Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vận dụng tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Ngày phát hành: 07/07/2022 Lượt xem 2347


 

Tư tưởng chủ động giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy được hình thành trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là tư tưởng chiến lược, mang tính chủ động rất cao, trở thành quy luật trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến trước đây đã vận dụng một cách chủ động, sáng tạo tư tưởng này nên giữ gìn được bờ cõi, non sông đất nước trước họa xâm lăng. Xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc cho thấy, ông cha ta đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa dựng nước đi đôi với giữ nước; xây dựng đất nước gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, lo giữ nước từ khi chưa có giặc xâm lăng bằng các biện pháp tổng thể ở cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại; trong đó, lấy đối nội là cốt lõi, chăm lo sức dân, chiêu hiền đãi sĩ, quốc kế dân sinh để ổn định bên trong tạo thành khối đại đoàn kết “chúng chí thành thành”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy đã được Đảng ta phát triển lên tầm cao mới, trở thành di sản quý báu, một nét văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam.

 

Xuất phát từ vị trí địa chiến lược của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta luôn phải chống chọi với họa xâm lăng từ phương Bắc, phương Nam, sau này là các quốc gia đến từ phương Tây. Do đó, về cơ bản, lịch sử Việt Nam là lịch sử gắn liền với các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Vậy, một nước đất hẹp, người thưa, kinh tế kém phát triển, làm sao cha ông ta có thể đương đầu thắng lợi trước các cuộc xâm lược của kẻ thù? Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và nền độc lập, các triều đại phong kiến luôn luôn chủ động, từ xây dựng kinh tế, xây dựng quân đội, xây dựng thế bố phòng, chăm lo đời sống nhân dân đến các hoạt động bang giao với các nước láng giềng, thậm chí cả với nước đã xâm lược mình để tránh họa binh đao nhằm xây dựng đất nước thái bình.

 

Từ thời Văn Lang - Âu Lạc, Thục Phán An Dương Vương vừa động viên trăm họ phát triển cấy lúa nước, vừa huy động toàn dân đắp thành Cổ Loa, sửa sang giáo mác, cung nỏ, rèn đúc tên đồng để sẵn sàng chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ, các triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm đến việc củng cố quốc phòng. Triều đại nhà Lý hết sức chăm lo sức mạnh quân sự, quốc phòng, nên khi phát hiện âm mưu xâm lược của nhà Tống đã thực hiện “tiên phát chế nhân” - phá thế địch trước khi chúng xuất quân xâm lược nước ta; đồng thời, xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc tại bờ Nam sông Như Nguyệt nhằm ngăn chặn các cuộc xâm lược của giặc Tống. Sang thời nhà Trần - một triều đại điển hình về chăm lo giữ nước từ sớm, từ xa với việc phát triển kinh tế, xây dựng các đội quân ở cả triều đình và địa phương. Đặc biệt, nhà Trần đã vận dụng tư tưởng “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, dựa vào dân để xây dựng quân đội rất thành công. Trong thời bình, đưa binh lính về tham gia sản xuất; khi đất nước có chiến tranh, đó lại là lực lượng sẵn sàng đứng lên chiến đấu giữ đất, giữ làng và bổ sung vào quân đội của triều đình. Do tích cực chăm lo củng cố, xây dựng quốc phòng để sẵn sàng đối phó với chiến tranh, nên triều Lý đã hai lần đánh thắng quân Tống, nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược.

 

Tư tưởng giữ nước từ khi nước chưa nguy còn gắn liền với việc không ngừng chăm lo và bồi dưỡng sức dân, lấy “dân là gốc nước”. Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi: nếu giặc phương Bắc lại sang thì kế sách như thế nào? Sau khi suy ngẫm một hồi, Trần Hưng Đạo trả lời: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”[1]. Sau này, Nguyễn Trãi nêu bật tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt để yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”; “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Nguồn lực vô tận để giữ nước bắt nguồn từ nhân dân. Một khi nhân dân đồng lòng cùng triều đình quyết tâm giữ nước thì không kẻ thù nào có thể thắng nổi. Thực tiễn trong các cuộc xâm lược của kẻ thù cho thấy, nước có thể mất nhưng chưa bao giờ nhân dân để mất làng, mất xã. Sau đó từ làng, xã, quân dân ta tổ chức xây dựng lực lượng để khởi nghĩa (kháng chiến) giành lại độc lập. Chính kế “thanh dã” của nhà Trần đã giúp quân dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Và thực tế lịch sử cũng cho thấy, nếu chỉ chăm lo củng cố quốc phòng mà không chăm lo nuôi dưỡng sức dân thì sẽ thất bại. Mặc dù triều Hồ đã xây dựng trăm vạn quân, trăm chiến thuyền, nhưng do không được lòng dân nên để đất nước rơi vào tay giặc Minh.

 

Trong các triều đại phong kiến, mối quan hệ “Vua - tôi”, thứ bậc rất rõ ràng. Vua bảo chết, bề tôi phải chết - đó là “trung quân”. Nhưng để cả nước chung sức, đồng lòng chống giặc, giữ nước thì “tướng, sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Đây là sức mạnh về chính trị tinh thần mà nhà Trần đã xây dựng được ngay từ trong thời bình và xem đó như là nhân tố then chốt của kế sách chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy. Trần Quốc Tuấn đã vì nghĩa lớn mà đặt việc nước lên trên việc nhà, một lòng phò tá các vua Trần trong sự nghiệp chống giặc Nguyên - Mông. Trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, lời thề ở Lũng Nhai: “Dù bể kia có cạn, núi nọ có bằng cũng không quên chư tướng”, cùng hành động: “dốc hết cửa nhà để khoản đãi tân khách” của Lê Lợi đã đoàn kết thống nhất được Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn và cả triều đình sau này, tạo nên sức mạnh đoàn kết, cả nước chung sức đánh giặc, xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt... Đó là những biểu hiện sinh động tư tưởng trên dưới đồng lòng, vua tôi đồng tâm, cả nước chung sức cùng đánh giặc.

 

Lo giữ nước không chỉ cố gắng phòng thủ đất nước nhằm chống lại kẻ thù xâm lược mà giữ nước phải có tầm nhìn xa, trông rộng, ngăn chặn được nguy cơ xảy ra chiến tranh. Ông cha ta trong lịch sử đã có kế sách ngoại giao khôn khéo với các nước láng giềng nhằm ngăn chặn họa binh đao, ít nhất cũng trong một thời gian ngắn để đất nước có thời gian chuẩn bị về thực lực. Việc cống nạp hay cử quan lại đi sứ sang phương Bắc chính là thể hiện sự bang giao với nước đã xâm lược mình. Sau chiến thắng Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã dụng kế biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tông miếu, không chỉ buộc giặc Tống phải rút quân, mà còn lấy lại được những phần đất đã mất. “Năm 1084, sau khi bàn định biên giới với nhà Tống, nhà Tống tiếp tục trả lại nhà Lý 6 huyện, 3 động. Từ đấy trở đi, quan hệ giữa nhà Tống và triều Lý yên định”[2]. Đến thời nhà Trần, các vua Trần đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, cử các sứ bộ sang bang giao, thả 5 vạn tù binh, tỏ thái độ nhân nhượng cho nhà Nguyên đỡ mất thể diện, cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh báo thù... Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau khi Nghĩa quân Lam Sơn đánh thắng giặc Minh đã mở Hội thề Đông Quan để giặc Minh rút quân về nước, đồng thời cũng muốn xóa bỏ hận thù, tránh họa binh đao sau này… Tất cả đều là những việc làm sáng tạo trong thực hiện chính sách đối ngoại nêu trên, đó vừa là những hoạt động đối ngoại mềm dẻo, vừa là những bài học bang giao phòng ngừa mang tính điển hình, giúp cho việc giữ nước một cách chủ động và có hiệu quả nhất trong lịch sử dân tộc.

 

Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược chủ động giữ nước đặc sắc của tổ tiên ta, nó được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng ngay từ thời bình, nhằm đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển những tư tưởng chiến lược đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là rất cần thiết, nó không chỉ giúp cho đất nước ta phát triển bền vững mà còn bảo đảm sự chủ động ngăn ngừa chiến tranh và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược.

 

Để thực hiện tốt điều đó, trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, từ khi có Đảng lãnh đạo, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Do vậy, để giữ nước từ khi nước chưa nguy, đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, nhất là năng lực hoạch định đường lối, trong đó có đường lối phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển mới tạo điều kiện vật chất cho củng cố, xây dựng quốc phòng, vì “quốc phú binh cường”, kinh tế của đất nước vững mạnh mới xây dựng quân đội vững mạnh. Để hướng phát triển kinh tế vào chăm lo xây dựng, củng cố quốc phòng, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, vận dụng phù hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng dự bị động viên, động viên công nghiệp quốc phòng… để cho mỗi bước phát triển kinh tế gắn liền với củng cố quốc phòng an ninh; tăng cường quốc phòng - an ninh là để bảo vệ sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Mặc dù, việc phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng không được tuyệt đối hóa mặt kinh tế mà coi nhẹ củng cố, xây dựng quốc phòng và ngược lại. Do vậy, ở mỗi cấp, mỗi ngành, từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt và cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Có như vậy mới tạo sự phát triển đồng bộ, vững chắc cả về kinh tế, quốc phòng cho đất nước cũng như ở mỗi địa phương.

 

Hai là, chăm lo xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây là yêu cầu nhằm tăng cường sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước đã cho thấy, quần chúng nhân dân là lực lượng hăng hái nhất, kiên quyết nhất, một lòng một dạ đi theo Đảng và luôn giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngày nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có đường lối, chính sách chăm lo lợi ích của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vấn đề đặt ra cần phải tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ của Nhà nước thật sự gương mẫu, vừa hồng vừa chuyên, gần dân, sát dân, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ rộng rãi tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội,… củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

 

Ba là, tăng cường ngoại giao, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là yêu cầu nhằm tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện hiện nay, một nước muốn phát triển, muốn bảo vệ được thành quả cách mạng của mình không thể đơn độc trong một thế giới đa chiều. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta đã phát huy tốt sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng. Trên thực tế, nhiều nước do có chính sách ngoại giao tốt đã bảo vệ đất nước, hoặc tránh cho đất nước khỏi các cuộc chiến tranh xâm lược và cũng có nước do chính sách ngoại giao không tốt nên dẫn đến chiến tranh, xung đột, bất ổn về chính trị… Ngày nay, ngoại giao có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã xác định: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[3]. Vì vậy, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoạt động ngoại giao, phải tận dụng được ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việc mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế với các nước luôn hướng vào việc phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước; đồng thời phải giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

 

Bốn là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi vì, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là để phòng vệ, sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại, hành động xâm lược của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Nhiệm vụ này phải được tiến hành ngay trong thời bình một cách chặt chẽ, phù hợp, cân đối với nền kinh tế của đất nước. Thực hiện tốt nội dung này, đòi hỏi phải quán triệt và vận dụng tốt chủ trương của Đại hội XIII về xây dựng Quân đội: Phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thực hiện lộ trình đó, Quân đội đã và đang từng bước kiện toàn lại tổ chức biên chế của các lực lượng. Đối với lực lượng thường trực, xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, ưu tiên cho những đơn vị chiến đấu, những đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng; xây dựng một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đối với lực lượng dự bị động viên xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống khẩn cấp hoặc khi có chiến tranh. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.

 

Một yêu cầu chung trong xây dựng lực lượng vũ trang là phải vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thường xuyên cảnh giác, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp nảy sinh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân trong bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội… kiên quyết, kiên trì giữ chắc biên giới, biển đảo, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược giữ nước của cha ông ta trong lịch sử dân tộc. Đó là kế sách bảo vệ đất nước một cách chủ động, thường xuyên liên tục, được tiến hành khi đất nước chưa có chiến tranh với tất cả các biện pháp: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm nâng cao thực lực đất nước về mọi mặt. Trong đó, sức mạnh quân sự là biểu hiện tập trung của ý chí toàn dân, của cả nền kinh tế nhằm đánh thắng kẻ thù hoặc sẵn sàng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Kế thừa tư tưởng giữ nước từ khi nước chưa nguy của cha ông ta trong lịch sử, Đảng ta đã vận một cách sáng tạo trong cuộc chiến tranh giải phóng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa thể hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, hòa bình, thịnh vượng; vừa thể hiện tính chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược. Do vậy, tất cả những hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều tác động đan xen qua lại lẫn nhau nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên

Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

 



[1]Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 79.

[2] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr.339.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.162.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết