Thứ Sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024

Phát huy vai trò, sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Ngày phát hành: 06/03/2024 Lượt xem 2252

 

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, những người phụ nữ Việt Nam, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đã có những đóng góp bền bỉ, to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và tiếp tục có đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đúng như lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
 
Từ xưa đến nay, đối với gia đình Việt Nam, phụ nữ luôn giữ vai trò rất quan trọng và được xem là người “người giữ lửa” trong gia đình. Yêu chồng thương con, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình, dòng họ… là truyền thống tốt đẹp mà phụ nữ Việt Nam, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã thêu dệt nên. Bởi thế, có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ ca ngợi công lao to lớn của người phụ nữ như: "Phúc đức tại mẫu", "Của chồng công vợ", “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”...  và những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy vẫn luôn được giữ gìn, trao truyền và phát triển qua nhiều thế hệ.

Không chỉ giữ vị trí quan trọng trong gia đình, từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường mà hình ảnh tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều bậc nữ kiệt khác. Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương sáng của các nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bởi thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, năng động, sáng tạo, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự đóng góp này xuất hiện ở tất cả các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, từ nông dân, công nhân, người lao động, văn nghệ sỹ, công chức, viên chức, giáo viên, nhà báo, luật sư, doanh nhân, đến các vận động viên, cán bộ ngoại giao, lực lượng vũ trang, nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực, ngay cả trong các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%, dần tiệm cận với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (đến năm 2025 là 60%). Các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội Việt Nam luôn có tỷ lệ nữ đại biểu thuộc diện cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới và đang có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Ở lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% - thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nhiều nữ doanh nhân đã khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Chất lượng của lực lượng lao động nữ cũng không ngừng được nâng cao, thể hiện qua trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng, vị trí, việc làm và thu nhập trong xã hội.

Về tham gia hoạt động khoa học, số lượng cán bộ tri thức nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, được thế giới ghi nhận, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân được trao Giải thưởng Kovalevskaia cao quý. 

Trong lĩnh vực thể dục-thể thao, thành tích của nhiều vận động viên nữ trên các đấu trường thể thao đỉnh cao đã ghi dấu ấn của Việt Nam ở khu vực và thế giới, làm nức lòng người dân trong nước.

Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%).

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng).

Những đóng góp bền bỉ, to lớn của phụ nữ Việt Nam ngày nay càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ”.

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
 
Kế thừa, phát huy truyền thống tôn trọng người phụ nữ trong văn hoá Việt, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ về bình quyền và bình đẳng giới của nhân loại, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã đề ra những chủ trương về xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy vai trò của phụ nữ; coi đó là ưu tiên chiến lược trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

 


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng toàn diện hơn, đầy đủ hơn; đồng thời, lên án mạnh mẽ những hành vi lệch chuẩn, coi thường, phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ nhất là việc ban hành các luật, như: Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Lao động (2019), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022)... Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới khá toàn diện, đồng bộ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Mọi hành vi vi phạm các quyền của phụ nữ và trẻ em gái đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được triển khai tích cực, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đáng ghi nhận, trong những năm qua, nguồn nhân lực nữ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm đào tạo, trọng dụng, tôn vinh thông qua việc triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, như: phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin với hình thức phù hợp có tính đến đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ yếu thế; tôn vinh các nhà khoa học nữ, doanh nhân nữ; đào tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, phụ nữ người dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới...

Nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ cũng đã được ban hành. Chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, chú trọng chăm lo phát triển tài năng nữ và nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng còn một số hạn chế, đó là: định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Một số vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; các vấn đề an ninh trật tự, đạo đức xã hội liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…”.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ, đồng thời để tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tại Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia nhân Ngày Quốc tế phụ nữ (ngày 8/3/2023) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Hội Phụ nữ tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thủ tướng chỉ đạo, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; ba Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp. Thủ tướng yêu cầu tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức...

Thủ tướng tin tưởng, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến sẽ được kế thừa, nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi người phụ nữ Việt Nam để nuôi dưỡng tình yêu thương, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng; tỏa sáng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết