Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022): Tác phẩm “Tự chỉ trích” và ý nghĩa thời sự hôm nay

Ngày phát hành: 09/07/2022 Lượt xem 1353

 

Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ còn là một nhà lý luận sắc sảo, một cây bút trên mặt trận tư tưởng. Những bài báo và đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” do chính đồng chí viết tháng 7/1939 là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Ra đời cách đây hơn 80 năm, nhưng tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

“Tự chỉ trích” - sự minh triết trong tư duy chính trị
Vào những năm 1937-1938, Mặt trận dân chủ Đông Dương giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nhưng trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tháng 4/1939, Mặt trận dân chủ đã không thu được thắng lợi như mong muốn. Tình hình đó khiến cho một số cán bộ, đảng viên có những nhận xét không đúng về đường lối của Đảng, thậm chí còn công kích đường lối của Đảng. 
Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và phức tạp, nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng khác nhau, có thể gây chia rẽ, phân liệt Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những chỉ đạo quan trọng và trực tiếp biên soạn nhiều văn kiện, tác phẩm nhằm định hướng phong trào cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Trong đó, “Tự chỉ trích” là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Trước khi vào Nam chỉ đạo và chuẩn bị Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tạm lánh ở gác xép trên sân thượng của Nhà băng Đông Dương (nay là Trụ sở của Ngân hàng quốc gia Việt Nam). Tại đây, đồng chí viết cuốn “Tự chỉ trích”. Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư đã hoàn thành bản thảo tác phẩm “Tự chỉ trích” vào khoảng tháng 6/1939. Sau đó, đồng chí đưa cho các đồng chí: Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai... đọc và tham gia ý kiến. Tháng 7/1939, tác phẩm “Tự chỉ trích” ra mắt bạn đọc và gây tiếng vang lớn. Trong tác phẩm, nổi bật nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Đảng ta thống nhất về tư tưởng và hành động, thật sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
- Mục đích của tác phẩm “Tự chỉ trích” để thông qua việc phê bình và tự phê bình trong Đảng “tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ” (1). Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật” (2). “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” (3). Đồng chí nhấn mạnh: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình” (4).
- Nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm: Thứ nhất, uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ như chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức vận động quần chúng… Những sai lầm, khuyết điểm này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ” (5). Thứ hai, thấy rõ khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa và phải  chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ Đảng như xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thỏa hiệp, hữu khuynh, lung lay trước tình hình nghiêm trọng, nhãng quên, hoặc che lấp sự tuyên truyền của Chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh.
- Phương pháp phê bình và tự phê bình: Tác phẩm “Tự chỉ trích” yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi  rủa…” (6). Đồng  chí  nhấn   mạnh: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương” (7). Đồng chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, tiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để thực hành ý chí ấy” (8).
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng có yêu cầu rất cao đối với những người cộng sản tham gia tự chỉ trích, họ nhất định phải có trình độ lý luận, khoa học cao và phải có năng lực thực tiễn dày dặn. Ông yêu cầu người cộng sản phải biết phân tích tình hình, phải biết vận dụng lý luận cho phù hợp, tức là người cộng sản, trong cả nhận thức và hành động, phải luôn đặt lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ hữu cơ và nhân quả...
“Tự chỉ trích” có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn quan trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Tác phẩm đã tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, chỉ rõ và kịp thời uốn nắn những lệch lạc của phong trào, của công tác xây dựng Đảng. Với tinh thần tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc và khoa học, “Tự chỉ trích” đã có đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, là bước chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng bước vào giai đoạn đấu tranh quyết liệt những năm tháng sau đó.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện tính minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ trẻ tuổi có chiều sâu trong tư duy; phản ánh sự sáng suốt của một tài năng lỗi lạc, dấu ấn đặc biệt của một người cộng sản dù mới chỉ được học tập lý luận chủ yếu trong lao tù đế quốc.
Nói về tác phẩm “Tự chỉ trích”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Tác phẩm "Tự chỉ trích" và một số bài báo trước đó của anh Cừ đã tạo điều kiện cho tư tưởng đúng đắn của Đảng đi sâu vào đông đảo quần chúng cách mạng, nhất là trong tầng lớp trí thức. Tư tưởng công khai tự chỉ trích táo bạo này của anh Cừ đến nay chúng ta phải học tập, phải coi đó là một kinh nghiệm quý”.

Sáng mãi tinh thần “Tự chỉ trích”
“Tự chỉ trích” không chỉ có ý nghĩa củng cố niềm tin, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng lúc bấy giờ, mà còn trở thành cẩm nang của Đảng trong mọi thời kỳ về xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay.
Một đảng cách mạng, luôn phải có ý thức tự soi mình để phát hiện khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, nhờ đó mà trưởng thành và giữ vững vị trí tiên phong cách mạng. Lênin đã từng chỉ rõ: Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, và không biết nhìn ra cái gì tạo nên sức mạnh của mình và sợ sệt, không dám nói lên những nhược điểm của mình. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng tất yếu nảy sinh những mâu thuẫn, cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm. Bởi vậy, rất cần tinh thần “Tự chỉ trích” để đúc kết kinh nghiệm, làm rõ sai lầm khuyết điểm, để thống nhất ý chí và hành động sửa chữa sai lầm khuyết điểm.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình trên thực tế đã là vũ khí thiết yếu của những người cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu phong trào cách mạng mới nhen nhóm. Năm 1927, trong cuốn sách Đường Cách mệnh, mục “Tư cách người cách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tới một trong những yêu cầu cao nhất đối với người cộng sản là phải biết “cả quyết sửa lỗi mình”. “Tự chỉ trích” đã kế thừa và phát triển tinh thần ấy, đó là sự mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, khắc phục sai lầm, khuyết điểm của một đảng cách mạng chân chính. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn nhìn nhận nghiêm khắc về sai lầm khuyết điểm của mình để củng cố lại tổ chức, chỉnh đốn về chính trị - tư tưởng, nhờ đó đưa cách mạng phát triển mạnh mẽ.
   Xuyên suốt trong lịch sử hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là vấn đề quan trọng. Đảng đã có những nghị quyết chuyên đề về công tác này, trong đó Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII  “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Đặc biệt, trong ba kỳ đại hội gần đây, Đảng đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng. Kết luận số 21-KL/TW về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”" của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Điều này khẳng định Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Với tinh thần của tác phẩm “Tự chỉ trích”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã tự phê bình sâu sắc khi nhìn thẳng vào khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Khắc phục những khuyết điểm đó cần đến hệ thống giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên được nêu ra là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng"; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại...
Đặc biệt, để việc tự phê bình và phê bình đạt được hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, khi tiến hành kiểm điểm, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cơ sở đảng không được chủ quan, nóng vội song cũng không được máy móc, cứng nhắc trong việc xử lý những khuyết điểm của mỗi cá nhân và của tập thể. Khi đã xác định được khuyết điểm, phải có kế hoạch và biện pháp sửa chữa kịp thời và có sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của cấp ủy. Kết quả của việc tự kiểm điểm và kiểm điểm phải nhằm mục đích xây dựng mỗi tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, để cán bộ, đảng viên gương mẫu và đoàn kết tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cùng với thời gian, nhưng tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự; là một giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII để tiếp tục xây dựng, phát triển Đảng trở thành một Đảng cách mạng, chân chính, vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp các thế hệ đảng viên, sự tin tưởng, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với cách mạng./.

 

Theo Diệp Ninh (TTXVN)

(1) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 6, tr.620
(2)  Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.627
(3) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624
  (4) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.645
(5) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.620
(6) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624
  (7) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.625
  (8) Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.625

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết