Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập.
Ngày này cách đây 100 năm, ngày 1/4/1922, báo Le Paria-Người cùng khổ xuất bản số báo đầu tiên và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chính là “linh hồn” của tờ báo này. Mặc dù chỉ tồn tại trong 4 năm với 38 số, song Người cùng khổ đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Một thế kỷ trôi qua, Le Paria-Người cùng khổ thật sự là “vật chứng” cho tinh thần quốc tế vô sản theo khẩu hiệu của V.I.Lênin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại.
Le Paria-Người cùng khổ - diễn đàn của các dân tộc thuộc địa
Năm 1921, tại thủ đô Paris (Pháp), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình từ các nước thuộc địa của Pháp sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Mục đích của Hội là nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc.
Đầu tháng 2/1922, để xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập Hội hợp tác người cùng khổ và ra một ấn phẩm báo chí của các thuộc địa, bằng tiếng Pháp. Như Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh khẳng định: Ðây chính là “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”.
Và ngày 1/4/1922, Báo Le Paria-Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, xuất bản số đầu tiên với tôn chỉ: “Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng rõ ràng: Giải phóng con người”. Trong số đầu tiên này có lời chào mừng bạn đọc: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Về tên gọi của báo, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh giải thích: “Paria nguyên là tiếng Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng, người Pháp dùng để gọi những người cùng khổ”.
Mặc dù bị hạn chế về tài chính, kinh nghiệm trị sự, bạn đọc xa xôi, phân tán… nhưng mỗi số, Le Paria in hàng nghìn bản cho thấy vai trò và sự cần thiết của báo trong việc xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết, đồng cảm giữa những người vô sản bản xứ trong cuộc đấu tranh chống xâm lược cai trị.
Báo Le Paria-Người cùng khổ ra hằng tháng. Mỗi số báo in từ 2 đến 4 trang. Có vài số báo ra nửa tháng, ba lần ra số kép. Tài chính của báo chủ yếu trả lương cho người quản lý có quốc tịch Pháp, in báo, thuê trụ sở, còn lại tất cả mọi việc liên quan đều do Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí tham gia không nhận thù lao.
Mặc dù Báo Le Paria-Người cùng khổ tồn tại trong 4 năm (4/1922 đến 4/1926) với 38 số, song tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Việc xuất bản Le Paria-Người cùng khổ tại thủ đô Paris là một đòn đánh vào chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp. Chính quyền ra lệnh cấm không cho đưa tờ báo đó vào các thuộc địa. Ở Ðông Dương khi đó, ai đọc báo Le Paria - Người cùng khổ đều bị bắt. Ðể có thể vận chuyển báo đến các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc và cộng sự dùng nhiều hình thức như: gửi theo đường bưu điện công khai nếu không bị cấm; hình thành các tuyến vận chuyển bí mật theo đường biển từ Pháp đến các thuộc địa do các thủy thủ có cảm tình ủng hộ phong trào thực hiện. Báo được cuộn gọn, dùng chèn lót các sọt đựng trứng, thực phẩm, được đan cài, chèn trong các khoang rỗng của đồng hồ có con lắc... Bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền Pháp, báo Người cùng khổ vẫn luôn là tờ báo có sức sống để thực hiện mục đích, tôn chỉ của mình.
Báo Le Paria đã thật sự gắn kết sứ mệnh giai cấp vô sản thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa thành khối đoàn kết thống nhất, đã thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc là những người yêu nước, nuôi ý chí, khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ ở các thuộc địa.
Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ”, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Báo đã góp phần truyền tải những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành tự do, độc lập.
Dấu ấn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là “linh hồn” của báo Le Paria-Người cùng khổ. Người đã thực hiện hầu hết các công đoạn làm báo như: viết tin bài; biên tập; trình bày; minh họa, viết mẫu chữ, đưa bài sang nhà in, sửa bài… cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo.
Trên Le Paria-Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, như: Xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ... Có số báo Người viết 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài, cùng tranh vẽ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên Le Paria, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã có 38 bài viết, 5 tranh biếm họa với các bút danh là: Nguyễn Ái Quốc; Ng. Ái Quốc; N. N.A.Q; NG.A.Q; Nguyễn A.Q và Nguyễn. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria cho thấy Người không chỉ là nhà báo tài năng, có kiến thức, vốn sống mạnh mẽ, đa dạng, cách viết tinh tế, sắc sảo, độc đáo, mà còn thấy trong nhiều bài viết, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng các thông tin, sự kiện, số liệu hợp lý tạo tính thuyết phục cao. Lối viết tinh tế, hóm hỉnh thấm đượm tinh thần nhân đạo cộng sản, gắn chặt với truyền thống nhân văn Việt Nam được biểu đạt trong việc sử dụng ngôn ngữ báo chí Pháp một cách nhuần nhuyễn đã tác động sâu xa vào tâm trí bạn đọc, thôi thúc sự quyết tâm, tinh thần kiên định và sự tôi rèn ý chí, góp phần thức tỉnh, đoàn kết nhân dân các thuộc địa cùng nhau đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ…
Những bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria được thể hiện giản dị song hàm chứa nội dung mạch lạc và sự đả kích, hài hước sâu xa, tạo hiệu ứng tích cực. Le Paria có nét riêng biệt, độc đáo, được bạn đọc khắp bốn phương ủng hộ một phần bởi có lối viết và những nội dung mà nhà cách mạng-nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện. Ðặt những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria vào những năm 20 của thế kỷ trước, khi phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam bị đế quốc thực dân khủng bố dã man và đang lâm vào bế tắc, chúng ta cảm nhận thêm những điều sâu xa mà Người đã suy nghĩ thấu đáo và thể hiện dung dị những vấn đề chiến lược cách mạng ở các nước thuộc địa, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng của giai cấp vô sản các dân tộc thuộc địa.
Sau này, hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục gửi bài, đóng góp tài chính và góp ý để báo Le Paria hoạt động. Các số báo Le Paria từ năm 1924 đến năm 1925 đã đăng 13 bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Ðặc biệt, nhiều thông tin ở các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria là cơ sở để Người hoàn thành tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Pháp năm 1926. Số 38 ra tháng 4/1926, ở trang nhất, báo Le Paria đưa tin: vừa xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc...
Kể từ ngày báo Le Paria-Người cùng khổ ra số đầu tiên đến nay đã tròn một thế kỷ, tên gọi của tờ báo và người sáng lập ra nó - nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử phong trào đấu tranh chống đế quốc-thực dân và phong trào giải phóng các dân tộc. Báo Le Paria-Người cùng khổ thật sự là “vật chứng” cho tinh thần quốc tế vô sản theo khẩu hiệu của V.I.Lênin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại./.
Theo TTXVN