Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ
hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 7/3/2024, trong chuyến thăm chính thức đến Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cùng công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Như vậy, Australia đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản).
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc (5/2008)
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước phát triển ổn định với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác.
Sau khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng.
Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).
Tháng 5/2008, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
Kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hơn 15 năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước luôn duy trì xu thế không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam không ngừng đi vào chiều sâu và được củng cố.
Tiếp đó, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào ngày 30/10 và 1/11/2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” với nội dung rất phong phú và quan trọng.
Tháng 12/2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra “Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga (7/2012)
Quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay là một mối quan hệ luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của thời đại. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/1/1950.
Hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga vào ngày 16/6/1994, đưa quan hệ song phương vào giai đoạn phát triển mới.
Ngày 28/2 đến 2/3/2001, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.
Tháng 7/2012, nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với mục đích và mong muốn đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác Việt Nam-Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ (9/2016)
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngày 7/1/1972.
Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007. Sau đó, vào tháng 9/2016, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nước đã nhất trí nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Kể từ dấu mốc này, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Ấn Độ trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc (12/2022)
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992. Quan hệ giữa hai nước có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.
Tháng 8/2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myeong Bak.
Tháng 12/2022, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới khi nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là bước phát triển mới, tạo khuôn khổ mới cho việc nâng tầm hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như hình thành nên các chuỗi cung ứng và mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản, quốc phòng an ninh, văn hóa…
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (9/2023)
Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ vào ngày 12/7/1995. Đây là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.
Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 7/2013 nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
10 năm sau, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (ngày 10 và 11/9/2023), hai nước đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản, định hướng quan hệ hai nước thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Các nội hàm của mối quan hệ hợp tác mới sẽ kế thừa những nội dung hợp tác đã có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thì khẳng định, việc hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là bước đi quan trọng, làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn; mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước; thúc đẩy trao đổi giáo dục.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản (11/2023)
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã liên tục được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014).
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (từ ngày 27 đến 30/11/2023), hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Nhà lãnh đạo hai nước nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước; đồng thời khẳng định mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia (3/2024)
Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/2/1973. Hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện vào năm 2009 và ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015.
Tháng 3/2018, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược.
Ngày 7/3/2024, trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước đã công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thương mại đầu tư, nông nghiệp, quốc phòng, giáo dục, đào tạo…
Theo Thủ tướng Australia Anthony Albanese, với việc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai nước có thêm một số trụ cột về hợp tác chống biến đổi khí hậu, môi trường và hợp tác về năng lượng, trong khi cả Australia và Việt Nam đều có cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hai bên cũng thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa các Bộ trưởng về thương mại; thỏa thuận tăng cường giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường biển; đưa chuyển đổi số, hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thành một trụ cột mới trong mối quan hệ hai nước.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hai nước có "6 điểm hơn" gồm: Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; Thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; Hợp tác văn hoá, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; Giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn; Hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về an ninh-quốc phòng, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Theo TTXVN