Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Truyền thống dân tộc và quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Ngày phát hành: 27/06/2022 Lượt xem 4133


 

Kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” được hình thành, đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và đã trở thành quan điểm, tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kế sách giữ nước trong mọi thời đại. Ngày nay, quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng là sự kế thừa bài học, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của tổ tiên trong lịch sử.

 

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tích cực chuẩn bị mọi mặt từ trước, ngay trong thời bình để ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi, triệt tiêu các nhân tố có thể phát triển thành các nguy cơ, thách thức đe dọa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự ổn định chế độ, lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 

Truyền thống của dân tộc về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng rất nhiều các biện pháp: các hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; chăm lo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện kế sách “khoan thư sức dân”, xây dựng “thế trận lòng dân”, “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”... Có thể khái quát truyền thống của dân tộc về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trên những nội dung chính sau đây:

 

Một là, ông cha ta luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng, đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, coi đó là quy luật sinh tồn và phát triển của dân tộc.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã đúc kết: “Thái bình tu trí lực - Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên gắng sức - Non nước vững nghìn thu). Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn căn dặn: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Để giữ cho đất nước được yên ổn, bền vững từ bên trong, các triều đại thịnh trị của Việt Nam đều đã thực hiện những chính sách làm cho “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú, binh cường”, như: Trọng dụng nhân tài; lo đến việc dân, việc nước, tất cả mọi việc là vì đời sống hạnh phúc của người dân; có bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 

Hai là, các triều đại phong kiến nước ta thực hiện chính sách giữ yên biên giới, phên giậu quốc gia, chuẩn bị quân đội, phòng việc không ngờ.

Trong thời kỳ đầu mới giành độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc, mối đe dọa từ bên ngoài rất lớn, nên các triều đại thời kỳ này lo xây dựng lực lượng quân đội là chính và lo việc “rào” biên giới, phên dậu thật tốt. Vua Lý Nhân Tông đã căn dặn Thái tử cùng quần thần: “Nên sửa sang giáo mác để phòng việc không ngờ”[1]. Vua Lê Thái Tổ căn dặn hậu thế: “Biên phòng hảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài).

Để giữ vững sự ổn định khu vực biên giới, khẳng định chủ quyền quốc gia - dân tộc, cùng với những chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng biên cương, các triều đại phong kiến Việt Nam rất chú trọng việc phân định biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lực quản lý, điều hành đất nước. Đặc biệt, dân tộc ta đã sớm khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở pháp lý đấu tranh, ngăn chặn âm mưu xâm lược của ngoại bang: “Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận ở sách trời - Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm - Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”; “Núi sông bờ cõi đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác” (Nguyễn Trãi).

 

Ba là, các triều đại phong kiến nước ta còn thực hiện nhiều chính sách ngay trong thời bình để thực hiện “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú, binh cường”, kết hợp chặt chẽ giữa việc “binh” và việc “nông”, đẩy mạnh “khoan thư sức dân”.

Thời bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chuẩn bị tốt các điều kiện; khi có “biến” thì tập trung vào việc “binh”, nhằm giảm tải chi phí nuôi quân, vừa có lực lượng đánh giặc, vừa bảo vệ giang sơn bờ cõi. Kiên trì phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”; chăm lo xây dựng quân đội "quân cốt tinh không cốt đông"; thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nông), “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”; “nông binh bất phân” (nông dân và binh lính là một), thời bình, binh lính vẫn là những người nông dân, khi có chiến tranh, chính những người nông dân đó lại là binh lính bảo vệ Tổ quốc; coi trọng nuôi dưỡng lòng dân, “lấy dân làm gốc”. Bên cạnh đó, các triều đại phong kiến nước ta còn đẩy mạnh chiêu mộ, tuyển dụng nhân tài, ban bố luật lệ, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, gắn bó với dân, trên dưới đồng lòng.

 

Bốn là, thực thi chính sách “bang giao hòa hiếu”, mềm dẻo, khôn khéo, tránh “họa binh đao” cho đất nước.

Với các nước láng giềng, cha ông ta luôn tranh thủ tối đa cơ hội bang giao hòa hiếu, ngăn chặn chiến tranh, giữ yên bờ cõi, tạo môi trường hòa bình để các triều đại phong kiến Việt Nam tồn tại, phát triển thịnh vượng lâu dài, tránh họa xâm lăng của các thế lực bên ngoài.

Đối với nước láng giềng lớn phương Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã kiên trì thi hành những chính sách đối ngoại hết sức linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, tránh gây “họa binh đao”, máu lửa. Những khi buộc phải chiến đấu chống xâm lược, cha ông ta cũng chủ động kết thúc chiến tranh, xây dựng nền hòa bình, duy trì mối quan hệ hữu hảo, nhằm “tắt muôn đời chiến tranh”, đem lại “thái bình cho muôn dân”. Đặc biệt, một số triều đại đã thực hiện chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương” để che mắt “Thiên triều” phương Bắc, bên ngoài trên danh nghĩa chịu “thần phục”, nhún nhường, nhượng bộ, chấp nhận “cống nạp” để được phong chức tước, công nhận chủ quyền, hoãn binh, ngăn chặn chiến tranh, tránh họa binh đao, khói lửa, giữ yên bờ cõi,… bên trong thì xưng “hoàng đế” để cai quản, trị vì đất nước. 

 

Quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”[2].

Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyển thống dân tộc, quan điểm chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, giữ nước từ khi nước chưa nguy được Đảng ta phát triển lên một tầm cao mới, với những nội dung chủ yếu sau đây:

 

Một là, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy là truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, là định hướng chiến lược, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Từ khi ra đời, Đảng ta kế thừa, bổ sung và không ngừng phát triển quan điểm về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, các văn kiện nghị quyết đại hội luôn xác định phải nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, làm thất bại âm mưu hành động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ. Nghị quyết Trung ương tám khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chỉ rõ: “Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh biên giới, biển đảo, chiến tranh mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố”. Đến Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”[3]. Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, lần đầu tiên cụm từ “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” được chính thức sử dụng. Nghị quyết đã khái quát nhiều vấn đề cơ bản như mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng, phương châm phương thức, sức mạnh... chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Đại hội XIII, tiếp tục khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[4].

 

Hai là, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy là sự nghiệp của toàn dân trong đó lực lượng Quân đội, Công an là nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh là quan điểm nhất quán của Đảng ta. Quan điểm này xác định nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự nghiệp quốc phòng, an ninh ở nước ta. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì không thể huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc, toàn diện.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc luôn đòi hỏi phải hoạch định đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, các chủ trương, chính sách lớn về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn lịch sử; xác định những phương hướng cơ bản phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng, an ninh, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, Công an. Đảng phải có những quyết sách đúng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

 

Ba là, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao thế, lực, uy tín đất nước.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động đối ngoại, hoạt động ngoại giao có vai trò ngày càng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta xác định: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột: Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đại hội XIII chỉ rõ nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”[5]. Do đó cần phải phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

 

Bốn là, tích cực, chủ động nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược; giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu vì chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích dự báo chính xác kịp thời cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại giữ thế chủ động, kịp thời hóa giải các nguy cơ bùng nổ thành xung đột, chiến tranh. Trên cơ sở đó, chuẩn bị sớm về tư tưởng, nhân lực, vật lực, phương thức, phương tiện, phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa, triệt tiêu các nguy cơ, thách thức, nhất là nhân tố bên trong có thể dẫn đến đột biến bất lợi, xử lý hiệu quả mọi mầm mống có thể trở thành những nguy cơ đe dọa đến mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[6]. “Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động bất ngờ”.

 

Năm là, thường xuyên chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt tạo nền tảng vật chất, tinh thần để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chủ động xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững mạnh. Về xây dựng tiềm lực, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”[7].

Về xây dựng lực lượng, Đại hội XIII nhấn mạnh: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.

 

Về xây dựng thế trận, tập trung xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trong đó coi trọng "thế trận lòng dân"; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh theo phương châm: "Làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh", tạo nền tảng cho thế trận quốc phòng toàn dân trong thời bình, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh.

 

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa là tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là kế sách lớn, chiến lược tổng thể giữ nước ngày nay. Quán triệt và thực hiện tốt các nội dung kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chính là hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình mà không phải tiến hành chiến tranh, đó là thượng sách bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

PGS,TS PHAN TRỌNG HÀO

Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

 


 

 

 



[1]Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 313.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 317.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 149.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 156 - 157.

[5] Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 66.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII,tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 159, 165.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII,tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 157, 158.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết