Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

75 năm bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Những giá trị vượt thời gian

Ngày phát hành: 09/11/2021 Lượt xem 2593

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (1946). Ảnh tư liệu  


Cách đây 75 năm, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ hai thông qua, đặt nền tảng chính trị, pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới. Lịch sử lập hiến 75 năm qua cho thấy, các giá trị to lớn của bản Hiến pháp đầu tiên - Bản Hiến pháp 1946 luôn được đề cao, kế thừa, tiếp thu và phát triển trong mỗi bản Hiến pháp tiếp theo của nước ta.

 

 Bản hiến pháp khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở vào một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Vì vậy, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ".
Cùng với việc chuẩn bị tổ chức tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời gồm 7 người là: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại sau khi thoái vị), Đặng Thái Mai, Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.
Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và Bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo Hiến pháp với những nội dung thể hiện mơ ước và khao khát ngàn đời về độc lập dân tộc, về các quyền và tự do của con người Việt Nam.
Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “... một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.
          Hiến pháp 1946 gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: i) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; ii) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; iii) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật. Chương III quy định về nghị viện nhân dân. Chương IV quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp. Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết Hiến pháp của dân.

 

 Giá trị trường tồn của Hiến pháp 1946
Giá trị cốt lõi xuyên suốt của Hiến pháp năm 1946 là giá trị dân chủ. Từng điều trong bản Hiến pháp đều nhất quán một quan điểm, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, xây dựng một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đó vừa là mục đích của cuộc cách mạng giành độc lập, đó cũng là mục tiêu phải hướng tới khi chính thể dân chủ cộng hòa đã được lập nên. Hiến pháp quy định nội dung và cách thức thực hành dân chủ; là phương tiện để cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.
GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội phân tích: "Sau chương Chế độ chính trị là chương về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để thấy rằng vị trí pháp lý của quyền tự do dân chủ trong điều kiện ra đời của bản Hiến pháp được đưa lên hàng đầu để nói Bác nhận thức sâu sắc quyền tự do dân chủ của người dân của một nước mới giành được độc lập. Các quyền tự do dân chủ phải được ghi nhận đầy đủ trong bản Hiến pháp. Người dân là người chủ và là người làm ra bản Hiến pháp đó nên điều đầu tiên và trước hết là họ phải có quyền tự do dân chủ. Giá trị quyền tự do dân chủ trong Hiến pháp năm 1946 đầy đủ trên các mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các quyền tự do của cá nhân công dân được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch".
Dân chủ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu "dân là chủ và dân làm chủ". Lần đầu tiên, người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập có chủ quyền. Lần đầu tiên, các quyền tự do dân chủ của con người được Hiến pháp, đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm, trong đó có những quyền quan trọng như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, quyền bầu cử và ứng cử, quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, quyền tư hữu tài sản, quyền học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài…
Những giá trị cốt lõi tốt đẹp của bản Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát huy trong bốn bản Hiến pháp sau này là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Bốn bản Hiến pháp là bốn nấc thang về việc ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Theo GS, TS Trần Ngọc Đường, các bản hiến pháp sau này, đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã kế thừa và phát triển nhiều nội dung và kỹ thuật lập hiến của Hiến pháp 1946, trong số đó có nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.  Hiến pháp 2013 đã long trọng tuyên bố ở lời nói đầu rằng: “Nhân dân là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Hiến pháp 2013 không những quy định nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (Điều 6), bằng biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Điều 29 và Điều 120).
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Đó cũng là những tư tưởng kế thừa và phát huy giá trị của bản Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân.

 5 bản Hiến pháp của Việt Nam
1. Hiến pháp năm 1946
Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, tuyên bố nước Việt Nam độc lập từ Bắc đến Nam, theo chế độ dân chủ nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được đảm bảo…
2. Hiến pháp năm 1959 
Ngày 31/12/1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp năm 1959 đã phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại, phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc.
3. Hiến pháp năm 1980
Ngày 18/12/1980, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1980 đã xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
4. Hiến pháp năm 1992
Ngày 15/4/1992, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước, là bản Hiến pháp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
5. Hiến pháp năm 2013
Ngày 28/11/2013 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết