Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Chiến lược chống dịch COVID-19 chuyển hướng – nền kinh tế đảo chiều đi lên

Ngày phát hành: 31/12/2021 Lượt xem 1826

Từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" sang chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" là sự chuyển hướng mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân theo cách tốt nhât có thể và phục hồi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này cần sự tính toán chặt chẽ về chuyên môn dich tễ, cơ sở vật chất cũng như quyết tâm chính trị rất cao.

 

 

Sau gần 3 tháng nhìn lại, sự chuyển hướng này đã có những thành công đáng kể. trở thành một trong những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2021.

 

Lý do để từ bỏ "Zero COVID-19"  

Ngày 11/10/2021 Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Quy định nêu rõ: "Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định, dịch COVID-19 chưa thể được kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, ở các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Thực tế cho thấy, sau gần hai năm chống chọi với đại dịch, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt tư bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" rất khó đạt được và cái giá phải trả rất cao về kinh tế - xã hội, kể từ khi biến thể Delta xuất hiện.



Khi mới xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương coi "Zero COVID" là chiến lược đúng đắn với các biện pháp nghiêm ngặt - đóng cửa biên giới, cách ly người bệnh và người tiếp xúc gần, phong tỏa chặt cả vùng dịch rộng lớn. New Zealand, Australia là những ví dụ điển hình về việc theo đuổi quyết liệt mục tiêu "Zero COVID".

Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới từng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả trong năm 2020. Nhưng biến thể mới của của SARS-CoV-2 đã làm thay đổi màu sắc của bức tranh này. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam (từ ngày 27/4/2021 đến nay) thì nước ta và hầu hết các quốc gia trên thế giới có những điểm chung rất rõ rệt liên quan đến chủng Delta. Những thay đổi về bản chất trên bộ gen của virus được gọi là "biến thể" (variant). Sau khi biến đổi thì có những biểu hiện cụ thể, rõ ràng thì trở thành "biến chủng" (mutant), khác với chủng ban đầu. Khi đã là "biến chủng", virus được các nhà khoa học đặt tên mới.

Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020 và đến khoảng giữa năm 2021 thì đã lan tràn hầu khắp thế giới, có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với loại virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 hay biến thể xuất hiện tại Anh (Alpha) vào năm 2020. Từ những tháng đầu năm 2021, các chuyên gia về dịch tễ học đã cho rằng tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha vốn đã có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với virus đầu tiên được tìm thấy ở Vũ Hán. Giáo sư Stuart Turville, nhà virus học tại Viện Kirby, cho biết: "So với chủng ban đầu, chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn hai lần."

Đối mặt với sự xuất hiện tràn lan của Delta trong cộng đồng thì mục tiêu "Zero COVID" gần như là không tưởng và sự hy sinh rất lớn về sức người, sức của để "quét sạch" COVID-19 trong thời điểm hiện tại không còn nhiều ý nghĩa.

Tại châu Á, Singapore là quốc gia đầu tiên từ bỏ chiến lược "Zero COVID" vào tháng 6/2021, tiếp đến là Australia vào cuối tháng 8, rồi New Zealand vào đầu tháng 10, Thái Lan vào đầu tháng 11...

Hiện tại, chỉ còn một quốc gia duy nhất trên thế giới kiên trì với mục tiêu "Zero COVID" đúng nghĩa là Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh (CERI) ở Nam Phi, cho rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc có thể sẽ không ngăn chặn được biến chủng mới – Omicron.

Tuy nhiên, không thể nói rằng chiến lược "Zero COVID" ngay từ đầu đã là sự lựa chon sai lầm. Khi dịch mới xuất hiện, vaccine chưa được điều chế hoặc tỷ lệ người được tiêm chủng không cao, nền kinh tế còn "sung sức", phần lớn các quốc gia đều bế quan tỏa cảng… thì cách làm này là hợp lý. Thậm chí, nhiều nước không còn có sự lựa chọn nào khác. Mục tiêu của "Zero COVID" là làm giảm xuống mức thấp nhất các ca mắc, ca tử vong, không làm sụp đổ hệ thống y tế. Song, dù không xuất hiện các chủng mới Delta và Omicron thì biện pháp phong tỏa chặt, đóng cửa biên giới không thể kéo dài mãi mãi - nền kinh tế sẽ bị kiệt quệ và đời sống xã hội trở nên ngột ngạt.

Vì sao Việt Nam không chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" sớm hơn? Câu trả lời là tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm vaccine, "sức khỏe" của ngành y tế và khả năng thích ứng của các ngành kinh tế mũi nhọn.

Để chuyển hướng sang chiến lược mới trong phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ Việt Nam đưa ra quan điểm: "Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

 

Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.

Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết".

"Thích ứng linh hoạt" đem lại kết quả gì?

Với mục tiêu cao nhất của chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" - "bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19" thì việc đẩy nhanh đến mức cao nhất tốc độ bao phủ vaccine là chìa khóa của sự thành công.



Để có sự chuyển hướng mạnh mẽ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 11/10 thì Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị rốt ráo từ giữa năm 2021, đặc biệt là trong vấn đề vaccine.

Tối 5/6, Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ Vaccine, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội, nước ta chỉ phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.

Thủ tướng nêu rõ: "Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19".

Điều này khẳng định phương châm mới "5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) + vaccine" sẽ được thực hiện một cách quyết liệt.

Theo số liệu của Bộ Y tế, vào ngày 15/4/2021 nước ta mới có hơn 73.000 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, chủ yếu là lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đến ngày 11/10, ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, có tổng số hơn 55,2 trệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 39 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 16 triệu liều.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2021 (ngày 29/12), khi Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời được gần 3 tháng thì độ bao phủ vaccine của Việt Nam đã là hơn 149,3 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77,5 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 68 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là hơn 4 triệu liều.

Trong khi đó dân số Việt Nam tính đến ngày 30/12/2021 theo số liệu của Liên hợp quốc là gần 98,6 triệu người (nguồn: https://danso.org/viet-nam/).

Bộ Y tế khẳng định, thực tế đã cho thấy chiến lược vaccine của Việt Nam là phù hợp với tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt. Mặc dù Việt Nam xuất phát chậm hơn nhiều nước trong việc tiêm vaccine nhưng với tốc độ tiêm chủng vừa qua,số người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt hơn 94%, tiêm mũi 2 đạt 69% (chỉ tính đến đầu tháng 12/2021). Đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới.

Về cơ bản, Việt Nam đạt mục tiêu đề ra là trong tháng 12/2021 hoàn thành việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên

Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho biết: "Việt Nam là một trong những nước có độ bao phủ vaccine nhanh nhất thế giới. Chúng ta đang tiêm mũi vaccine bổ sung thứ 3, đây là một điểm sáng trong bối cảnh thế giới đang chao đảo vì các biến thể của virus SARS-CoV-2. Điều này rất đúng về mặt khoa học, vaccine không những làm giảm ca nhiễm, diễn biến nặng và tử vong với biến thể Delta, mà còn cả với biến thể Omicron, một biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Delta nhiều lần".

Nếu như vào ngày 12/10 số ca tử vong của bệnh nhân COVID-19 chiếm 2,4% tổng số ca mắc thì đến ngày 30/12, số ca tử vong đã giảm, còn 1,9% tổng số ca mắc ở Việt Nam.

Về mục tiêu "khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021" thì Nghị quyết 128/NQ-CP sau gần 3 tháng đi vào cuộc sống, đã đem lại những kết quả rất rõ rệt.

Ngày 29/12, tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý 4 năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: GDP của Việt Nam ở quý 4 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó mức tăng ở quý 1 là 4,72%, ở quý 2 là 6,73%, ở quý 3 là âm (-) 6,02%.

 


Có thể thấy, chiến lược chống dịch COVID-19 chuyển hướng đã làm cho nền kinh tế đảo chiều đi lên. Việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" từ ngày 11/10 đã khiến cho nền kinh tế ở nước ta đang tăng trưởng âm (-) 6,02% chuyển sang tăng trưởng dương (+) 5,22%.

Tính chung cả năm 2021, GDP ước tăng 2,58%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%... Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2021 thì khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có thể đứng đầu Đông Nam Á.

Trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì các doanh nghiệp ở Việt Nam đã thể hiện sự năng động và có niềm tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ cũng như của chính quyền các địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021 có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động. Có 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160.000 doanh nghiệp..

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.

Như vậy, trong năm 2021 Việt Nam đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt, trong đó có đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và kéo dài. Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời, linh hoạt để chỉ đạo việc phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân, phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép - đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đây là tiền đề quan trọng để vào năm 2022 Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh ‘bình thường mới".

 

Trần Quang Vinh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết