học viện, trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, phải biên soạn thành các chuyên đề chuyên sâu để giảng dạy cho học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Hồ Chí Minh học

Ba là, đẩy mạnh thường xuyên, nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển.         

          Cần phải giáo dục nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng và thật sự thấm nhuần các giá trị, nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới ở nước ta. Đó là giải pháp hữu hiệu, có tính thực tiễn để làm cho tiến trình đổi mới, hội nhập, phát triển được thể hiện trong cả nhận thức và hoạt động thực tiễn của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân có tính định hướng rõ ràng theo chủ nghĩa xã hội.      

        Tiếp tục nghiên cứu tổng thể nhằm hoàn thiện, bổ sung tư tưởng đổi mới, hội nhập và phát triển nhằm làm cơ sở cho việc vận dụng vào thực tiễn trong dài hạn và những vấn đề phục vụ cho đổi mới, hội nhập, phát triển hiện nay.

          Phát huy hiệu quả và tăng cường mở rộng các tổ chức, các hoạt động truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về đổi mới, hội nhập, phát triển nói riêng ở nước ngoài. Đặc biệt chú trọng tới các nhà nghiên cứu, tuyên truyền về Hồ Chí Minh trên thế giới và người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Đã có bài học kinh nghiêm tốt về tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các nước có nhiều kiều bào như. Nên tiếp tục nghiên cứu mở rộng, phát triển cách thức này.

          Nắm vững định hướng, nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập, phát triển chính là nắm vững tinh thần cốt lõi của toàn bộ sự nghiệp đổi mới hiện nay do Đảng ta khởi xướng. Vấn đề cơ bản là, từ các giải pháp căn bản được định hình cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với sự vận động của thực tiễn. Bởi vậy, phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” lại giúp cho việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh lại trở nên sống động trong đời sống xã hội của chúng ta.

 

PV (Nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài KX.04.01/16-20)

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết