Cách đây 47 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng Chiến dịch mang tên Bác kính yêu vẫn còn sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người Việt Nam hôm nay.
Chiến dịch mang tên Bác kính yêu
Sau những thắng lợi to lớn của các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên, Huế-Đà Nẵng, đánh dấu bước trưởng thành mới và toàn diện của quân đội ta, các đơn vị bộ độ chủ lực tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, về chỉ huy tác chiến và về kết hợp binh chủng trong các chiến dịch có quy mô lớn. Thu được thêm nhiều vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của địch, làm cho sức mạnh chiến đấu của các binh đoàn chủ lực của ta tăng lên. Lực lượng vũ trang địa phương của ta cũng phát triển về cả số lượng và chất lượng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Trong khi đó, quân đội Sài Gòn bị tổn thất nặng về số quân, tiêu hao lớn về vật chất trang bị, giảm sút rất nghiêm trọng về tinh thần chiến đấu.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã họp và nhận định: cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi vô cùng to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975.
Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Hội nghị Bộ Chính trị 31/3/1975 đã nhất trí nhận định ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn ngụy sụp đổ và đánh giá từ cuộc họp ngày 31/3/1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt”.
Trong cuộc họp ngày 8/4/1975 ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng (Tư lệnh); Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn (Phó Tư lệnh); Phạm Hùng (Chính ủy); Lê Ngọc Hiển (Tham mưu trưởng)… Bộ Chính trị khẳng định: cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu, thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm, quyết tâm giải phóng miền Nam. Do đó, cần tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Sau đó, có nhiều ý kiến đề nghị nên lấy tên Bác Hồ đặt tên cho chiến dịch tiến công vào Sài Gòn. Bộ chỉ huy Chiến dịch thấy ý kiến này rất hợp với tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đối với Bác nên đã nhất trí điện ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Chính trị cho đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch có nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh” (1). Tin chiến dịch được mang tên Bác đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.
Cũng trong ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.
“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”
Ngày 26/4/1975, sau khi chọc thủng tuyến phòng xa của quân đội Mỹ, năm cánh quân của quân đội ta gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận bao vây Sài Gòn. 17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở năm hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ. 5 giờ sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như: “chậm trễ là có tội với lịch sử”; “thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được nêu lên. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Cả nước hướng về Sài Gòn-Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sỹ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời của Bác Hồ kính yêu: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn - Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng hẻo lánh, các hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bản hùng ca bất diệt
Có thể thấy, Chiến dịch Hồ Chí Minh làm được điều kỳ diệu, hiếm có trong lịch sử chiến tranh: giải phóng thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu và ít tổn thất. Đề ra phương châm tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, nhưng tài thao lược theo cách “Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời”, kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước. Đó là việc thực hiện phối hợp chặt chẽ đòn tiến công mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực cơ động với đòn đánh hiểm của lực lượng vũ trang tại chỗ và phong trào nổi dậy của quần chúng - Cùng với 5 cánh quân là các đạo quân chủ lực từ 5 hướng tấn công bao vây Sài Gòn, còn có “5 cánh quân nổi dậy” tại 5 khu vực nội thành (Quận 3, Quận 4, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình), tổ chức nhân dân nổi dậy làm chủ ở cơ sở.
Chỉ 5 ngày quyết chiến chiến lược (từ ngày 26 đến 30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm tan rã toàn bộ chính quyền, quân đội, cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương còn lại ở miền Nam, gồm trên 45 vạn quân...
Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thành quả tổng hợp của các nhân tố: Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hoà bình trên thế giới.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới. Đó là nghệ thuật tập trung lực lượng quân sự lớn nhất, hình thành ưu thế áp đảo địch ở ngay trung tâm đầu não của chúng; hình thành thế trận bao vây chặt dựa trên lực lượng mạnh cả quân sự và chính trị, trong đó lực lượng vũ trang chủ lực cơ động chiến lược giữ vai trò nòng cốt, quyết định và đi trước một bước; thực hiện hiệp đồng các quân binh chủng, các hướng tiến công, các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương. Đó là nghệ thuật đánh dứt điểm nhanh, kết hợp chặt chẽ phòng thủ vòng ngoài với thọc sâu của các binh đoàn cơ giới và đột kích vào trung tâm thành phố Sài Gòn, chiếm mục tiêu quan trọng nhất. Đây là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Chiến dịch vĩ đại ấy được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Chiến dịch lấy tên “Hồ Chí Minh” mang tầm vóc đại thắng của dân tộc, một chiến công hiển hách dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo TTXVN
(1): Tác phẩm “Đại thắng mùa xuân”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.183