Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề lý luận về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị

Ngày phát hành: 22/06/2022 Lượt xem 4548

 

1. Sự phát triển nhận thức của Đảng về phương thức lãnh đạođổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị

Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra nhiệm vụ đổi mới trên cả bốn mặt: tư duy, tổ chức, cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác. Phải đổi mới đồng bộ cả bốn mặt này, trong đó phong cách lãnh đạo và công tác là một mặt có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp liên quan đến việc đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống.

 

Qua thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, nhận thức của Đảng về  phong cách lãnh đạo và công tác có sự phát triển đột phá với việc Nghị quyết số 06-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) Kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới, ngày 29-3-1989 đã thay thế khái niệm phong cách lãnh đạo và công tác bằng khái niệm phương thức lãnh đạo. Việc sử dụng khái niệm phương thức lãnh đạo là để phân biệt rõ phương thức lãnh đạo là thuộc về cơ quan lãnh đạo của Đảng (từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp uỷ đảng ở các ngành, các địa phương và cơ sở), còn phong cách lãnh đạo, công tác là thuộc về từng cán bộ, đảng viên.

 

Phương thức lãnh đạo của Đảng là những cách thức, hình thức, biện pháp gắn với những quan điểm và nguyên tắc xác định, được các tổ chức Đảng, các cấp uỷ Đảng lựa chọn và sử dụng để tác động vào những đối tượng mà Đảng lãnh đạo, với tính chất là chỉ đường, hướng dẫn cho những đối tượng đó thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Còn phong cách lãnh đạo, công tác (vẫn thường gọi là tác phong) là lề lối làm việc, cung cách, cách thức, phong thái của một cán bộ, đảng viên, thể hiện ra trong hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng:

- C­ương lĩnh, chiến l­ược, các định hư­ớng về chính sách và chủ tr­ương lớn.

- Công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động.

- Công tác tổ chức, cán bộ.

- Công tác kiểm tra, giám sát.

- Hành động g­ương mẫu của đảng viên.

- Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị[1].

Đây là những phương thức lãnh đạo cơ bản, chung của Đảng. Còn đối với từng đối tượng lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ có những đặc thù cho phù hợp. Về tổng thể, có thể chia thành 2 nhóm phương thức lãnh đạo của Đảng:  phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Phương thức lãnh đạo không phải ''nhất thành bất biến'', mà phải thay đổi cùng với sự thay đổi của nhiệm vụ cách mạng, của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, của các đối tượng mà Đảng lãnh đạo.

 

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong điều kiện mới là toàn bộ hoạt động của Đảng và những tổ chức có liên quan nhằm thay đổi từng phần hoặc toàn bộ một nội dung nào đó của phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị hiện có theo hướng tích cực, tiến bộ, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đem lại kết quả cao hơn, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng.

Trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, những kinh nghiệm tốt, những bài học hay của thời kỳ trước phải được kế thừa, phát triển trong thời kỳ sau; những gì sai phải loại bỏ, những gì không còn phù hợp phải vượt qua. Từ đó có thể thấy, phương thức lãnh đạo là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chủ thể lãnh đạo phải năng động và có nhiều sáng tạo nhất. Căn cứ vào các phương thức lãnh đạo của Đảng và thực tiễn, có thể xác định nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị hiện nay gồm những nội dung chính:

 Một là, đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động

Ba là, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ

Bốn là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên làm việc trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

 

 

2. Vai trò phương thức lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị hiện nay

 Phương thức lãnh đạo của Đảng thuộc về phương pháp cách mạng; là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có vai trò rất lớn đối với xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, củng cố, nâng cao uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn cho thấy, muốn giành thắng lợi cho cách mạng, Đảng không phải chỉ đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, mà còn phải tìm ra được phương pháp cách mạng thích hợp. Trong phương pháp cách mạng thì phương thức lãnh đạo là nội dung chủ yếu nhất. Nhờ phương thức lãnh đạo đúng đắn, hoạt động của Đảng được thể hiện hiệu quả trong thực tiễn, được nhân dân thừa nhận. Qua đó, uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên.   

 

Hiện nay, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là rất to lớn, nặng nề và có nhiều nội dung mới. Đảng không thể sử dụng nguyên phương thức lãnh đạo của các giai đoạn cách mạng trước để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đó. V.I. Lênin đã dạy: "Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua"[2]. Do đó, để lãnh đạo công cụôc đổi mới thành công, Đảng phải đổi mới và xác định phương thức lãnh đạo hệ thống chính trị cho phù hợp với yêu cầu mới. Đặc biệt ở nước ta chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng tác động trực tiếp đến hoạt động của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phương thức lãnh đạo đúng sẽ tạo động lực cho các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, vị trí của mình; ngược lại, nếu phương thức lãnh đạo của Đảng không phù hợp, sẽ kìm hãm sự phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, thậm chí làm biến dạng Đảng và hệ thống chính trị với những hậu quả khó lường.

 

3. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị

Chỉ mấy năm lãnh đạo chính quyền Xôviết sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã phát hiện “những quan hệ không đúng giữa Đảng và Nhà nước, từ đó, Người đã tìm cách đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo V.I.Lênin, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và các tổ chức trong xã hội cần phải thay đổi theo các phương hướng sau:

 

Một là, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng chứ không làm thay nhà nước; cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng với nhiệm vụ của Chính quyền Xôviết. V.I.Lênin cho rằng, ở vị trí đảng cầm quyền, trọng trách của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội trên mọi phương diện, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Song, không phải Đảng trực tiếp thực hiện những công việc đó, đồng thời cũng không phải lãnh đạo bằng các mệnh lệnh từ trên ban xuống theo kiểu “tôi có quyền, tôi ra lệnh, anh phải phục tùng”, mà Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. V.I. Lênin chỉ rõ: “trong nước Cộng hòa của chúng ta không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà lại không có chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng”[3].

Khi thực hiện chính sách kinh tế mới, một vấn đề đặt ra là Đảng có trực tiếp bắt tay vào giải quyết những vấn đề về kinh tế thuần túy không, hay Đảng, Đại hội của Đảng chỉ đề ra đường lối, nguyên tắc về vấn đề phát triển kinh tế? V.I.Lênin khẳng định: “Nếu tưởng rằng đại hội này có thể giải quyết được vấn đề thì lầm mất. Những quy định về pháp luật của chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ấy; nhiệm vụ của chúng ta chỉ là định đường lối nguyên tắc và nêu ra khẩu hiệu. Đảng ta là một đảng cầm quyền và những quyết định do Đại hội của Đảng thông qua là những điều mà toàn nước Cộng hòa phải tuân theo; cho nên, ở đây, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề ấy về nguyên tắc”[4].

 

Từ năm 1922 V.I. Lênin đã phát hiện “những quan hệ không đúng giữa Đảng với các cơ quan xôviết và thừa nhận việc sửa chữa được hiện tượng đó là việc rất khó, vì “ở nước ta chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo”. Người đề nghị Ban chấp hành trung ương Đảng “cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban chấp hành trung ương của nó) với nhiệm vụ của Chính quyền Xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô-viết và các cơ quan Xô-viết, còn về Đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”[5].

V.I. Lênin rất quan tâm tới việc hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trên tất cả các phương diện khác trong hoạt động của Nhà nước, trước hết là vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa vai trò, chức năng lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và chức năng quản lý của Nhà nước sao cho Đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo ở tầm chiến lược và Nhà nước là cơ quan quyền lực của dân, có thực quyền, đủ sức mạnh để điều hành mọi hoạt động quản lý.

 Vấn đề phân định nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ quản lý của Nhà nước được V.I.Lênin đề cập một cách quyết liệt. Người chỉ rõ: chừng nào mà Ban chấp hành trung ương Đảng và toàn Đảng còn tiếp tục làm công tác quản lý hành chính, nghĩa là quản lý nhà nước, thì Đảng không thể gọi là người lãnh đạo được. Người khẳng định cần phải thay đổi cách lãnh đạo của Đảng, phải “chấm dứt cả tình trạng là tất cả mọi vấn đề vụn vặt cũng đều đưa ra trước Ban chấp hành trung ương, mà phải nâng cao uy quyền của Hội đồng dân uỷ”[6], và cảnh báo: “nếu cứ lãnh đạo Đảng bằng cách đó, thì chúng ta nhất định đi tới chỗ diệt vong..., cần phải phân định rõ chức năng, quyền hạn của bộ máy của Đảng và bộ máy của Xô-viết ”[7].

 

Hai là, tăng cường lãnh đạo Nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước. Về nhiệm vụ của những cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước, V.I. Lênin đã chỉ rõ: “các đồng chí là những người cộng sản, các đồng chí là công nhân, các đồng chí là bộ phận giác ngộ của giai cấp vô sản, các đồng chí là những người đảm nhiệm việc lãnh đạo Nhà nước, các đồng chí hãy làm thế nào cho Nhà nước mà các đồng chí nắm trong tay phải hoạt động như các đồng chí mong muốn”[8]. V.I. Lênin yêu cầu những cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước - những người đã được “hàng triệu công nhân, binh sĩ và nông dân, trao chính quyền ấy cho đại biểu của Đảng”[9] - phải chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, phải tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước.

Trong công tác cán bộ nhà nước và các tổ chức xã hội, đặc biệt là những chức vụ chủ chốt, V.I. Lênin nhấn mạnh quyền quyết định của Đảng: “Chừng nào một đảng cầm quyền còn quản lý, chừng nào đảng ấy còn phải giải quyết tất cả mọi vấn đề về những sự bổ nhiệm khác nhau, thì anh không thể để có tình trạng là việc bổ nhiệm các chức vụ nhà nước quan trọng nhất lại do một đảng không lãnh đạo tiến hành”[10].

 

Ba là, chú trọng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra. V.I.Lênin chỉ ra rằng: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”[11]. Thông qua công tác kiểm tra mà Đảng phát hiện, sáng tạo ra cái mới, cái tốt hơn, tìm ra phương thức lãnh đạo phù hợp với thực tiễn hơn.  V.I. Lênin chỉ rõ hướng đổi mới công tác kiểm tra: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”[12]. Từ thực tiễn Đảng Cộng sản (b) Nga cầm quyền sau cách mạng tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã đề xuất thành lập Ban Kiểm tra của Đảng với địa vị ngang với Ban Chấp hành Trung ương và tìm cách hợp nhất cơ quan này với Bộ dân ủy Thanh tra Công nông để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm trong điều kiện Đảng cầm quyền.

 

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng cách lãnh đạo đúng khi trở thành Đảng cầm quyền. Trong sách Đường cách mệnh xuất bản năm 1947, ngay sau cách mạng thàng Tám, Hồ Chí Minh đã dành hẳn một chương sách để hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên cách lãnh đạo đúng, sửa những khuyết điểm trong cách lãnh đạo. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới phương thức lãnh đạo như sau:

 

- Phải đổi mới cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách theo cách dựa vào dân. Theo Hồ Chí Minh, “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”[13]. Muốn có chính sách đúng, Người chỉ rõ: “Mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”[14]. Đảng phải “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng”[15]; “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[16].

 

Vì vậy, Đảng cần có các hình thức thích hợp để tham khảo ý kiến rộng rãi của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ dẫn trước hết: “Người lãnh đạo ắt phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”[17]. Bên cạnh đó, người lãnh đạo “phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi gợi cho họ nói”[18].

 

Để biến những sáng kiến của quần chúng thành những chủ trương của  Đảng để lãnh đạo quần chúng, người lãnh đạo phải biết: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng… Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm… Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”[19]. Hết sức coi trọng kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng nhân dân, nhưng Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở các cán bộ, đảng viên “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”[20].

 

Trong quá trình ra một chủ trương, nghị quyết của Đảng, theo Hồ Chí Minh cần có sự áp dụng thí điểm, sau đó nhân rộng những điển hình, đúc rút kinh nghiệm, cuối cùng mới hình thành nên chủ trương, chính sách áp dụng rộng rãi trong công tác lãnh đạo. Người chỉ dẫn: “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới… Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”[21]; “phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia, việc gì cũng từ trên xuống. từ nay việc gì cùng phải từ dưới nhoi lên”[22].. 

 

- Phải đổi mới cách tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đã đề ra sát với tình hình thực tế. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành”[23]. Sự chần chừ, thiếu kiên quyết và thi hành nghị quyết không đến nơi đến chốn đều là cách lãnh đạo không đúng. Trong việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, yêu cầu đối với các tổ chức đảng là phải biết áp dụng chúng một cách sát hợp với hoàn cảnh thực tế của các địa phương, các ngành. Người chỉ rõ: “Tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc”[24]. Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ “thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở”. Để lãnh đạo một cách thiết thực và có hiệu quả, hiện thực hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, Người căn dặn cán bộ lãnh đạo phải đổi mới phong cách làm việc, “phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước”[25].

 

- Phải đổi mới cách lãnh đạo bằng công tác cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[26]. Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn rất sâu sắc cách lựa chọn cán bộ đúng. Người lưu ý: “Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc thì phải thải đi. Ngoài ra có hai hạng người cũng phải chú ý: Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”… Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu và để cho họ giữ vững kỷ luật của Đảng, của Chính phủ. Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông… Những người như thế cũng không thể dung vào công việc thực tế”[27].

 

- Phải đổi mới cách lãnh đạo bằng vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo. Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”[28]. Riêng đối với cán bộ phụ trách công tác dân vận, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thay đổi cách vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đị, miệng nói tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[29].

 

- Phải đổi mới cách lãnh đạo bằng công tác kiểm tra

Công tác kiểm tra được Hồ Chí Minh ví như “ngọn đèn pha” giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn. Công tác kiểm tra không chỉ được tiến hành ngay từ khâu chuẩn bị các nghị quyết mà quan trọng hơn là phải làm thật tốt ở khâu cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết.

 

Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách lãnh đạo theo kiểu chỉ chú ý ban hành chủ trương, chính sách mà thiếu kiểm tra đôn đốc thực tế. Người phê bình những “cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế”[30]. Người chỉ dẫn: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[31].

 

Để làm tốt công tác kiểm tra, Đảng phải thay đổi cách kiểm tra, phải biết dựa vào dân, tăng cường việc kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Cách kiểm tra, giám sát từ quần chúng được Hồ Chí Minh coi là cách kiểm soát “từ dưới lên”, tức là “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sự sai lầm đó”[32].

 

5. Quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình đổi mới

  Sau khi phát triển khái niệm phương thức lãnh đạo, từ Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đến nay, tất cả các Đại hội Đảng đều đề ra nhiệm vụ, giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

 

Đại hội VII (1991) chủ trương: Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng chỉ ra các phương thức lãnh đạo cụ thể của Đảng, như: Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược và các định hướng về chính sách; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tổ chức, vận động; bằng vai trò gương mẫu của đảng viên và tổ chức đảng. Đảng giới thiệu những cán bộ có phẩm chất và năng lực vào cương vị lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Mọi cán bộ là đảng viên trong cơ quan nhà nước phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện sáng tạo nghị quyết của Đảng, gương mẫu chấp hành luật pháp của Nhà nước.

 

Đại hội VIII (1996) nêu chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với nhận thức mới: Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị; đề ra đường lối. chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước; nắm vững tổ chức và cán bộ để bảo đảm thực hiện có kết quả đường lối của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không chỉ thông qua cá nhân đảng viên; lãnh đạo bằng các quyết định của tập thể và bằng cách theo dõi, cho ý kiến chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, khuyến khích những mặt tốt, uốn nắn những lệch lạc. Đảng lãnh đạo phát huy mạnh mẽ vai trò và hiệu lực của Nhà nước chứ không điều hành thay Nhà nước. Đảng và mọi đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.

 

Đại hội IX (2001) chủ trương: Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đề cao phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng và tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên. Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Các cấp uỷ viên, nhất là cán bộ chủ chốt của cấp uỷ, phải có chương trình công tác ở cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và trả lời chất vấn của đảng viên và nhân dân. Chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng.

 

Đại hội X (2006) nhấn mạnh phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị theo phương châm: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể. Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với đổi mới phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm.

 

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội X về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ngày 30-7-2007, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết xác định mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị gồm 5 điểm, nêu 4 quan điểm chỉ đạo, và đề ra hệ thống các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là xác định rõ phương thức lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và phương thức lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với chính quyền, cơ quan tư pháp địa phương.

 

Đại hội XI (2011) nêu nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

 

Đại hội XII (2016) yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước.

 

Đại hội XIII (2021) nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ việc cụ thể hoá, thể chế hoá, tổ chức thực hiện nghị quyết; coi trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đảng. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.

 

Trên đây là một số vấn đề lý luận, nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện tốt việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới hiện nay cần nắm vững những vấn đề lý luận, nhận thức này để có cơ sở đề ra những giải pháp mới cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

 

  PGS,TS Nguyễn Văn Giang

Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 88-89.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Matxcova., 1978, tr.398. 

 

[3] Sđd,, t. 41, tr. 38.

[4] Sđd, t. 43, tr. 74.

[5] V.I. Lênin: Toàn tập, t.45; Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1978, tr.75.

[6] Sđd, t. 33, tr. 457-458.

[7] Sđd, tr. 469.

[8] Sđd, t. 45, tr. 103.

[9] Sđd, t. 35, tr. 53 - 54.

[10] Sđd, t. 42, tr. 204 -205.

[11] Sđd, t. 45, tr. 443.

[12] Sđd, t. 45, tr. 19.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.520.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.293.

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.298.

[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.290.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.286.

[18] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.295.

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.290-291.

[20] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.290-291.

[21] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.291.

[22] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.298.

[23] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.259.

[24] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2002, tr.611.

[25] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.210.

[26] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.520.

[27] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H, 2000, tr.286-287.

[28] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7 (1953-1955), Nxb CTQG, H, 2000, tr.233.

[29] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.699.

[30] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2002, tr.264.

[31] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.287.

[32] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.288.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết