Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Ngày phát hành: 01/07/2022 Lượt xem 1953

 

Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, có những vấn đề nổi bật cần được quan tâm trước tiên. Đó là cần nhận rõ tình hình mới, nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch và khó hơn nữa là xác định được những yêu cầu cần thiết để xây dựng các luận cứ đấu tranh có sức thuyết phục. Chỉ có nhận rõ tình hình mới trên phạm vi quốc tế và trong nước, mới tìm được những nguyên nhân và nguyên cớ của những quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời phải đặt ra được những yêu cầu cần thiết nhất mới có thể đưa ra những luận cứ xác đáng, thích hợp để đấu tranh đối với từng đối tượng cụ thể. 


1 Tình hình mới
1.1 Tình hình thế giới

Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực hóa về trật tự chính trị, đa dạng hóa về phát triển văn hóa, tin học hóa trong đời sống xã hội, gia tăng hóa sự gắn kết, phụ thuộc vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Bối cảnh đó ẩn chứa nhiều chuyển biến lớn lao phức tạp khó lường, vừa mang đến cho con người những thời cơ, vận hội và tràn đầy hy vọng, vừa đặt ra trước mắt nhiều nguy cơ, thách thức và những lo lắng bất an.
Tình hình mới trên thế giới có thể nhận rõ qua những chuyển biến nổi bật.


Thứ nhất, sự chuyển dịch quyền lực theo hướng từ Tây sang Đông. Thế giới đã chứng kiến 3 cuộc chuyển giao quyền lực lớn làm thay đổi cơ bản đời sống quốc tế trên mọi mặt, từ chính trị, quân sự đến kinh tế - văn hóa. Cuộc chuyển giao quyền lực thứ nhất là sự trỗi dậy của Châu Âu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, thương mại và đầu tư. Cuộc chuyển giao thứ hai là sự trỗi dậy của Mỹ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Mỹ trở thành siêu cường chi phối trật tự quốc tế đến cuối thế kỷ XX. Bước vào thế kỷ XXI, do suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, dẫn tới sự chuyển dịch quyền lực thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông và dẫn tới sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự chuyển dịch lần thứ ba này đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc tới toàn cầu. Cuộc xung đột Nga – Ucraina cũng là xung đột giữa Nga với NATO mà đứng đầu là Mỹ, chứng tỏ vị thế của Nga trên trường quốc tế đã khác trước và quyền lực của Nga phải được khẳng định. Đó cũng là điển hình của sự chuyển dịch quyền lực, làm cho cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh như vậy, sự cọ sát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh, chính trị thế giới.


Thứ hai, các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng. Ngày nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, nghèo đói và dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng. Trong những vấn đề gay cấn và là những thách thức to lớn đó, thế giới đang chứng kiến đại dịch Covid-19 gây bao tai họa khiến hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người chết và hàng chục nghìn tỷ Đôla bị tiêu tốn, thất thoát. Còn nữa, các cảnh báo rất cấp bách là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là các mối họa lớn, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Cùng với những vấn đề đe dọa an ninh toàn cầu nêu trên, an ninh biển cũng đang nổi lên trong thời gian tới. An ninh biển không chỉ liên quan đến an toàn các tuyến đường hàng hải mà ngày càng mở rộng ra các khía cạnh khác như an ninh môi trường biển, các nguồn lợi hải sản. Do tác động của việc gia tăng các tranh chấp biển, đảo và các chuyển biến của an ninh phi truyền thống khác, an ninh biển sẽ trở thành một trong những vấn để chi phối quan hệ giữa các nước.
Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã nhận xét: “chân trời có vẻ tối đi". Thế giới đang ở trong thời kỳ có nhiều xáo động. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên rất mạnh, chủ nghĩa phân hóa cũng đang phát triển và những tư tưởng cũng như hành vi cường quyền, cực đoan đang trỗi dậy. Trong khi các cuộc "Cách mạng màu" đã làm tan hoang một số nước tại Trung Đông, Bắc Phi; thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế chưa bao giờ phức tạp như bây giờ. Chủ nghĩa khủng bố, điển hình là IS vẫn đang duy trì hoạt động tại Irắc, Syria và ở một số nước khác, đã không chỉ gây ra những bất ổn và biến động chính trị, quốc phòng, an ninh tại nhiều nước mà còn lôi cuốn nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vào “chảo lửa" này. Nguy hiểm hơn, các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu, châu Á gây mất an ninh, an toàn xã hội. Những vụ tấn công nhằm vào Pháp, Bỉ, Anh, Nga, lan sang một số nước Đông Nam Á như Philippin, Indonesia cho thấy tất cả những điều đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, mà sẽ kéo dài, vô cùng phức tạp.


Thứ ba, trào lưu dân túy có chiều hướng gia tăng. Trào lưu dân túy trong thời gian gần đây đang nổi lên mạnh mẽ ở các nước phát triển. Ở châu Âu, lần đầu tiên các đảng dân túy có mặt tại hầu hết các quốc hội, chiếm ít nhất 10% số phiếu ủng hộ tại 16 nghị viện châu Âu, là lực lượng lớn nhất trong quốc hội 6 nước (Hy Lạp, Hungary, Italia, Ba Lan, Slovakia và Thụy Sỹ). Trào lưu dân túy ở châu Âu có đặc điểm là phản đối xu hướng liên kết hội nhập, phê phán các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chống nhập cư, phản đối việc đặt lợi ích của EU lên trên chủ quyền và lợi ích quốc gia. Ở Mỹ, trào lưu dân túy cánh hữu nổi lên có sự tham gia của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa và một số thành viên Đảng Dân chủ theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” để lôi kéo cử tri. Trào lưu dân túy hiện đang gây ra một số tác động khá tiêu cực. Ở trong nước, các trào lưu dân túy làm tăng thêm các mâu thuẫn nội bộ, đẩy tình trạng bất ổn lên cao, làm cho chính sách đối nội và đối ngoại bất định. Đối với bên ngoài, trào lưu này chống liên kết, hội nhập quốc tế và khu vực, gắn ưu tiên thậm chí ly khai khỏi các cơ chế đa phương như trường hợp Anh rút khỏi EU, Mỹ rút khỏi TPP và rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều đó làm giảm hợp tác, tăng cạnh tranh, xung đột và do đó đưa đến những căng thẳng mới trong quan hệ quốc tế.


1.2 Tình hình trong nước
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, điều đó làm cho công tác lý luận nói chung và cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng, có một “cốt vật chất” vững chắc để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng mặt khác, những thách thức đối với cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cũng không hề nhỏ mà lý do chính là những tồn tại, khiếm khuyết trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước.
Trong những năm qua kinh tế vĩ mô của nước ta cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. “Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới ... Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có một số mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”.  Đánh giá 10 năm qua, Đại hội XIII của Đảng nhận định “kinh tế xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn thách thức, công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa…” 
Có một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là mọi tình hình thế giới và trong nước, cả mặt thuận và mặt trái đều có thể hấp thụ được qua nhiều cách, nhiều chiều trên nhiều phương diện. Việc nghe, nhìn, cũng như suy nghĩ của mỗi người trong điều kiện thông thoáng bên trong, mở cửa, hội nhập với bên ngoài hôm nay đã khác hôm qua. Điều đó có tác động lớn đến công tác đấu tranh tư tưởng.


1.3 Những âm mưu và thủ đoạn mới trong hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
Chống phá chủ nghĩa xã hội, trong đó có cách mạng Việt Nam là âm mưu lâu dài, nhất quán và hoạt động thường xuyên của các thế lực thù địch. Hiện nay, một số thế lực chuyển hướng chống phá cách mạng nước ta bằng phương thức phi vũ trang thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của các thế lực thù địch với những phương thức hành động tổng lực, phức hợp, rộng lớn; được tiến hành trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội bằng mọi biện pháp. Âm mưu thâm độc mới mà các thế lực thù địch đang tăng cường là sử dụng con đường ngắn nhất để lôi kéo Việt Nam theo họ, dùng chính trị tác động đến thể chế xã hội, dùng kinh tế để chi phối sự lãnh đạo của Đảng, dùng văn hóa phương Tây để làm lu mờ bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc Việt Nam, dùng quần chúng để làm tăng sự đối lập giữa quần chúng với Đảng, với chế độ.
Với ý đồ đó, các thế lực thù địch thực hiện một loạt các bước chống phá được che đậy trong các hoạt động như ngoại giao thân thiện, chi phối đầu tư, viện trợ kinh tế, cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh, trao các giải thưởng cho các văn nghệ sĩ biến chất, tiếp cận và lôi kéo các phần tử thoái hóa để lũng đoạn nội bộ ta. Chúng ráo riết chống phá bằng các chiêu trò vừa công khai, vừa bí mật, kết hợp bên trong với bên ngoài ra sức tuyên truyền những quan điểm phản động hòng làm thay đổi quan điểm, lập trường chính trị của một số phần tử và phổ biến lan truyền nhân rộng đối tượng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm xói mòn và suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, làm suy yếu hệ thống chính trị của chúng ta.
Thời gian qua, các thế lực phản động gia tăng các hoạt động “diễn biến hòa bình” trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet. Chúng duy trì sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, trên 400 báo, tạp chí, 88 nhà xất bản tiếng Việt, hàng nghìn Website, blog. Trên các phương tiện đó, chúng đăng tải hàng ngàn, thậm chí hàng vạn tin, bài xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng thúc đẩy hình thành các hội, nhóm “xã hội dân sự” trong nước, hậu thuẫn cho những hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống chế độ; ủng hộ, cổ vũ, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động chống đối trong nước, tạo điều kiện kết nối với các mạng lưới phản động ngoài nước, tìm cách đưa người ra nước ngoài huấn luyện và tung về nước hoạt động chống phá.


2 Yêu cầu đối với việc xây dựng luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một phần quan trọng của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, là bộ phận cốt yếu của cuộc đấu tranh tư tưởng, có tác động to lớn tới sự ổn định và phát triển của chế độ xã hội. Đảng ta luôn khẳng định đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp thiết giúp chúng ta khẳng định quan điểm, lập trường và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, để đất nước ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh mới, có nhiều thuận lợi mới và không ít khó khăn, thách thức mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng để chúng ta vững bước đi lên. Điều đó làm cho công tác lý luận có một cơ sở thực tế mới, có một “cốt vật chất” vững chắc để thực hiện những nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện nay vẫn tồn đọng một số vấn đề đáng được quan tâm giải quyết và cũng là những khó khăn đối với công tác lý luận và đấu tranh lý luận.
Bên cạnh đó, những thách thức đối với công tác lý luận từ bên ngoài tác động vào Việt Nam cũng không hề nhỏ. Đó là những nghịch lý và những diễn biến khó lường và khó dự báo của thế giới hiện nay. Ngay cả những giá trị cao đẹp và đích thực mà nhân loại dày công tạo dựng, vun đắp như hòa bình, độc lập, chủ quyền, công bằng, tiến bộ xã hội ... cũng bị những thế lực đế quốc phản động dùng mọi mưu mô đánh phá. Đã thế, có một tình hình là thông tin về mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội ở mọi nơi trên thế giới và trong nước, cả mặt thuận và mặt trái, đều có thể hấp thụ được qua nhiều cách, nhiều chiều trên nhiều phương diện. Từ đó trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải kế thừa những cách thức và phương pháp vốn có, đồng thời phải có cách làm đổi mới, sáng tạo để tìm ra được những luận cứ sắc bén. Điều căn bản nhất là thấy hết những yêu cầu mới đặt ra trong khi xây dựng các luận cứ mang tính khoa học và có tính thuyết phục để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh lý luận hiện nay. Những yêu cầu đó thể hiện trên một số nội dung chính yếu sau: 


2.1 Phải nhận rõ những khó khăn, vướng mắc
Trong việc xây dựng các luận cứ cho cuộc đấu tranh lý luận, cần nhận rõ sự phức tạp trên con đường cách mạng nước ta vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên con đường đó, chúng ta gặp không ít khó khăn, không ít lực cản. Có những khó khăn do chính bản thân chúng ta không lường hết, khó khăn nội tại do chủ quan duy ý chí hoặc do bảo thủ trì trệ dẫn tới sự đình đốn thậm chí vấp ngã. Từ đó dẫn tới sự lúng túng và thiếu lý lẽ thậm chí bế tắc trong lập luận. Sự kiện ở Liên Xô trước đây và Đông Âu - những nơi mà chủ nghĩa xã hội hiện thực tưởng như rất vững chắc, nhưng đã bị tan rã một cách nhanh chóng, đã cho ta bài học sâu cả về tính phức tạp của thế giới đương đại và những trắc trở, khó khăn của con đường đi tới tương lai của loài người. Vấn đề đặt ra là vận mệnh của chủ nghĩa xã hội sẽ phụ thuộc vào chính việc nhìn nhận rõ và khắc phục tốt những vướng mắc bên trong của xã hội xã hội chủ nghĩa, nhất là khi chủ nghĩa xã hội chưa được xây dựng một cách hoàn hảo. Đó là những vấn đề nảy sinh từ tính phức tạp của thực tiễn mà ta chưa lường hết và có trường hợp từ sai lầm về nhận thức dẫn tới sai lầm về hành động, từ sự thiếu hiểu biết mà làm sai, làm ẩu; sự thiếu nhạy cảm nên chậm chạp để mất thời cơ, sự vi phạm nguyên tắc dẫn tới sự chệch hướng.
Thực tiễn quá trình cách mạng của chúng ta hiện nay cũng chứa đựng những vấn đề không đơn giản. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ tất yếu mà chúng ta đang tiến hành. Nhưng ai cũng biết, mặc dù chúng ta luôn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phát triển kinh tế thị trường càng mạnh thì tính tự phát của khuynh hướng tư bản chủ nghĩa cũng sẽ tăng lên. Chúng ta lại đang ở thời kỳ quá độ, trong đó nền kinh tế và cả xã hội cũng có những vấn đề quá độ đan xen nhau rất khó rạch ròi. Quá trình mở cửa hội nhập, chủ động làm ăn với các nước tư bản chủ nghĩa lại sử dụng những giải pháp và cách thức phát triển của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra nhiều thách đố đối với công tác lý luận và đặc biệt là công tác đấu tranh về lý luận để bảo vệ những nguyên lý và quan điểm, định hướng của chúng ta. 


2.2 . Phải xuất phát từ tư duy khoa học và sáng tạo 
Để có sức thuyết phục, mọi lý lẽ được sử dụng phải mang tính khoa học và sáng tạo. Chúng ta đều thấy rằng: Một mặt, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và xã hội xã hội chủ nghĩa được hình thành một cách khoa học, có khảo sát, phân tích thấu đáo trên cơ sở vận dụng những qui luật khách quan. Nhưng mặt khác, đôi khi chúng ta không chú ý hoặc vô tình bỏ qua một vấn đề quan trọng là những luận thuyết về chủ nghĩa xã hội được xác lập dựa vào những phương pháp trừu tượng rất cao. Phải tìm tòi và gạt bỏ những vấn đề, những yếu tố đặc thù, hoặc không cơ bản để đi sâu vào lý giải những vấn đề cốt lõi. Lý thuyết nguyên bản cội nguồn đó khi được áp dụng vào những tình huống cụ thể, lẽ ra phải tính tới sự gắn kết những điều kiện bên ngoài với bên trong và phải được soi rọi từ thực tế thì sự vận dụng nhiều khi biệt lập, không cân nhắc đến khía cạnh đó nên dễ bị khiên cưỡng và thường gặp những vướng mắc khó có thể tháo gỡ. 
Tính trừu tượng cao của chủ nghĩa xã hội khoa học chính là những nguyên lý chung nhất, mang tính phổ biến nhất có thể áp dụng cho mọi nơi, mọi nước. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể không tính đến, thậm chí phải hết sức tính đến những điều kiện đặc thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng một cách sáng tạo như thế. Trên cơ sở nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học, tinh thần biện chứng và nhân đạo của học thuyết Mác-Lênin, Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết đó cùng với việc kế thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại để đưa ra những tư tưởng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam. Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi, trở thành nền tảng tư tưởng bền vững của dân tộc và có sức lan tỏa ra thế giới.


2.3 Phải có cách nhìn nhận tổng thể
Để hình thành các luận cứ khoa học phải có cách nhìn tổng thể, không được phiến diện, tuyệt đối hóa một chiều và không công thức hóa. Phiến diện và tuyệt đối hóa sẽ dẫn tới làm mất đi tính khoa học của lý luận và tính phong phú của thực tế, làm cho lý luận bị ngưng đọng và không đủ uyển chuyển để tìm ra những luận cứ đấu tranh. Như khi luận bàn về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, chúng ta có lúc đánh giá nhìn nhận quá cao tác dụng “mở đường” của quan hệ sản xuất; lúc khác thì chỉ để ý đến vấn đề lợi ích, đến việc phát huy các yếu tố của lực lượng sản xuất nên coi nhẹ, thậm chí quên mất việc quan hệ sản xuất phù hợp cũng có những tác động chủ động và tích cực đối với lực lượng sản xuất. Vấn đề sở hữu cũng vậy, trước đây trong lý thuyết chúng ta chú trọng hết sức đến hai hình thức sở hữu trong xã hội chúng ta là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, coi đó là điều tuyệt đối đúng, là hình thức cơ bản đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Cho đến hiện nay, khi xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì xuất hiện những nhận thức lửng lơ, phó mặc, ít chú trọng tới việc củng cố, hoàn thiện các thành phần kinh tế mang tính chủ đạo, nền tảng là kinh tế nhà nước và hợp tác xã. 
Vấn đề công thức hóa cũng vậy. Khi nói về kết cấu và bản chất của chủ nghĩa xã hội, đôi khi chúng ta mô tả nó một cách công thức đơn giản, hời hợt, sơ lược, coi như không có mâu thuẫn; không nhìn thấy hết và không quan tâm hết đến các hệ thống lợi ích khác nhau của các tầng lớp xã hội. Tất cả những điều đó đã vô tình hạ thấp vị trí và vai trò của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và trên thực tế sẽ tạo ra những cơ chế kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


2.4 Căn cứ từ thực tiễn
Luận cứ để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cần lấy căn cứ từ thực tiễn, quan tâm đến vấn đề của thực tiễn đặt ra. Nếu trong đấu tranh lý luận mà cứ đi theo công thức định sẵn, không chú ý đến các vấn đề mới nảy sinh trong kinh tế, không để tâm đến tâm trạng xã hội và tình cảm của nhân dân thì không thể đủ sức thuyết phục. Một khi công tác tư tưởng, lý luận cứ theo một khuôn khổ cứng nhắc, không đề cập đến những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh vào hoạt động của mình thì nhất định các tư tưởng lý luận xa lạ sai lệch sẽ xen vào. Trong những dạng thức tư tưởng dễ xâm nhập vào quần chúng, phải kể đến ý thức tư tưởng tiểu tư sản. Ý thức tiểu tư sản thường được “tái sinh” từ sự chủ quan của công tác tư tưởng nói chung và công tác đấu tranh lý luận nói riêng; từ những vi phạm nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong sản xuất, phân phối và trong cả sinh hoạt đời sống đã động chạm đến lợi ích vật chất, quyền lợi của quần chúng lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa tự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân, đứng lên giành chính quyền, xây dựng xã hội mới. Trên từng bước đường đổi mới gặp vô vàn khó khăn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chứng minh một cách rõ ràng cho quần chúng hiểu được những điều cụ thể, từng công việc cần làm và sẽ làm được nếu tất cả mọi người cùng giác ngộ, cùng quyết tâm, đồng lòng chung sức.


2.5 Mục tiêu là củng cố niềm tin
Luận cứ của cuộc đấu tranh tư tưởng phải hướng vào chủ đích là củng cố niềm tin, sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tin vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một điều rất hiển nhiên là, triển vọng phát triển của đất nước phụ thuộc đáng kể vào tư tưởng và nhận thức của con người. Khi tư tưởng đã thông, thống nhất một cách nghĩ sẽ biến ý chí thành hành động, làm cho triệu người đồng lòng chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội tiến lên. Yếu tố cốt lõi đưa tới thống nhất tư tưởng và hành động là niềm tin. Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức và nằm trong chiều sâu nhận thức, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với việc định hướng tư tưởng và định hướng hành động. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân là keo gắn trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 


Để xác lập và củng cố niềm tin, điều cần thiết nhất là phải nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ hiểu biết cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, đối với mỗi chúng ta, chỉ có tình cảm là không đủ, mà phải là tình cảm cách mạng dựa trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc. Có như vậy mới định hướng đúng cho mình khi gặp những điều kiện và biến cố phức tạp trong một thế giới đầy xáo động, ngổn ngang, bất trắc khôn lường. Có như vậy mới đủ kiên định trước mọi thử thách của thời cuộc.

 

GS.TS Vũ Văn Hiền 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết