“Diễn biến hòa bình” là chiến lược tiến công toàn diện, thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chúng xác định chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa là mặt trận quan trọng hàng đầu, là khâu đột phá; tiến công vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng là một mũi nhọn. Triệt để sử dụng internet, mạng xã hội, kênh youtube và một số hãng truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam, như: RFI, VOA, BBC… các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị phát động nhiều chiến dịch phát tán thông tin xấu độc xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng nhằm hạ thấp ý nghĩa, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã giành được; gây chia rẽ, làm mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch ráo riết xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng với nhiều luận điệu: Kẻ thì đánh tráo khái niệm, “lập lờ đánh lận con đen” một cách tinh vi; kẻ thì hằn học, trắng trợn; lại có người nêu vấn đề một cách nhẹ nhàng, tưởng như mang tính xây dựng “nên xem xét lại” vấn đề, sự kiện, nhưng thực chất, đó là mưu đồ hết sức thâm hiểm. Đối tượng tuyên truyền luận điệu sai trái, thù địch là một số kẻ từng làm việc cho chính quyền tay sai, mang nặng tâm lý hận thù; một số khác là sinh ra, lớn lên sau năm 1975, bị kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc hay thất thế, bất mãn. Đáng buồn, trong số này có một số cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ thoái hóa biến chất, bị lôi kéo, mua chuộc, tâng bốc thành những “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà cải cách”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”[1].
Hằng năm, chúng bám sát các sự kiện lịch sử để tăng cường hoạt động chống phá. Trong dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng xuyên tạc sự thật và cho rằng: Cách mạng Tháng Tám chỉ là hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống. Đối với hai cuộc chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975), có kẻ ngụy biện: Lẽ ra nhân dân ta tránh được hai cuộc chiến tranh tàn khốc chống Pháp, chống Mỹ nếu như các nhà lãnh đạo Việt Nam “khôn khéo, mềm mỏng hơn” trong quan hệ với Pháp và Mỹ. Chúng cố ý đồng nhất chiến tranh giành độc lập dân tộc với chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của thực dân, đế quốc để phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh cách mạng khi cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam; bình luận suy diễn, xuyên tạc về vấn đề “Ai là người soạn lời đầu hàng của Dương Văn Minh trưa 30/4/1975?”[2] để kích động, gây chia rẽ các cán bộ, nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, những kẻ mang nặng hận thù đã coi ngày 30/4/1975 là “nỗi tang thương to lớn”, là “ngày quốc hận”…
Các thế lực thù địch thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn, luận điệu thâm độc tiến công vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Chúng suy diễn “mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội đã thay đổi”, nên Quân đội đã “khuất phục, làm ngơ trước sự xâm lấn biển đảo của Trung Quốc”[3]; qua đó, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi “dân sự hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội. Chúng xuyên tạc lịch sử để kích động, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc[4], Việt Nam - Campuchia[5].
Trước, trong và sau Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, chúng phát tán nhiều thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử đời tư các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, suy diễn việc xử lý kỷ luật một số cán bộ Quân đội vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội là hoạt động “thanh trừng nội bộ... để tiến công vào truyền thống đoàn kết của Quân đội và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Những năm qua, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Quán triệt quan điểm của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương[6], Ban Chỉ đạo 35 và Lực lượng 47 các cơ quan, đơn vị đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, lực lượng, tổ chức đấu tranh với nội dung, hình thức, biện pháp, cách làm sáng tạo. Nhiều chuyên trang, chuyên mục, trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội hoạt động hiệu quả cao, bảo vệ uy tín của lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự thật lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, định hướng dư luận xã hội.
Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, đấu tranh triệt phá tin giả, thông tin xấu độc; cụ thể hóa Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia, Đề án Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Chỉ đạo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 08/01/2016 của Tổng cục Chính trị và triển khai các dự án công nghệ thông tin nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 và Lực lượng 47 trong Quân đội. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của 325 Ban Chỉ đạo các cấp, 9 đồng chí cán bộ Nhóm Chuyên gia, Cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương.
Là cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng, cơ quan đầu ngành lịch sử quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tâm nghiên cứu lịch sử quân sự của Nhà nước, trung tâm đào tạo sau đại học về lịch sử quân sự, Viện Lịch sử quân sự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: biên soạn các công trình lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh, lịch sử nghệ thuật quân sự, lịch sử tư tưởng - tổ chức quân sự, lịch sử hậu cần - kỹ thuật quân sự, tổng kết các cuộc chiến tranh; giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý công tác tổng kết và biên soạn lịch sử quân sự của toàn quân, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lịch sử quân sự và làm công tác thông tin về lịch sử quân sự.
Những năm qua, Đảng ủy Viện đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo, định hướng của Tổng cục Chính trị và nội dung Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Viện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 của Viện để chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch và ban hành Quy chế, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 của Viện nhanh chóng đi vào hoạt động, kịp thời theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị, nhất là những âm mưu, thủ đoạn, nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng trên internet, mạng xã hội; kịp thời tham mưu, đề xuất Đảng ủy Viện các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh. Căn cứ chỉ đạo của cấp trên, Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Viện đã hướng dẫn, chỉ đạo Lực lượng 47 xác định nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, bảo đảm phù hợp với lực lượng, phương tiện hiện có; động viên mọi cán bộ, nhân viên tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Viện, Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 xây dựng kế hoạch, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, nội dung cần tập trung đấu tranh trong từng giai đoạn, thời điểm; chú trọng các vấn đề tác động, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, dư luận, tâm trạng bộ đội và nhân dân, nhất là về các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, Quân đội để tuyên truyền, đấu tranh. Phối hợp chặt chẽ với các trang, nhóm, blog của các đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; sử dụng nhiều hình thức, phương pháp đấu tranh công khai, ẩn danh để giữ vững định hướng chính trị, tăng cường hiệu quả đấu tranh trên không gian mạng.
Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các trang, nhóm, blog, Cổng Thông tin điện tử của Viện nhanh chóng đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, liên tục có mức độ tăng trưởng cao về thành viên tham gia, theo dõi và số lượng bài viết đăng tải, lượt chia sẻ, bình luận tích cực. Kết quả hoạt động các trang, nhóm, blog, Công Thông tin điện tử của Viện góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng trên không gian mạng.
Tạp chí Lịch sử quân sự phát hành định kỳ hằng tháng thường xuyên đăng tải các bài viết của các nhà khoa học uy tín về những chủ đề phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa ra những thông tin chính thống, chuẩn xác về các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử làm cơ sở thống nhất nhận thức về lịch sử trong lực lượng vũ trang và nhân dân. Nhiều bài viết đấu tranh trực diện với những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng[7], góp phần bảo vệ sự thật lịch sử, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Với những kết quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, Viện Lịch sử quân sự được Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao[8]. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Viện Lịch sử quân sự, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên. Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho thấy, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Để hoạt động đấu tranh đúng định hướng, đạt hiệu quả, đòi hỏi phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên, Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa vào quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cần kết hợp chặt chẽ giữa lựa chọn những cán bộ, nhân viên đủ trình độ lý luận, có trách nhiệm cao, tích cực, sáng tạo trong đấu tranh để làm nòng cốt, đảm nhiệm vai trò quản trị viên, người kiểm duyệt với huy động, động viên mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị, phối hợp chặt chẽ với Lực lượng 47 của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia đấu tranh.
Ba là, phát huy thế mạnh của Viện trong tổ chức đấu tranh. Với thế mạnh là cơ quan chiến lược, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh trong toàn quân, Viện Lịch sử quân sự là cơ quan có nhiều lực lượng, nguồn tư liệu, được tiếp cận với nhiều nhân chứng lịch sử. Thông qua trao đổi kiến thức lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng với các khoa lịch sử của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu lịch sử, trong các cuộc hội thảo khoa học… nhiều vấn đề lịch sử được làm sáng tỏ. Đây là cơ sở quan trọng giúp Đảng ủy Viện lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, góp phần bảo vệ tính đúng đắn, cách mạng, khoa học trong đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng qua các thời kỳ.
Bốn là, thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm khen thưởng, biểu dương kịp thời. Đây là nội dung quan trọng thúc đẩy hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, Viện Lịch sử quân sự đã làm tốt việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Đối với cá nhân, khen thưởng bằng hình thức biểu dương, tính thành tích trong nhận xét cán bộ, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên và đề nghị cấp trên có thẩm quyền khen thưởng; cộng điểm thi đua đối với các đơn vị trực thuộc Viện.
Dự báo trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Trong đó, chúng xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm và khó nhận biết hơn theo phương châm “ngầm, sâu, mềm”, sử dụng nhiều lực lượng, phương tiện, biện pháp để tổ chức các hoạt động chống phá trên thực địa, trên không gian mạng, trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh trong thời gian tới, cần phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 các cấp. Thực hiện tốt phương châm: “Dự báo sớm, nhận diện đúng, phản ứng nhanh, đấu tranh kịp thời, hiệu quả”. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”, lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực, tăng cường cung cấp thông tin chính thống, chuẩn xác về các sự kiện, nhân vật lịch sử, tạo sức “đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước các thông tin xấu độc. Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý và đấu tranh, tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại âm mưu, hoạt động xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị./.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[1] Như các đối tượng: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đình Cống, Trần Đông A, Thái Văn Đường, Nguyễn Văn Đài, Hoàng Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thị Đoan Trang, Huỳnh Thục Vy, Cấn Thị Thêu…
[2] Như các bài: “30 tháng tư, ngày uất hận của dân oan Việt Nam”; “30/4, tự do không tự nhiên mà có”; “Chuyện cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975”; “Ai mới là ngụy?”…
[3] Thông tin liên quan đến Biển Đông trong tháng 2/2022, có 64 tin, bài viết, video tiêu cực với nội dung chủ yếu: Việt Nam quá chậm trễ trong đấu tranh với Trung Quốc; Việt Nam làm ngơ trước việc Trung Quốc tài trợ các hoạt động thi công, nạo vét ngoài khơi căn cứ hải quân Ream của Campuchia; Việt Nam tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm, nhưng thực tế chỉ “phát cờ cho ngư dân”, tàu tuần tra biển thì xin lại đồ cũ của Mỹ”… Chúng “khuyến cáo”: Việt Nam cần quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, xem xét lại chính sách quốc phòng “4 không”; yêu cầu Việt Nam thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và một số nước để thành lập khối “phòng vệ tập thể” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo…
[4] Tháng 2/2022, các tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước đăng tải 52 tin, bài viết, video xuyên tạc ý nghĩa lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979); tuyên truyền, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta không đưa sự kiện này vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy cho học sinh, sinh viên, cho đó là “không công bằng với thế hệ trẻ”; kêu gọi người dân tìm đọc một số cuốn sách, tài liệu có thông tin xấu độc về sự kiện này.
[5] Lợi dụng một số trang mạng nước ngoài đưa thông tin Thủ tướng Campuchiaphản ứng trước nội dung phát biểu của đại diện Biên phòng Việt Nam tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia” (10/3/2020) để tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.
[6]Gồm: Các cơ quan chức năng, đơn vị kỹ thuật, cơ quan báo chí Quân đội; các học viện, nhà trường, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự; Nhóm Chuyên gia, Cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương.
[7] Tiêu biểu là các bài viết: Trần Văn Phòng, “Có phải quân đội phải là trung lập”, Số 316 (4-2018); Nguyễn Ngọc Thanh, Phải chăng “Trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân là sai lầm”?, Số 317 (5-2018); Mạch Quang Thắng, “Nhận diện và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh”, Số 319 (7-2018); Hồ Nhật Vũ, “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trước sự chống phá của các thế lực thù địch”, Số 321 (9-2018); Vũ văn Hiền, “Nhận rõ tình hình mới và các dạng quan điểm sai trái, thù địch”, Số 327 (3-2019); Nguyễn Văn Sáu, “Không thể phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975”, Số 340 (4-2020); Phan Sỹ Phúc, “Bước đầu nhận diện âm mưu phủ định một số vấn đề lịch sử quân sự”, Số 353 (5-2021); Vũ Quang Hiển - Nguyễn Hà Hải, “Chống xuyên tạc lịch sử dân tộc - Một biện pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Số 359 (11-2021); Đinh Quang Thành - Văn Thị Thanh Mai, “Không thể xuyên tạc tiểu sử, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Số 361&362 (1&2-2021).
[8] Trong 2 năm 2020, 2021, Viện Lịch sử quân sự được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen; 1 cán bộ thuộc Lực lượng 47 được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.