Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - qua thực tiễn ở vùng Đông Nam bộ (phần 1)

Ngày phát hành: 28/12/2021 Lượt xem 2013

 

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua gàn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

 

Hơn 10 năm qua (2010-2021), trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn[1], Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020[2]; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn[3], và 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020[4] với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

 

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) cũng đã triển khai chương trình xây dựng NTM  và đã vượt các mục tiêu đề ra trước 2 năm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình triển khai có rất nhiều những bài học hay, gương tiêu biểu của các địa phương và nhiều nhân tố góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của Chương trình XDNTM. Bên cạnh đó, Chương trình cũng còn một số điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiều thách thức bên trong và bên ngoài đến từ biến đổi khí hậu, từ thị trường, từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Bài tham luận nghiên cứu, tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng NTM ở các tỉnh Đông Nam Bộ và một số địa phương có điển hình XDNTM.

 

1. KẾT QUẢ VÀ NHỮNG MÔ HÌNH MỚI

Thời gian qua, các tỉnh vùng ĐNB cũng đã nhanh chóng triển khai, xây dựng nhiều mô hình mới giai đoạn 2010-2020. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị BCH TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng ĐNB đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo góp phần phát triển nhanh, mạnh các địa phương.

 

1.1. Những kết quả chính

 

1.1.1. Chương trình XDNTM góp phần gia tăng “sự hài lòng” với cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội thông qua việc giảm nghèo hiệu quả, phát triển nông thôn giàu mạnh

Thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TƯ của Đảng, Chương trình XDNTM đã góp phần cải thiện đời sống của cư dân nông thôn. Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng 2,8 lần, từ 12,8 triệu đồng năm 2010 lên 35,9 triệu đồng năm 2018. Kết quả giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, tỷ lệ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 giảm xuống 9,6% năm 2018. Cùng với tăng trưởng thu nhập nông thôn, người dân ngày càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống tại nông thôn, tạo nền tảng cho ổn định chính trị - xã hội. Khảo sát của IPSARD phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác tại 12 tỉnh trên cả nước cho thấy tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng lên từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống nông thôn cao hơn và tăng mạnh hơn cùng với tăng trưởng mạnh về thu nhập[5]. Tỷ lệ này ở các xã đạt chuẩn NTM tăng từ 52,5% năm 2012 lên 82,8% năm 2018; trong khi đó tại các xã chưa đạt chuẩn NTM thì tỷ lệ này tăng từ 47,8% năm 2012 lên 76,2% năm 2018.

Chương trình xây dựng NTM cũng đã có đóng góp tích cực trong giảm nghèo nông thôn. Phân tích tương quan giữa tỷ lệ hộ nghèo với mức độ đạt chuẩn trong xây dựng NTM qua khảo sát của IPSARD cho thấy, nhóm xã đạt chuẩn NTM có xuất phát điểm khá hơn, nhưng quan trọng là các xã này có tốc độ giảm nghèo nhanh hơn nhóm xã chưa đạt chuẩn. Tỷ lệ nghèo ở các xã đạt chuẩn giảm từ 10,5% năm 2010 xuống còn 6,1% năm 2018; trong khi ở các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ nghèo chỉ giảm từ 20,3% năm 2010 xuống còn 17,4% năm 2018.

 

Bảng 1. Một số chỉ tiêu so sánh

giữa nhóm xã đạt NTM năm 2018 với nhóm xã chưa đạt

 

 

2010

2018

Chung

Xã đạt NTM năm 2018

Xã chưa đạt NTM năm 2018

Chung

Xã đạt NTM năm 2018

Xã chưa đạt NTM năm 2018

Thu nhập bình quân đầu người nông thôn (triệu đồng/người/năm)

19,0

21,9

16,4

35,0

38,8

31,7

Tỷ lệ thu nhập từ nông nghiệp trong tổng thu nhập của hộ nông thôn (%)

27,5

25,8

29,3

22,0

20,0

24,1

Tỷ lệ nghèo nông thôn (%)

15,7

10,5

20,3

12,1

6,1

17,4

Tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống (%)

50,4

53,5

47,8

79,3

82,8

76,2

(Ghi chú: Tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống được so giữa năm 2018 với năm 2012. Ba tiêu chí còn lại được so giữa năm 2018 với năm 2010).
Nguồn: IPSARD, Viện Khoa học lao động và xã hội, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, 2019

 

1.1.2. Chỉnh trang diện mạo nông thôn giàu đẹp, hạ tầng nông thôn thay đổi rõ rệt, nhận thức về “nông thôn giàu đẹp” được tăng cường

Sự khởi sắc trong diện mạo nông thôn là chuyển biến rõ nét nhất trong giai đoạn vừa qua. Sau giai đoạn đầu (2010-2015) còn chập chững khởi động[6], giai đoạn 2 của xây dựng NTM (2016-2019) đã tập trung xử lý nhiều hơn các vấn đề về hạ tầng và sinh kế của người dân nông thôn. Các tiêu chí về hạ tầng thủy lợi và thương mại tăng mạnh từ mức rất ít các xã đạt được đến nay đã có trên 90% các xã đạt được các tiêu chí này.

 

Ở hầu khắp các vùng quê nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM (năm 2011) đến nay, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông nông thôn hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã. Chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Khảo sát của IPSARD năm 2019 cho thấy 84,8% số hộ nông thôn hài lòng về các công trình hạ tầng trong xây dựng NTM; đặc biệt tại các huyện đạt chuẩn thì tỷ lệ này đạt mức 94-97%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng NTM, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt: số liệu điều tra cho thấy khoảng 80-90% số hộ nhận thức rõ về chủ trương, nguyên lý, nội dung xây dựng nông thôn mới[7].

 

 

1.1.3. Chương trình XDNTM góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh cả về giá trị sản xuất và lĩnh vực, hình thức hoạt động. Công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 12,2%/năm giai đoạn 2008-2017, cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2%  xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010-2018. Việc làm phi nông nghiệp của người dân nông thôn ngày càng phát triển. Theo điều tra của IPSARD năm 2019, thu nhập từ hoạt động NLTS chỉ chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn NTM thì tỷ lệ này là 20%, thấp hơn so với các xã chưa đạt chuẩn NTM ở mức 24,1%. 

 

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Đã có nhiều HTX kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh[8]. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương[9]. Trình độ KHCN của nền nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

 

Khảo sát gần đây cho thấy Chương trình xây dựng NTM đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ đi thuê đất từ hộ khác là 37,7%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ là 25,3%. Tỷ lệ hộ sẵn sàng góp đất canh tác cùng hộ khác nếu có chính sách hỗ trợ tốt tại các xã đạt chuẩn NTM là 47,6%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn NTM chỉ là 40,1%. Đây là nền tảng giúp tăng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác và hình thành liên kết chuỗi giá trị ở nông thôn. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương[10].

 

1.2. Những mô hình, cách làm mới

 

1.2.1. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong XDNTM

Một kết quả nổi bật trong xây dựng NTM đó là cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương. Sự sáng tạo này không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà ở hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa bàn. Nhiều HTX trở thành các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao, như HTX sản xuất chuyên ngành; HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị; HTX ứng dụng công nghệ cao… Chương trình OCOP mới phát triển nhưng đã tạo thành phong trào phát triển mạnh mẽ. Nhiều tỉnh chủ động có nhiều chương trình chính sách hiệu quả phát huy mạnh mẽ lợi thế địa phương nâng cao giá trị sản phẩm vùng miền và thu nhập của người dân.

 

Việc phát huy vai trò cộng đồng, địa phương trong xây dựng NTM có nhiều điển hình tốt. Nổi bật là TP.HCM, Đồng Nai - địa phương phát huy tốt truyền thống văn hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM với mô hình sáng tạo về  khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Về các Quỹ hỗ trợ người dân để: (i) Phát triển cơ sở hạ tầng; (ii) Hỗ trợ phát triển sản xuất; (iii) Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn. Về môi trường, cảnh quan nông thôn, đã xuất hiện những điển hình rất tốt trong xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh sạch, đẹp. Nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh đang trở thành nơi đáng sống, mà nổi bật là các huyện ở Đồng Nai với cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, những tuyến đường hoa, cây bóng mát...

Bên cạnh đó, còn rất nhiều các mô hình điển hình, cách làm hay sáng tạo, hiệu quả ở khắp các tỉnh trong cả nước trong xây dựng NTM. Những cách làm này đã góp phần tích cực tạo nên sự thành công của chương trình NTM và trên hết góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống người dân.

 

1.2.2. Những mô hình vận động nhân dân, các cấp, các ngành chung tay xây dựng nông thôn mới hiện đại, đặc trưng riêng

Các tỉnh vùng ĐNB cũng đã nhanh chóng triển khai, xây dựng nhiều mô hình, cách làm mới có tính sáng tạo.

a) Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng ứng Lễ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948 - ngày 1/6/2011); Thành ủy, Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức phát động Phong trào thi đua với chủ đề: “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”[11].

Thực hiện phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận - huyện triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới; đối với từng tổ chức chính trị - xã hội đều có tổ chức phát động phong trào thi đua riêng, như: (i) - “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới”; (ii) - “Thanh niên nông thôn lập nghiệp”; (iii) - “Trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các xã nông thôn mới”; (iv) - “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”; (v) - Xã hội hóa xây dựng đường giao thông nông thôn với nhiều phương châm như: “Hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự”, “nhà nước và nhân dân cùng làm”, “dân làm nhà nước thưởng”…; (vi) - “Lực lượng vũ trang Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”...

 

Qua các phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của bản thân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét. Để chung sức xây dựng nông thôn mới, ngày 27-3-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có Thông báo số 746-TB/TU theo đó giao nhiệm vụ cho 51 đơn vị (gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, 19 quận, các Đảng ủy cấp trên cơ sở, Tổng Công ty, Đảng ủy lực lượng võ trang Thành phố…) hỗ trợ 5 huyện, 56 xã xây dựng nông thôn mới tập trung vào phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xóa nhà tạm, dột nát, xây dựng đường giao thông nông thôn...

 

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đã phân chia chi tiết hơn 19 tiêu chí quốc gia thành 56 tiêu chí thành phần và đi đầu xây dựng thêm các tiêu chí nâng cao, xã huyện NTM kiểu mẫu theo tiêu chí nâng cao theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước. Cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai có 51/131 xã NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng thời đã vượt các mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM. Nổi bật là Xuân Lộc, 1 trong 4 huyện được chọn xây dựng thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước có 9/14 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã hoàn thành mục tiêu NTM kiểu mẫu. Xuân Lộc cũng là huyện duy nhất trong cả nước đạt và vượt mục tiêu về xã NTM nâng cao và đạt mục tiêu về xã NTM kiểu mẫu. Để đẩy mạnh thực hiện mô hình, chuỗi “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, Xuân Lộc đã tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình chuỗi hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất.

 

b) Tỉnh Bình Dương đi đầu trong xây dựng làng thông minh ở các xã nông thôn mới... UBND thị xã Tân Uyên đã chỉ đạo UBND xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện xây dựng Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025 trong đó lồng ghép với các nội dung xây dựng “Làng thông minh”. Theo đó, xây dựng Làng thông minh với mục tiêu là nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề cấp thiết hiện nay cho cộng đồng như: Công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, môi trường đáng sống, giàu đẹp, xanh, sạch... Trong tương lai, “Làng thông minh” Bạch Đằng sẽ là nơi đáng sống, thân thiện thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Từ việc thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận Làng thông minh cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới, nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh là quá trình thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, đảm bảo hài hòa các chỉ tiêu hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa (có bản sắc riêng).

 

c) Tỉnh Bình Phước, đã đẩy mạnh xây dựng kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong XDNTM.. Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng. Qua đó, thu hút sự tham gia của người dân, đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp. Với chủ trương “mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới” các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay sáng tạo, như: sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ; lập “quỹ nông thôn mới”; mỗi chi bộ, đoàn thể đăng ký một chỉ tiêu thi đua; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn. Đẩy mạnh triển khai mô hình “hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” cũng đem lại hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh “phát động toàn dân hiến đất, mở đường xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” và phát động thực hiện phong trào “góp đất làm đường giao thông đồng ruộng, nương rẫy”...

 

d) Tỉnh Tây Ninh, đến tháng 9/2020, đã có 35 xã được công nhận đạt chuẩn. Hiện có 14 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 20 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 02 xã đạt từ 05-09 tiêu chí nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt được 16,3 tiêu chí nông thôn mới, trong đó: thành phố Tây Ninh đạt 17,7 tiêu chí, thị xã Hòa Thành đạt 19 tiêu chí, thị xã Trảng Bàng đạt 15,3 tiêu chí, huyện Tân Biên đạt 16,8 tiêu chí, huyện Tân Châu đạt 13,7 tiêu chí, huyện Dương Minh Châu đạt 15,8 tiêu chí, huyện Châu Thành đạt 15,4 tiêu chí, huyện Gò Dầu đạt 17,4 tiêu chí, huyện Bến Cầu đạt 17,6 tiêu chí. Tỉnh cũng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, Dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn (Đề án OCOP). Tổ chức đào tạo nghề cho 3.500 lao động nông thôn.

 

e) Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Bà Rịa - Vũng Tàu rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động người dân. Hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng NTM thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất của người dân, gắn với thực hiện mô hình vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”. Qua quá trình vận động, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã thay đổi nhiều. Người dân đã hiểu rõ mình là chủ thể của Chương trình xây dựng NTM, từ đó tham gia vào xây dựng kế hoạch, giám sát, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng NTM. Cụ thể, hiện số tiền ủng hộ, hỗ trợ xây dựng NTM là hơn 553 tỷ đồng; số ngày công đóng góp hơn 78.700 ngày quy đổi thành tiền là gần 12 tỷ đồng; số diện tích đất hiến tặng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn là 1.115.600m2.

 

Sau 10 năm thực hiện, với sự chung sức của người dân và cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 62,2%) và 1 xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí của 45 xã xây dựng NTM là 757 tiêu chí, trung bình 16,8 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Thành phố Bà Rịa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 36,5 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM. Số hộ nghèo cũng giảm nhanh, đến nay, tỉnh chỉ còn 1.652 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, chiếm 0,6%.

 

Trên đây là những mô hình, cách làm rất hiệu quả, giúp cho vùng Đông Nam Bộ có nhiều thành tựu và kết quả cao trong XDNTM: như đạt xã, huyện, tỉnh nông thôn mới sớm nhất, tiêu biểu, kiểu mẫu... Vùng Đông Nam Bộ cũng là nơi phát triển kinh tế năng động, đến đầu năm 2020, vùng có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015), trong đó, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới*. Với tiềm năng và định hướng nêu trên, ĐNB hoàn toàn có thể chuyển sang phát triển nông thôn “thông minh” gắn với các cụm kinh tế nông nghiệp liên hoàn hiện đại (Agricultural cluster - theo lý thuyết của Michael E. Porter về Chiến lược cạnh tranh hiện đại).

(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng

Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.


[1] Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X

[2] Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội

[3] Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ

[4] Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 và số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ

[5] Thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt chuẩn NTM năm 2018 tăng từ 21,9 triệu đồng năm 2010 lên 38,8 triệu đồng năm 2018; tại các xã chưa đạt chuẩn NTM tăng từ 16,4 triệu đồng năm 2010 lên 31,7 triệu đồng năm 2018.

[6] Đa số chỉ tập trung vào các yếu tố chính trị như quốc phòng, an ninh, thông tin và truyền thông, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, đây là những tiêu chí có trên 40% xã đạt được trong giai đoạn này. Trong khi đó dưới 10% tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về giao thông, thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa.

[7] Điều tra năm 2019 của IPSARD: 95% số hộ nông thôn nhận thức được xây dựng NTM là do Nhà nước và nhân dân cùng làm; 95% số hộ hiểu rằng đối tượng thụ hưởng từ NTM là người dân và cộng đồng nông thôn; 84-94% số hộ liệt kê được xây dựng NTM bao gồm các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự; 86,2% số hộ hiểu rằng mình có trách nhiệm vận động cộng đồng cùng tham gia xây dựng NTM; 88,8% số hộ nhận thức được trách nhiệm tham gia góp công, góp vốn xây dựng NTM.

[8] Đến tháng 12/2018 cả nước có 9.235 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 3,6 lần so với năm 2008. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Vingroup, Vinamilk, Hoàng Anh, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood...

[9] Đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 21.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, đã có 1.096 chuỗi nông sản an toàn. Mô hình “Cánh đồng lớn” được nhân rộng ở nhiều địa phương, cả nước hiện có 2.262 điểm với tổng diện tích 579,3 nghìn ha.

[10] Đến 6/2019, cả nước đã có 49 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh; với khoảng 4.823 sản phẩm có lợi thế, trong đó có 1.086 sản phẩm (22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (đến năm 2020 dữ kiến đạt trên 2.418 sản phẩm); 695 sản phẩm (14,4%) có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đã có 6 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 5 sao, 100 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao.

 

[11]  Giai đoạn 2010-2015: Kế hoạch số 5785/KH-UBND ngày 21/11/2011, về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Giai đoạn 2016 – 2020: Kế hoạch số 7693/KH-UBND ngày 29/12/2016, về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết