Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế biển đảo ở một số quốc gia, những kiến nghị cho Việt Nam ​ ​

Ngày phát hành: 30/12/2021 Lượt xem 5116

Hội thảo khoa học “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, mô hình nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”

 

Áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 

 

 

1. Mở đầu

 

Việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế truyền thống, hay còn gọi là kinh tế tuyến tính, dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Khác với kinh tế tuyến tình, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm hạn chế đến mức tối đa việc phát sinh chất thải. Để đạt được thay đổi cơ bản về xã hội, KTTH phải được các chính phủ phát triển một cách đồng bộ với đầy đủ các nguồn lực được phân bổ để hỗ trợ sự thay đổi” (Herlevi, 2020).

 

Báo cáo tham luận này được xây dựng với các mục đích chính sau: (1) Tổng kết kinh nghiệm phát triển, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh (TTX) trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo đã được triển khai ở một số tỉnh, thành ở Việt Nam và một số nước khác; (2) Đưa ra một số kiến nghị về phát triển KTTH cho Việt Nam.

 

2. Kinh nghiệm phát triển, thực hiện KTTH, TTX trong phát triển kinh tế- xã hội và ứng phó với BĐKH ở một số nước

 

Sự chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là một bước tiến và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở một số quốc gia. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, KTTH được xác định là một hướng đi đúng đắn với các mô hình độc đáo và có hiệu quả cao, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Dưới đây là tóm tắt kinh nghiệm phát triển KTTH, TTX trong phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) của một số quốc gia phát triển hoặc có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

 

2.1. Kinh nghiệm phát triển, thực hiện KTTH trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo và ứng phó với BĐKH

 

a) Nhật Bản

Cách tiếp cận thực hiện KTTH tại Nhật Bản có thể được coi là một điển hình của cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia. Từ năm 1991, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện KTTH nhằm đưa nước này trở thành một “xã hội dựa trên tái chế” thông qua việc ban hành và triển khai nhiều văn bản pháp luật liên quan, cụ thể như sau: Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing Recycling-Based Society) có hiệu lực từ năm 2002; Luật Tái chế thiết bị ban hành năm 2001; Chiến lược năng lượng sinh khối ban hành năm 2003; Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon thấp ban hành năm 2008.

 

Bên cạnh KTTH, TTX cũng là một nội dung rất quan trọng được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong Chiến lược tăng trưởng mới ban hành vào năm 2009. Chiến lược này phác thảo một mô hình tăng trưởng dựa trên nhu cầu trong nước, đổi mới và hội nhập. Chiến lược có tính đến những thách thức của BĐKH và tình trạng dân số già của Nhật Bản, các mục tiêu chính về tăng trưởng xanh được đề cập trong Chiến lược, đó là: (1) Thúc đẩy “đổi mới xanh”, tức là đổi mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng để đạt được một xã hội các-bon thấp; (2) xanh hóa hệ thống thuế là một trong những công cụ sẽ được sử dụng để thúc đẩy đổi mới xanh.

 

Trong triển khai thực hiện KTTH và TTX, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp cụ thể như sau: (1) Thực hiện sản xuất sạch hơn: Theo nguyên tắc “3R” (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) của nền kinh tế tuần hoàn là tiết kiệm tài nguyên; (2) Làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất: Luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế của Nhật Bản chỉ rõ doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu và sản phẩm cũ trong phạm vi chịu trách nhiệm của mình; (3) Kiến tạo những khu công nghiệp sinh thái: Việc liên kết các quy trình sản xuất và chia sẻ tài nguyên giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái có thể gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm bớt lượng chất xả thải và thực hiện tái chế tối đa nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất; (4) Xây dựng hệ thống thu gom sản phẩm tái chế tiện dụng: Tại Nhật Bản hệ thống thu gom các thiết bị cũ để tái chế rất toàn diện và dễ sử dụng cho nên phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản thường xuyên áp dụng. Các thiết bị cũ được các nhà bán lẻ thu nhận lại tại cửa hàng hoặc khi cung cấp thiết bị mới; (5) Người tiêu dùng trả phí trước: Đối với một số sản phẩm gia dụng như thiết bị điện tử, chi phí vận chuyển và thu hồi sản phẩm cũ đã được người tiêu dùng thanh toán tại thời điểm mua hàng. Thêm vào đó là mức xử phạt rất cao nếu người dân không tuân thủ các quy định về xả rác, thu gom và xử lý sản phẩm cũ; (6) Cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu: luật pháp quy định rõ các doanh nghiệp sản xuất lớn đồng thời phải đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế, đảm bảo họ có thể được hưởng lợi trực tiếp từ việc thu hồi các nguyên liệu hay các bộ phận trong các sản phẩm cũ, đồng thời họ hiểu rõ những khó khăn khi phải tái chế các sản phẩm. Do đó, họ có ý thức về tài chế ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, đến sản xuất, phân phối và thu hồi sản phẩm sau sử dụng.

 

Để thực hiện mô hình TTX, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ gồm: Đầu tư xanh; Nghiên cứu và triển khai công nghệ xanh; Trợ cấp và ưu đãi thuế cho việc mua bán công nghệ xanh, sản phẩm xanh; Tuyên truyền, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, đặc biệt là áp dụng hệ thống thuế xanh - một trong các công cụ quan trọng được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến xanh.

 

Đối với phát triển kinh tế biển, Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển. Đầu thế kỷ XXI, trước thực tế các hoạt động của con người có tác động to lớn đối với môi trường biển và tài nguyên đại dương, tạo ra các thách thức với nhân loại, Nhật Bản đã ban hành sách trắng về đại dương và chính sách đại dương số đầu tiên vào năm 2004. Theo đó, Nhật Bản đã xác định phát triển bền vững và quản lý đại dương toàn diện là những đòn bẩy chính sách quan trọng trong thế kỷ 21. Sách trắng về đại dương và chính sách đại dương của Nhật Bản năm 2021 đã tập trung vào những chủ đề liên quan đến Thập kỷ khoa học biển vì sự phát triển bền vững và đặc biệt là chủ đề “hồi phục xanh” sau đại dịch COVID-19, với hàm ý tạo ra một nền kinh tế biển và đại dương mạnh mẽ hơn trên cơ sở tôn trọng đa dạng sinh học biển, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu bằng cách chuyển đổi sang thương mại bền vững với môi trường, duy trì các đại dương khỏe mạnh.

 

b) Hoa Kỳ

 

Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế tuần hoàn được coi là đồng nghĩa với thuật ngữ “nền kinh tế không chất thải”. Luật quản lý chất thải trên toàn quốc của Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 1965 với “Đạo luật xử lý Chất thải rắn” (Solid Waste Disposal Act). Tiếp theo là Đạo luật Bảo  tồn và  Phục  hồi Tài  nguyên  (Resource  Conservation  and Recovery  Act- RCRA) năm 1976.

 

Chương trình RCRA do US EPA và các bang, chính quyền địa phương cùng thực hiện, bảo vệ cộng đồng và môi trường từ việc quản lý chất thải rắn không phù hợp và nguy hại, làm sạch môi trường đất và nước, bảo tồn tài nguyên và phân quyền cho người dân bằng cách cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho phép cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định. Một chương trình khác là chương trình Quản lý nguyên liệu bền vững (Sustainable Materials Management-SMM) của EPA, là một cách thức tiếp cận có hệ thống nhằm thúc đẩy việc sử dụng và tái sử dụng vật liệu trong vòng đời của chúng. Chương trình có bốn mục tiêu chính: giảm tỷ lệ thải bỏ; giảm thiểu tác động đến môi trường; tăng lợi ích kinh tế - xã hội; và nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc áp dụng các thực hành Quản lý nguyên liệu bền vững. Chương trình đặt ra ba ưu tiên chiến lược: (i) môi trường; (ii) quản lý thực phẩm bền vững; (iii) đóng gói, bao bì bền vững.

 

Đối với các vùng biển đảo của Hoa Kỳ, tại đảo Guam, theo sáng kiến nhằm chuyển đổi từ du lịch tuyến tính sang du lịch tuần hoàn, chiến lược ba mũi nhọn là i) Giáo dục công chúng về các khái niệm du lịch tuần hoàn; ii) Làm việc với các cơ sở khởi nghiệp và iii) Thiết lập một không gian dành cho người sáng tạo. Để tiến tới du lịch tuần hoàn trên quy mô lớn ở Guam, cần có một khung pháp lý đầy đủ và quy định về đầu tư, xây dựng thương hiệu Guam như một điểm đến du lịch tuần hoàn, không có gì là “chất thải” và mọi thứ có thể trở thành “tài nguyên”. Đối với đảo Samoa, vào tháng 3/2019, đảo này đã triển khai hợp tác công tư (PPP) về rác thải điện tử. Tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh của Samoa đã tiến thêm một bước với sự ra mắt của Hiệp hội Quản lý Chất thải và Tái chế Samoa (SRWMA). Một ví dụ khác tại đảo Saint Lucia nằm trong vùng biển Caribe (Trung Mỹ), theo Kế hoạch Hành động Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Cacbon thấp hướng đến Tăng trưởng xanh, có mục đích giảm số lượng chất thải hoạt động dân sinh tạo ra, hướng tới mục tiêu không lãng phí, tập trung cải thiện hạ tầng quản lý chất thải và thúc đẩy tái chế. Trong hoạt động du lịch, các khuyến nghị tập trung vào việc cân nhắc nhu cầu các sản phẩm dịch vụ, áp dụng các thực hành mua sắm bền vững để giảm phát sinh chất thải - đặc biệt liên quan đến nhựa và thực phẩm.

 

Mỹ là một trong những quốc gia sớm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển. Ngay từ năm 1959, Mỹ đã xây dựng kế hoạch 10 năm về hải dương học 1960 -1970 và tiếp theo đó là các kế hoạch khoa học công nghệ biển nhằm nghiên cứu, hiểu biết nhiều hơn, sâu hơn về biển, các dạng tài nguyên biển và tiềm năng khai thác, sử dụng chúng cho quá trình phát triển. Năm 2004, Ủy ban chính sách đại dương quốc gia đã đệ trình Tổng thống Mỹ bản “Thiết kế đại dương cho thế kỷ 21” với bộ nguyên tắc cụ thể cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đại dương. Theo đó, các nguyên tắc về tính bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học biển; nguyên tắc áp dụng việc quản lý tài nguyên biển cho mọi cơ quan, tổ chức và công dân Hoa Kỳ, cho nhiều mục đích sử dụng, dựa vào hệ sinh thái, có tính thích ứng; bảo đảm sự kết nối hệ thống đại dương - đất liền - khí quyển; bảo đảm trách nhiệm giải trình, sự tham gia của các bên có liên quan.

 

c) Hàn Quốc

 

Hàn Quốc triển khai nền kinh tế tuần hoàn bắt đầu theo cách tiếp cận tập trung vào xử lý và tái chế chất thải. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tái chế cao thứ hai trong các quốc gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2014; McCarthy và cộng sự 2018). Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tuyên bố ban hành các nguyên tắc tuần hoàn tài nguyên từ đầu năm 2018. Về phạm vi biển đảo, Kế hoạch hành động quốc gia lần thứ nhất về rác biển và trầm tích ô nhiễm biển (2021-2030) tại Hàn Quốc ban hành giải quyết các vấn đề về rác trên biển dựa trên sự tuần hoàn nguồn tài nguyên và phương pháp tiếp cận trung hòa các-bon, tập trung vào việc mở rộng thu gom, xử lý và tái chế, với mục đích giảm rác thải nhựa trên biển đạt 50% vào năm 2030 (COBSEA, 2019).

 

Tăng trưởng xanh các-bon thấp của Hàn Quốc gồm Xây dựng khung quản trị vững chắc cho tăng trưởng xanh bằng việc thành lập Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh (Presidential Committee on Green Growth - PCGG) vào năm 2009; Tăng cường khung thể chế, pháp lý tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh bằng việc ban hành Luật về khung tăng trưởng xanh, các-bon thấp năm 2010; Cam kết của Hàn Quốc trong Chương trình Nghị sự về BĐKH toàn cầu tạo ra một nền tảng thể chế thuận lợi cho tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc (Công nghệ môi trường, 2019).

Chính sách pháp luật chính gồm: (i) Đạo luật quản lý rác biển và trầm tích bị ô nhiễm tập trung vào quản lý rác biển bao gồm rác thải nhựa biển và vi nhựa thông qua sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và chu kỳ tuần hoàn vòng đời sản phẩm; (ii) Khung hành động về tuần hoàn tài nguyên tăng cường các chính sách về tuần hoàn tài nguyên đại dương và đất liền, giảm sự lãng phí tài nguyên và nguồn năng lượng không cần thiết. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng xây dựng các chỉ số đánh giá chất lượng nước (WQI) và xác định lượng rác biển được thu gom thông qua các dự án xử lý rác biển quốc gia (IGES, 2021).

 

Mô hình tăng trưởng xanh, các-bon thấp của Hàn Quốc có đặc thù riêng từ sự quản lý và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ cấp quốc gia xuống địa phương và đưa tầm tăng trưởng xanh thành ưu tiên quốc gia cũng như trong các chương trình nghị sự quốc gia. Quá trình thực hiện tăng trưởng xanh các-bon thấp của Hàn Quốc gồm có huy động nhiều Bộ ban ngành lập ra các kế hoạch tăng trưởng xanh toàn diện ở các cấp, các ngành, cấp quốc gia và địa phương như Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009-2050) và Kế hoạch tăng trưởng xanh 5 năm (2009-2013).

 

Nhằm đóng góp vào chiến lược giảm rác thải nhựa đại dương, Kế hoạch tuần hoàn tài nguyên quốc gia lần 1 (2018 - 2027) được thiết lập với mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ phát sinh chất thải GDP của Hàn Quốc xuống 20% cho đến năm 2027. Kế hoạch hành động quốc gia lần thứ 3 về sông và cửa biển (2021-2025) được xây dựng nhằm quản lý hiệu quả các con sông và cửa sông dễ bị ô nhiễm do chất thải xâm nhập từ đất liền. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành Quy định về túi ni lông cấp Quốc gia cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần trong các siêu thị lớn từ ngày 1/1/2019 nhằm bảo vệ môi trường và khuyến khích thực hiện tái chế (Korean Times, 2019). Ngoài ra, liên quan đến quy định về vi nhựa, Quy định về sản phẩm mỹ phẩm (2017) cấm tất cả các sản phẩm mỹ phẩm có chứa hạt vi nhựa dưới 5mm năm 2017. Quy chế sử dụng hạt vi mô (2021) cấm sử dụng vi hạt trên tất cả các chất tẩy rửa được sản xuất trong và ngoài Hàn Quốc (IGES, 2021).

 

Một số nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc gồm có: Kế hoạch Toàn diện ứng phó với BĐKH tập trung vào phát triển ngành công nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh trong xuất khẩu, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế; Gói Kích cầu xanh nhằm đối phó với tình hình khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008 có trọng tâm là tạo việc làm và nâng cao hiệu quả của các ngành nghề hướng tới xây dựng một nền kinh tế tiết kiệm tài nguyên; nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm tương lai an toàn; Chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ xanh tập trung vào 27 lĩnh vực công nghệ chính như dự báo kịch bản BĐKH và xây dựng mô hình, tấm năng lượng mặt trời điện quang voltaic, LED, tái sử dụng rác thải, lưu giữ các-bon, v.v; Các Kế hoạch tăng trưởng xanh của các Bộ ngành như Chiến lược công nghiệp tăng trưởng xanh theo mô hình tri thức làm chủ đạo và chiến lược năng lượng xanh của Bộ Kinh tế tri thức, Kế hoạch thực hiện tăng trưởng xanh lĩnh vực môi trường của Bộ Môi trường, Chiến lược văn hóa vì tăng trưởng xanh ít các-bon của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch; Chương trình Quản lý mục tiêu đảm bảo khu vực tư nhân nhận thức được tầm quan trọng của giảm nhẹ phát thải; và kiến thức trong triển khai các mục tiêu giảm phát thải của quốc gia (GGGI, 2019).

 

d) Châu Âu

 

Chính sách Kinh tế tuần hoàn hiện tại ở Châu Âu dựa trên Kế hoạch Hành động Kinh tế tuần hoàn, được Ủy ban Châu Âu thông qua vào tháng 12 năm 2015. Nó nhằm mục đích “kích thích sự chuyển đổi của Châu Âu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu, tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ra nhiều nguồn việc làm mới” (Farmer, 2020). Luật chất thải sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 bao gồm các hành động hỗ trợ kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu bắt buộc đối với các quốc gia thành viên về quản lý chất thải. Theo đó, mục tiêu chung của EU là tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035; tái chế 70% chất thải bao bì vào năm 2030. Ngoài ra, các vật liệu đóng gói cụ thể gồm có giấy và bìa cứng: 85%, Kim loại màu: 80%, Nhôm: 60%, Kính: 75%, Nhựa: 55%, Gỗ: 30%. Mục tiêu chôn lấp ràng buộc nhằm giảm lượng rác thải xuống mức tối đa 10% chất thải đô thị vào năm 2035. Khung pháp lý về Tăng trưởng xanh của Liên minh châu Âu là một lộ trình với các hành động cụ thể để sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn tài nguyên nhằm đạt được một nền kinh tế tuần hoàn, cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, xi măng, thép, công nghệ thông tin và truyền thông, hóa chất và dệt may.

 

Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal) được Ủy ban Châu Âu thông qua vào ngày 1/12/2019, tiếp theo đó là Kế hoạch Hành động Kinh tế tuần hoàn mới vào ngày 11/3/2020. Kế hoạch Hành động mới công bố các sáng kiến trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

 

Các chính sách quản lý chất thải của châu Âu thiết lập các mục tiêu về tái chế, các giới hạn trong chôn lấp, các yêu cầu để lập kế hoạch quản lý chất thải: Chỉ thị Khung chất thải; Chỉ thị Bãi chôn lấp; Quy định Vận chuyển Chất thải. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong thị trường sản xuất nội bộ gồm Chỉ thị về vòng đời của phương tiện; Chỉ thị về Chất thải bao bì và đóng gói; Chỉ thị về Pin và Pin thải; Chỉ thị về chất thải điện tử và linh kiện điện tử thải bỏ; Chỉ thị về Hạn chế các chất độc hại; Chỉ thị về Sản phẩm sử dụng năng lượng; Chiến lược của châu Âu về nhựa trong kinh tế tuần hoàn đặt nền tảng sản xuất nhựa căn cứ theo nhu cầu tái sử dụng, tái chế và thúc đẩy các vật liệu bền vững hơn (European Commission, 2018); Chiến lược của châu Âu đối với hàng dệt may; Chiến lược Môi trường xây dựng bền vững với mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng vật liệu và giảm tác động của BĐKH đến môi trường xây dựng (European Parliament, 2021); Chỉ thị về phát thải công nghiệp tích hợp thực hành về kinh tế tuần hoàn trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm (EU, 2020). Quy định về dán nhãn sinh thái của châu Âu; Chỉ thị về việc dán nhãn các thiết bị gia dụng sử dụng năng lượng và tài nguyên khác; Sáng kiến Điện tử tuần hoàn (European Parliament, 2021).

Bên cạnh KTTH, TTX, châu Âu cũng xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển xanh. Năm 2014, EU ban hành “Kế hoạch đổi mới nền kinh tế biển xanh” (Blue Economy Innovation Plan), xác định 03 nhóm nhiệm vụ, bao gồm (i) phát triển các ngành kinh tế biển có tiềm năng cao về tạo việc làm và tăng trưởng bền vững; (ii) ưu tiên các hoạt động thiết yếu nhằm cung cấp kiến thức, đảm bảo cơ sở pháp lý và an ninh trong nền kinh tế biển xanh; (iii) xây dựng các chiến lược biển khu vực của EU, đảm bảo thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

 

đ) Trung Quốc

 

Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật đầu tiên liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn. Tiếp đó, đến năm 2019, Hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa. Luật Bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc yêu cầu các cơ quan, ban ngành nhà nước ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, với các ngành được nhắm đến là than, sắt, điện tử, hóa chất và xăng dầu.

 

Chiến lược KTTH của Trung Quốc được triển khai ở ba cấp độ: Thúc đẩy sản xuất sạch ở phạm vi doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp triển khai hệ sinh thái công nghiệp, ở cấp khu vực phát triển các thành phố sinh thái. Chiến lược này đã được thử nghiệm trong bảy lĩnh vực công nghiệp và được thực hiện tại 13 khu công nghiệp, và kể từ năm 2005, tại 10 thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Việc xây dựng một thành phố sinh thái về cơ bản bao gồm ba khía cạnh chính của KTTH gồm: (i) hệ thống công nghiệp của nền KTTH (công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sinh thái và ngành dịch vụ); (ii) xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó nổi bật là sử dụng tuần hoàn nước, năng lượng và chất thải rắn; (iii) an ninh sinh thái với việc xuất hiện các tòa nhà xanh, việc nâng cao chất lượng môi trường sống và bảo vệ môi trường. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong việc thúc đẩy tái tuần hoàn các chất thải với nhiều sáng kiến, chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Một ví dụ điển hình là việc sản xuất bảng mạch điện tử tại quận Tô Châu. Các nhà sản xuất bảng mạch điện tử sử dụng đồng được thu hồi chất thải từ nơi khác trong khu công nghiệp, thay vì sử dụng đồng nguyên chất được sản xuất bởi các công ty khai thác.

 

Đối với phát triển kinh tế biển xanh, kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia đặt ra yêu cầu mở rộng không gian cho phát triển kinh tế biển xanh. Kế hoạch bổ sung nội dung phát triển nghề cá nội địa và nghề cá xa bờ để bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản ven biển, phục hồi môi trường, hệ sinh thái biển và cải thiện sự phát triển lành mạnh của nghề cá xa bờ một cách hiệu quả. Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các đổi mới khoa học của ngành công nghiệp biển và thiết lập sáu khu vực thí điểm đổi mới và phát triển kinh tế biển quốc gia và bảy cơ sở thí điểm công nghiệp


quốc gia để trẻ hóa ngành công nghiệp biển bằng khoa học và công nghệ, trong đó một số dự án đã đạt được kết quả quan trọng bao gồm Khu kinh tế xanh bán đảo Sơn Đông (Shandong  Peninsula  Blue  Economic  Zone),  Thung  lũng  Silicon  xanh Thanh  Đảo (Blue Silicon Valley) và hợp tác chiến lược giữa các công viên và khu công nghiệp biển nằm trong khu vực đồng bằng sông Dương Tử.

 

e) Một số nước khác

 

Thụy Điển là một trong những nước châu Âu điển hình trong phát triển và ứng dụng các mô hình KTTH. Tại quốc gia này, Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.

 

Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử  lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

 

 

2.2. Một số mô hình KTTH, TTX trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo của một số quốc gia trên thế giới

 

a) Mô hình kinh tế đảo xanh ở Hawaii và làng sinh thái ở Canada

 

Làng sinh thái là mô hình sống bền vững, hình thành bởi cộng đồng dân cư sống ở các vùng ven biển, ngoại ô, nông thôn, qua đó giảm các tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường. Để đạt được điều này, một số nước trên thế giới đã xây dựng mô hình làng sinh thái lồng ghép các kiểu hệ sinh thái, văn hóa, nhà sinh thái, sản phẩm xanh, năng lượng thay thế, các thói quen xây dựng cộng đồng. Tại các vùng Tây Bắc của Toronto và Ontario, Canada và tại Hawaii, Hoa Kỳ, các làng sinh thái ở đây còn được gọi là “Whole village” (làng nguyên vẹn) cùng nhau xây dựng các trang trại sinh thái cung cấp thực phẩm cho cả làng mà không sử dụng đến hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm. Như vậy, trên thế giới làng sinh thái đã hình thành và có những bước tiến đáng kể, từ mô hình làng sinh thái với mục tiêu là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiến tới mô hình làng sinh thái cung cấp thực phẩm xanh và đang tiến thêm một bước mới là điểm đến của du lịch sinh thái.

 

b)  Mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn tại Trung Quốc và Bangladesh


Một số công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đã được áp dụng ở Trung quốc và một số nước Châu Á hiện nay bao gồm: (i) Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System): là hệ thống nuôi trồng thủy sản có xử lý và tái sử dụng nước thải; (ii) Hệ thống nuôi trồng thủy sản Aquaponic (Aquaponic System): kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy sinh nhằm tận dụng chất thải giàu chất dinh dưỡng từ thủy sản làm phân bón cho cây trồng; (iii) Nuôi trồng thủy sản xa bờ (Offshore Aquaculture): hoạt động nuôi trồng thủy sản xa bờ dựa vào dòng nước để loại bỏ chất thải và cung cấp nước sạch, sự phát triển thủy sản phụ thuộc vào điều kiện môi trường, các trang trại nuôi trồng trên toàn cầu chủ yếu ở các vùng ven biển; (iv) Hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp với sản xuất nông nghiệp (Integrated agriculture-aquaculture_IAA):  tương tự hệ thống nuôi trồng Aquaponic, IAA cũng kết hợp 2 hệ thống sản xuất là chăn nuôi động vật và thủy sản, tận dụng chất thải của động vật làm thức ăn cho thủy sản; (v) Hệ thống nuôi trồng thủy sản đa năng tổng hợp (Integrated Multitrophic Aquaculture-IMTA): là hệ thống kết hợp giữa thủy sản được nuôi chính (thường là cá hoặc tôm) với các loài thủy sinh xử lý các chất thải (một hoặc hai loài tách dinh dưỡng hữu cơ như động vật nhuyễn thể, không xương sống… và một loài tách chất dinh dưỡng vô cơ hòa tan như tảo, rong) để tạo ra hệ thống cân bằng để phục hồi môi trường, giảm thiểu chi phí, đa dạng hóa sản phẩm.

 

Mô hình rừng, cá và cây ăn quả (3F - Forest, Fruit and Fish) ở Bangladesh đã thực hiện việc trồng các loại cây vừa có khả năng bảo vệ vừa có giá trị kinh tế, với việc tạo ra những ụ đất cao và cấu trúc dạng rãnh xen kẽ với ao nuôi cá cũng là 1 ví dụ điển hình của nhóm mô hình này.

 

c) Mô hình “vườn nổi” (floating garden) ở Bangladesh và Nhà nổi ở Hoa Kỳ, Hà Lan

 

Đối với các gia đình nghèo sống ở nông thôn Bangladesh, đất là một tài nguyên khan hiếm. Người dân phải sử dụng bất cứ không gian có sẵn nào để trồng trọt. Thêm vào đó, tình hình lũ lụt xảy ra hằng năm ảnh hưởng to lớn đến người dân đặc biệt là những người nông dân ở đất nước này. Trong mùa mưa, nhiều đất trang trại bị bao phủ bởi nước, không thể trồng cây. Mô hình vườn nổi là một trong các chọn lựa cho việc thích ứng với lũ lụt ở Bangladesh, giải quyết được nhu cầu của nông dân nghèo ở đây. Mô hình này được ứng dụng và tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong việc sản xuất tại huyện Gaibandha (ở miền Bắc Bangladesh).

 

Tại Hoa Kỳ và Hà Lan cũng thử nghiệm và phát triển mô hình nhà nổi (Float) được thiết kế để thả nổi một cách an toàn với mực nước dâng cao. Mô hình này có khả năng thích ứng tốt với nước biển dâng, bão và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường. Ngôi nhà có mái bằng tấm pin quang điện hấp thụ năng lượng mặt trời (có khả năng dự trữ năng lượng cho ngôi nhà trong vòng 3 ngày); bên trong khung nhà là hệ thống các đường ống nước, các thiết bị điện và cơ khí; các thùng chứa nước mưa và các bộ pin được sạc bằng năng lượng mặt trời dùng trong các mùa thiếu ánh sáng mặt trời. Như vậy, ngôi nhà này vừa có khả năng thích ứng với BĐKH và nước biển dâng mà còn giúp tiết kiệm tài nguyên nhờ nguồn năng lượng sử dụng là khai thác từ nguồn năng lượng Mặt trời. Tuy nhiên, chi phí xây dựng vào khoảng 15.000 USD, khá cao so với mức thu nhập ở các quốc gia đang phát triển, vì vậy, mô hình này sẽ khó khăn trong việc nghiên cứu và áp dụng ở Việt Nam.

 

d) Mô hình quy hoạch đô thị thích ứng với BĐKH tại thành phố Hafen (Cộng hòa Liên bang Đức)

 

Thành phố Hafen là một thành phố cảng được xây dựng và phát triển trên nền cảng cũ Hamburg, dọc theo sông Elbe. Đây là một trong số các dự án tái thiết xây dựng đô thị lớn nhất châu Âu đã và đang được xây dựng trong 10 năm qua. Dự kiến thời gian hoàn thành đề án quy hoạch này vào giữa năm 2020-2030. Đây là dự án quy tụ gần 700 kiến trúc sư giỏi trong và ngoài nước để cùng nhau thiết kế, quy hoạch và phát triển 1 thành phố thích ứng với BĐKH. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, thành phố này sẽ không ngán cảnh ngập lụt bởi được thiết kế với khả năng thích ứng với trường hợp nước biển dâng cao với việc xây dựng những ga-ra chống ngập nước, một mạng lưới đi bộ khẩn trên phố và không có nhà dân cư ở tầng I. Ngay cả các công viên trong thành phố cảng này cũng được thiết kế với khả năng chịu được tấn công của sóng, gió và bão thậm chí có thể nổi lên khi sóng biển dâng cao. Theo nguyên tắc thiết kế, thành phố Hamburg được kết nối với thành phố Hafen bằng những chiếc cầu về phía Bắc và theo mô típ chủ đạo là màu trắng. Thay vì xây dựng những con đê mới, các kiến trúc sư và kỹ sư đã kết hợp ý tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng và chịu được nạn lụt lội trong tổ hợp xây dựng đường xá, nhà cửa, không gian công cộng với mục đích vừa để khống chế nạn lụt, vừa mang đến cho cộng đồng kiến trúc cảnh quan mặt nước. Thành phố Hafen có thể xem là một mô hình, một cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề phát triển đô thị thích ứng với BĐKH và nước biển dâng.

 

đ) Một số mô hình ứng phó với thiên ta, lũ lụt, khan hiếm tài nguyên nước, xâm thực mặn có sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, như: Mô hình bơm nước mặt và nước ngầm bằng năng lượng mặt trời ở Australia, Mô hình quản lý lũ lụt tổng hợp ở Nigeria, Mô hình các trạm phát điện kết hợp lọc nước mặn thành nước ngọt ở các vùng biển, hải đảo dùng năng lượng triều của Australia, Mô hình tiết kiệm nước, sử dụng nước mưa, chắt lọc nước từ không khí dùng năng lượng mặt trời của Israel, v.v.

 

2.3. Bài học rút ra từ kinh nghiệm quốc tế trong KTTH, TTX

 

Tổng hợp và phân tích kinh nghiệm phát triển mô hình KTTH, TTX trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo ở một số nước có thể rút ra các bài học sau cho Việt Nam.

 

Thứ nhất, các nước đã xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật bao gồm cả quy định về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, và công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, và khung thể chế quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các chương trình, sáng kiến ứng dụng mô hình KTTH, TTX là nhiệm vụ hàng đầu.

Thứ hai, bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ và khung thể chế, các quốc gia điển hình trong phát triển mô hình KTTH đã thực hiện các giải pháp đồng bộ gồm truyền thông thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp hướng đến tiêu dùng, sản xuất bền vững, và xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện mô hình KTTH.

 

Thứ ba, các nước điển hình triển khai mô hình KTTH đã xác định các mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho các lĩnh vực cụ thể (ví dụ châu Âu đã đặt mục tiêu tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035), bộ tiêu chí “tuần hoàn”,  “xanh” cho trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế - xã hội các cấp. KTTH tập trung vào các nước phát triển, trong khi đó có những hạn chế trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn ở các nước đang phát triển, ví dụ như các quốc đảo ở Châu Phi. Andriamahefa Zafy và Failer (2021) đã xây dựng một bộ tiêu chí KTTH cho 9 hòn đảo ở Châu Phi nhằm thúc đẩy sự phát triển KTTH cho các hòn đảo này.

 

Thứ tư, Một số mô hình KTTH, kinh tế đảo xanh kết hợp bảo tồn sinh thái biển, thích ứng BĐKH, ứng phó với thiên tai được thực hiện ở một số quốc gia đã thể hiện tính ưu việt và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

 

3. Cơ hội, thách thức cho phát triển KTTH, TTX, kinh tế biển, đảo ở Việt Nam

 

3.1. Thuận lợi và thách thức

 

a) Thuận lợi

 

Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Những bài học, mô hình, kinh nghiệm của các nước trên thế là luận cứ quan trọng, tiền đề cho cho phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều công nghệ mới sẽ tạo nền tảng vững chắc để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động giám sát chất thải, thúc đẩy cơ sở phát triển theo hướng thân thiện môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

 

Trong phát triển KTTH, TTX hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng biển đảo thì vấn đề khai thác nguồn năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng. Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng năng lượng gió với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6 m/s tại độ cao 65 m, tương đương với 513 GW. Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt với khoảng 112 GW. Những năm gần đây việc tiếp cận tiềm năng điện gió ngoài khơi cho phép chúng ta có thể phát triển khoảng

100-120 GW công suất điện gió. Bên cạnh điện gió, điện mặt trời cũng có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt ở các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ và Tây bắc với số giờ nắng hàng năm cao (trên 1.800 giờ/năm). Đến nay, đã có trên 4.464 MW điện mặt trời đã hòa lưới, chiếm tỷ lệ khoảng 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam. Ngoài ra, theo đánh giá, các khu vực biển Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng năng lượng thủy triều, sóng biển: (i) ước tính tiềm năng năng lượng thủy triều ở một số khu vực nhưa sau: Móng Cái - Thanh Hóa (3,2 kW/m); Thanh Hóa - Hà Tĩnh (4,1 kW/m); Quảng Bình - Quảng Nam (6,5kW/m), Quảng Ngãi - Ninh Thuận (8,5 W/m); Bình Thuận - Cà Mau (4,8 kW/m); Cà Mau - Kiên Giang (3,3 kW/m); (ii) năng lượng thủy triều: ước tính mật độ năng lượng triều tại một số khu vực như Quảng Ninh khoảng 3,65 GWh/km2, Nghệ An khoảng 2,48 GWh/km2, rồi giảm đến khu vực Thừa Thiên - Huế là cực tiểu (0,3 GWh/km2), sau đó lại tăng dần vào miền Nam, đến Phan Thiết là 2,11 GWh/km2, đạt cực đại tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu là 5,23 GWh/km2.

 

b) Thách thức

 

Bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh tại Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức:

 

- Hiệu quả sử dụng tài nguyên hiện này còn thấp, suy thoái tài nguyên đang diễn ra ở nhiều nơi. Tài nguyên biển, nhất là vùng ven bờ đang cạn kiệt, suy thoái đa dạng sinh học, môi trường bị ô nhiễm; thiên tai, cực đoan khí hậu, nước biển dâng ngày càng tác động tiêu cực đến hoạt động KT-XH nói chung, KTTH, TTX biển đảo nói riêng.

 

- Thể chế, chính sách, xây dựng chiến lược quốc gia KTTH, TTX biển đảo chưa đầy đủ; chưa tích hợp đồng bộ KTTH, TTX biển đảo vào thể chế chính sách phát triển KT-XH nói chung, PTBV, ứng phó BĐKH, thiên tai, bảo đảm QPAN nói riêng. Chưa tính đến đầy đủ và hài hoà lợi ích của các bên liên quan thực hiện và phát triển KTTH, TTX. Chưa có bộ tiêu chí về KTTH, TTX biển đảo. Thách thức này cần phải được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường.

 

- Thiếu thông tin, dữ liệu, nhất là dạng dữ liệu lớn đáp ứng yêu cầu triển khai KTTH, TTX (ví dụ về dòng tài nguyên, nguyên vật liệu, chất thải cho sản xuất tuần hoàn, các sáng kiến và dự án hiện có về KTTH, TTX …).

 

- Hạn chế về nguồn vốn, nhân lực để triển khai KTTH, TTX cũng là một trong những thách thức lớn cần giải quyết.

 

3.2. Một số kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu, triển khai thí điểm các mô hình phát triển KTTH, TTX ở Việt Nam

 

Chính sách phát triển kinh tế biển xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn đã từng bước triển khai, kết hợp giữa truyền thống, kinh nghiệm nhà nông lâu đời và nghiên cứu, học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế. Một số nhóm mô hình đã được triển khai bước đầu và đem lại những kết quả tích cực.

 

- Nhóm mô hình kinh tế đảo xanh, sản xuất tuần hoàn: trong thực tế, từ những năm 1980, mô hình kinh tế hộ gia đình VAC là mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam được nhân rộng hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn. Trong những năm gần đây, Chương trình khoa học công nghệ quốc gia KC08 đã nghiên cứu, xây dựng Mô hình kinh tế xanh phù hợp với các huyện đảo, xã đảo của Việt Nam. Các mô hình được đề xuất đã kế thừa được nhiều kinh nghiệm quốc tế, như: làng xã sinh thái; mô hình nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn từng phần như mô hình kết hợp nuôi, trồng thủy sản, vật nuôi kết hợp với du lịch sinh thái; tăng cường sinh kế người dân và thích ứng với BĐKH. Mô hình được triển khai và có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận tại 3 xã đảo Việt Hải, Nhơn Châu và Nam Du.

 

- Nhóm các mô hình nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn từng phần, thích ứng với BĐKH, như mô hình cộng đồng ứng dụng giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng thích nghi với hạn hán và xâm nhập mặn tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Mô hình canh tác lúa chịu ngập úng, nhiễm mặn với các giống lúa ĐV108, SH2 tại thôn Kim Đông và Tân Giản (xã Phước Hòa), tỉnh Bình Định; Mô hình trồng rừng ngập mặn, khôi phục hệ sinh thái đầm Thị Nại; Mô hình trồng rau tại vùng đất cát khô hạn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; Các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH tại tỉnh Bến Tre: Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nhiều nhất của BĐKH (BĐKH). Nước biển dâng, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt trong vài năm gần đây. Trong thời gian qua đã có một số mô hình được triển khai thử nghiệm như: (1) Mô hình trồng Dưa hấu thích ứng với BĐKH tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; (2) Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến thích ứng với BĐKH ở Bến Tre. (3) Xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường giúp tránh các rủi ro do BĐKH gây ra; Các mô hình thích ứng với BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long: một số mô hình kết hợp đã được triển khai và mang lại những hiệu quả khả quan và có thể nhân rộng và phát triển: (1) Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm tại ĐBSCL; (2) Mô hình trồng rau trong mùa mưa trên đất líp vuông tôm thiếu nước ngọt; (3) Mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

- Một số mô hình khác, như: Mô hình trữ nước ngọt tại các đảo; Mô hình tách nước từ không khí phục vụ cho sinh hoạt các hộ dân dùng năng lượng mặt trời; Mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu, mô hình hệ sinh thái biển.

 

4. Kết luận và kiến nghị cho Việt Nam

 

Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển KTTH và TTX ở một số nước trên thế giới cho thấy, mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau, phần lớn các nước đều áp dụng quy trình phát triển nền KTTH theo các bước chính sau (1) sản xuất (bao gồm thiết kế và thực hiện sản xuất); (2) tiêu dùng; (3) quản lý chất thải; và (4) tái sử dụng, tái chế chất thải, và chuyển chất thải thành tài nguyên. Dưới đây là một số kiến nghị cụ thể:

 

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển KTTH, thúc đẩy TTX trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, người dân và nhà sản xuất. Trước mắt, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ưu tiên xây dựng và thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; các Quy hoạch có liên quan khác, có tính đến phát triển KTTH, thúc đẩy TTX biển đảo. Đối với các ngành kinh tế, lĩnh vực dịch vụ biển phải xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai cụ thể việc áp dụng công nghệ sử dụng tuần hoàn tài nguyên biển, thân thiện môi trường, ít carbon, ít chất thải. Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo biển; vận tải biển thông minh, cảng biển xanh, bền vững. Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; Xây dựng ban hành bộ tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH, TTX phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;

 

Hai là, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia và lộ trình thực hiện cho quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH, kinh tế xanh nói chung, cho biển đảo nói riêng. Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về TTX, nêu rõ các hành động ưu tiên và giải pháp thực hiện trong từng thời kỳ cụ thể để thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

 

Ba là, xây dựng và đầu tư nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển KTTH, TTX; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân trong phát triển và ứng dụng nền KTTH, TTX trong phát triển kinh tế-xã hội; Đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên môi trường biển, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH.

 

Bốn là, xây dựng chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan bao gồm cả khối tư nhân và người dân, phát huy nội lực trong xây dựng và thực hiện các mô hình KTTH, TTX, kinh tế biển xanh, các chương trình tiết kiệm năng lượng, phân loại rác thải tại nguồn, thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng trong phát triển kinh tế-xã hội biển đảo.

 

Năm là, xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao năng lực, truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của KTTH, TTX cho người dân và doanh nghiệp.

 

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu, công nghệ và mô hình thực hiện KTTH, TTX, quản lý lý rác thải nhựa đại dương, và phát triển kinh tế biển xanh.

 

Bảy là, triển khai thí điểm mô hình KTTH, KTX với một số ngành, lĩnh vực. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, có thể chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên sau: nhựa, quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương, nông nghiệp, thủy sản công nghiệp tuần hoàn, du lịch sinh thái. Thí điểm và nhân rộng một số mô hình cụ thể: (i) Mô hình KTTH trong lĩnh vực sản xuất nhựa và quản lý chất thải; (ii)  Mô hình KTTH trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển nông thôn mới; (iii) Mô hình KTTH trong công nghiệp; (iv)  Mô hình KTTH trong phát triển du lịch bền vững; (v) Mô hình kinh tế - xã hội tuần hoàn, áp dụng cho các đảo quan trọng.

 

 

GS. TS. Trần Hồng Thái 1, GS. TS. Mai Trọng Nhuận2, TS. Lê Ngọc Cầu 3,

TS. Đoàn Quang Trí 1, PGS. TS. Mai Văn Khiêm 1

1 Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

2 y ban tư vấn Quốc gia về Biến đổi khí hậu

3 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

1. Andrew  Morlet,  S.H. (2015).  Delivering  the Circular  Economy  A toolkit  for policy makers. Ellen MacArthur Foundation.

2. Coordinating Body on the Seas of East Asia (COBSEA) (2019). Meeting Report of the

Working Group on Marine Litter 17-18 June 2019, Bali, Indonesia.

3. European       Commission       (2018).       A      European       strategy      for      plastics. https://www.europarc.org/wp-content/uploads/2018/01/Eu-plastics-strategy-brochure.pdf.

4.  EU            (2020).            New            circular            economy            action            plan. https://ec.europa.eu/environment/pdf/circular- economy/new_circular_economy_action_plan.pdf.

5.  European   Parliament   (2021).   Strategy   for   a   Sustainable   Built   Environment. https://www.europarl.europa.eu/legislative-train/api/stages/report/05-2021/theme/a-european- green-deal/file/strategy-for-a-sustainable-built-environment.

6.  European          Parliament          (2021).          Circular          electronics          initiative. https://www.europarl.europa.eu/legislative-train/api/stages/report/current/theme/a-european- green-deal/file/circular-electronics.

7.  Farmer, A. (2020). Circular Economy: Global Perspective. Springer Nature Singapore

Pte Ltd. https://doi.org/10.1007/978-981-15-1052-6_20.

8. Herlevi,  K.  (2020).  Finland’s  road  map  to  a  circular  economy.  Retrieved  from

GreenBiz: https://www.greenbiz.com/article/finlands-road-map-circular-economy.

9. Institute for Global Environmental  Strategies (IGES). (2021). Action and Progress on

Marine Litter. https://g20mpl.org/partners/republicofkorea.

10.  Korean      Times      (2019).      Single-use      plastic      bags      banned      at      stores. https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2019/04/371_266418.html.

11.  McCarthy,  A., Dellink,  R., Bibas,  R. (2018).  The Macroeconomics  of the Circular

Economy Transition. OECD Environment Working Paper.

12.  OECD (2014). Towards Green Growth in Southeast Asia.

13.  Công nghiệp  môi trường  (2019).  Mô hình tăng trưởng  xanh  carbon  thấp của Hàn

Quốc. https://congnghiepmoitruong.vn/mo-hinh-tang-truong-xanh-carbon-thap-cua-han-quoc-

3206.html.

14.  Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) (2019). Kinh nghiệm Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc. https://gggi.org/site/assets/uploads/2019/07/Kinh-nghiem-tang-truong-xanh-Han- Quoc.pdf.

15.  Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (2017). Chính sách tăng trưởng xanh    của    Hàn    Quốc.    http://ciem.org.vn/Content/files/VNEP/kinh%20te%20xanh%20-

%20han%20quoc%20%20.pdf.

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết